Đường Lâm có ngôi làng cổ kính đã gần 2.000 năm tuổi được bảo tồn tương đối nguyên vẹn với những kiến trúc, cảnh quan độc đáo, mang đậm màu sắc văn hóa giao thoa Việt – Mường cổ nằm ở 5 thôn, gồm: Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh và Cam Lâm. Quần thể Làng cổ Đường Lâm có những giá trị tiêu biểu, đặc sắc của một làng quê thuần Việt, gắn liền với cuộc sống nông thôn, sản xuất nông nghiệp từ hàng chục thế kỷ qua.
Năm 2006, Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên của cả nước được trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gial. Năm 2019, Làng cổ ở Đường Lâm được công nhận là điểm du lịch cấp Thành phố. Cho đến ngày nay, Làng cổ Đường Lâm vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng ở Bắc Bộ có cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa, miếu, đặc biệt nơi đây còn lưu giữ được hơn 90 ngôi nhà cổ có niên đại trên 100 năm và gần 1.000 ngôi nhà truyền thống.
Trong hành trình xây dựng nông thôn mới, Đường Lâm đã tập trung khai thác thế mạnh du lịch. Thời gian qua, để thay đổi nhận thức cũng như nâng cao trình độ làm du lịch của người dân, xã đã tổ chức hàng loạt các chương trình hỗ trợ như: Mời các hộ đi tham quan mô hình làm du lịch trải nghiệm ở Bát Tràng, Mai Châu (Hòa Bình), Sa Pa (Lào Cai)...; tập huấn tiếp, đón khách; mời chuyên gia đến đào tạo cách làm homestay, làm ẩm thực, làm bánh kẹo...
Đến nay, gần 10% số hộ gia đình tại Đường Lâm tham gia phát triển du lịch với nhiều mô hình dịch vụ như lưu trú, ăn uống, cho thuê xe đạp, làm các sản phẩm truyền thống bán cho khách du lịch, cùng du khách trải nghiệm làm nông dân.... Trong đó, dịch vụ trải nghiệm thực tế được rất nhiều du khách quan ưa chuộng.
Nhờ đó, bình quân thu nhập ở thôn thuộc diện cao của xã Đường Lâm, với mức hơn 72 triệu đồng/người/năm.
Trong 9 tháng của năm 2024, Làng cổ đón hơn 14 vạn lượt khách tham quan, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng. Ngoài ra còn có hàng chục nghìn lượt học sinh các trường trung học cơ sở và tiểu học trên địa bàn thị xã, thành phố và các địa phương lân cận đến tham quan, tìm hiểu về giá trị truyền thống, văn hóa, lịch sử, di tích.
Từ những kết quả đã đạt được, người dân làng cổ đang phấn đấu đạt được mục tiêu phát triển du lịch dựa trên những lợi thế sẵn có từ nông nghiệp với mong muốn biến các sản phẩm nông nghiệp thành sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu của du khách.
Ban Quản lý di tích Làng cổ phối hợp với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tổ chức nhiều tour sản phẩm du lịch để thu hút khách. Cùng với đó là hình thành các hoạt động sáng tạo, không gian sáng tạo nhằm tăng sức hút cho Làng cổ, khơi dậy các giá trị truyền thống đến du khách bằng góc nhìn mới lạ, hấp dẫn.
Để tăng sức hấp dẫn cho di sản, người dân Làng cổ tranh thủ sức mạnh của chuyển đổi số, làm các video và đưa lên các nền tảng số nhằm quảng bá về hơi thở cuộc sống thường nhật ở Đường Lâm gần gũi qua hình ảnh những người bán nươc chè, quy trình làm tương, làm kẹo dồi, kẹo vừng...