Nếu không, tài xế sẽ bị phạt theo Nghị định 46/2016. Ngoài ra nghị định này còn bổ sung xử phạt 33 hành vi, nhóm hành vi mới.

Sáng 22-6, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT triển khai Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đến Ban An toàn giao thông (ATGT), Thanh tra GTVT, doanh nghiệp vận tải… của 21 tỉnh, thành từ Ninh Thuận trở vào.

Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8, thay thế cho Nghị định 171/2013 và Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 171. Nghị định 46 đã bổ sung quy định xử phạt 33 hành vi, nhóm hành vi vi phạm chưa được nêu ở quy định hiện hành và sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu một tình huống đáng lưu ý:

• Giảm phạt đối với đua xe: Theo Nghị định 46, mức phạt tiền đối với người đua mô tô, xe máy, xe điện và ô tô trái phép lần lượt còn 7-8 triệu đồng và 8-10 triệu đồng. Như vậy, mức phạt này giảm mạnh so với quy định hiện hành là 10-20 triệu đồng (đối với nhóm xe máy) và 20-30 triệu đồng (đối với ô tô).

Nhiều ý kiến quan ngại việc giảm mức phạt tiền với các hành vi trên sẽ làm nạn đua xe trái phép ngày càng bùng phát. Tuy vậy, theo bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), mức phạt trên để phù hợp với hình phạt tiền về tội đua xe trái phép được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ đầu tháng 7-2016. “Mức phạt tiền về hành vi vi phạm hành chính đua xe trái phép không thể cao hơn mức phạt tiền của tội đua xe trái phép. Bộ luật Hình sự đã quy định tội này và người đua xe ban đầu chỉ bị phạt hành chính nhưng nếu tái phạm sẽ bị xử lý hình sự nên đủ sức răn đe, ngăn chặn nạn đua xe trái phép bùng phát” - bà Hạnh nói.

• Tăng phạt ở đường vùng ven: Theo Nghị định 46, hành vi xây dựng nhà ở trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ ngoài đô thị và trong đô thị tăng rất cao. Cụ thể, cá nhân xây nhà trái phép ở hai khu vực trên hiện bị phạt 2-3 triệu đồng và 5-7 triệu đồng nhưng từ ngày 1-8 thì bị phạt cùng mức là 15-20 triệu đồng.

Liên quan nhóm này, một số ý kiến thắc mắc tuyến quốc lộ qua TP.HCM hoặc đường vùng ven, vành đai đang xây dựng, chưa hoàn chỉnh thì xếp vào loại đường đô thị hay đường bộ để làm cơ sở xử phạt các hành vi chiếm dụng. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tùy theo phân cấp và công bố của địa phương để xác định và áp dụng mức phạt. Ví dụ, quốc lộ 1 qua TP.HCM được phân cấp cho TP.HCM quản lý và đây là đường đô thị nên việc chiếm dụng vỉa hè đường này thì phạt cá nhân 6-8 triệu đồng (hiện hành là 3-5 triệu đồng)...

{keywords}

Hành vi chiếm dụng lòng đường vá vỏ xe sắp tới sẽ bị phạt nặng.

• Ngồi trên ô tô phải thắt dây an toàn: Quy định hiện hành chỉ bắt buộc người lái ô tô và người ngồi ở ghế đầu cạnh tài xế phải thắt dây an toàn. Tuy nhiên, Nghị định 46 mở rộng quy định xử phạt hành vi không thắt dây đai an toàn khi ô tô đang chạy (mức phạt 100.000-200.000 đồng). Ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT, Bộ GTVT, nói: “Trên ô tô, ở vị trí nào có dây an toàn mà người được chở không thắt thì sẽ phạt người lái. Hành vi này chỉ áp dụng đối với người lái, không phạt người được chở. Cứ cộng tất cả vị trí có dây an toàn và xem bao nhiêu người không thắt dây thì cứ nhân lên mà phạt người lái. Quy định này nhằm buộc lái xe luôn phải nhắc người được chở, người đi trên xe phải thắt nếu có dây an toàn”.

• Cầu khỉ được bê tông hóa, bị phạt? Theo Cục Quản lý đường bộ IV, dọc sát theo các quốc lộ, tỉnh lộ ở khu vực miền Tây có nhiều cầu khỉ từ nhà dân ra đã được bê tông hóa. Vậy các cầu này được coi là công trình tạm hay công trình kiên cố nằm trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ? (Theo Nghị định 46, nếu là công trình tạm và chủ công trình là cá nhân thì phạt 2-3 triệu đồng. Nếu là công trình kiên cố thì phạt 15-20 triệu đồng. Ngoài phạt tiền còn phải tháo dỡ công trình - PV).

Ông Hoàng Thế Tùng cho rằng Nghị định 46 không thể quy định chi tiết, cụ thể hóa những chuyển động sinh động trong cuộc sống của người dân như thế. Vấn đề là bằng “niềm tin nội tâm” của người thực thi công vụ, trên cơ sở quy mô, kết cấu của loại cầu bê tông mà xác định đó là công trình tạm hay kiên cố. Tuy nhiên, nguyên tắc xử lý vi phạm là làm sao có lợi cho người dân nhất, tức có thể phạt thấp và cho tồn tại tạm một thời gian.


(Theo PL TP.HCM)

Được tước bằng lái quốc tế của người nước ngoài

Việt Nam đã tham gia Công ước Vienna về giao thông đường bộ… nên Nghị định 46 bổ sung quy định người nước ngoài lái xe ở Việt Nam nếu vi phạm thì cũng bị tước bằng lái quốc tế do nước của người đó cấp. Theo ông Hoàng Thế Tùng, khi tước bằng lái quốc tế thì người thi hành công vụ phải căn cứ theo thời hạn cư trú còn lại của họ tại Việt Nam. “Người nước ngoài còn thời hạn cư trú ở Việt Nam một tháng thì ta không nên giữ bằng lái quốc tế của họ ba tháng” - ông Tùng hướng dẫn.