Dư luận đang xôn xao bán tán về “thương vụ bạc tỷ” của anh Tống Duy Dân (30 tuổi, ở xã Phú Hội, huyện Đức Trọng). Anh Dân được cho là bán một chậu lan Giả hạc đột biến ở vùng Ma Bó cho một đại gia đất Cảng với giá 5 tỷ đồng, mức giá kỷ lục từ trước tới nay tại Lâm Đồng.

Trường hợp người bán chậu lan Giả hạc với mức giá khủng kể trên, có phải nộp thuế hay không, và nếu phải nộp thì mức thuế là bao nhiêu?

Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của luật hiện hành, với thu nhập bất thường 5 tỷ đồng như trường hợp trên, người có thu nhập (ở đây là anh Dân) phải chịu thuế thu nhập cá nhân và có trách nhiệm khai báo với Chi cục thuế huyện Đức Trọng.

Cụ thể, người bán chậu cây hoa lan phải chịu thuế căn cứ theo Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013, Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 sửa đổi bổ sung Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013… Theo đó, thu nhập chịu thuế của cá nhân gồm có thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật. Riêng đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản chỉ áp dụng đối với trường hợp không đủ điều kiện được miễn thuế.

{keywords}
Lá loài lan này đột biến gần giống lá cây Phát tài

“Ông Dân sẽ phải chịu 10% thuế thu nhập cá nhân, trừ giá đầu vào, giảm trừ gia cảnh (nếu có)...Tóm lại, ông Dân phải trả khoảng 500 triệu đồng”, luật sư Tú cho hay.

Luật sư Tú cũng khuyến cáo người chơi lan nên tìm hiểu kỹ, cẩn thận mắc lừa các chiêu thổi giá của dân buôn.

“Hiện nay, rất nhiều cái trường hợp chậu lan được đồn thổi có giá hàng triệu USD, nhưng trên thực tế, thị trường cây cảnh hiện nay rất phức tạp, đôi khi nó chỉ là những tin giả, tin thất thiệt mà dân trong giới dùng để “chăn" đại gia. Những người buôn cây cảnh thường “làm giá”, “thổi giá” và “con mồi” của họ thường là những doanh nhân thành đạt, đam mê cây cảnh”, ông Tú dẫn chứng.

Đơn cử chính ông Tú biết được có chậu cảnh được chủ cây “khoe” dát 5 cây vàng, song thực tế chỉ có khoảng 2 chỉ vàng. Theo ông Tú, ở Thái Bình có làng nghề dát vàng, 1 chỉ vàng dát thủ công được 4m2 chậu cảnh, còn dát bằng máy trộn thêm đồng và các tạp chất khác có thể được 20m2.

Chậu hoa lan Giả hạc trên có 2 thân tơ (mỗi thân dài 65cm) và một thân già 80cm. Cánh hoa màu hồng cánh sen, loại cánh sáp rất dày, mũi màu hồng, khuôn hoa đều và mặt hoa rất đẹp. Lá đột biến màu vàng nhạt làm nổi bật các sọc xanh xen kẽ trông rất lạ mắt hoặc lá màu xanh xen kẻ các sọc vàng, gần giống như lá cây Phát tài. Hoa có hương thơm dịu nhẹ đặc trưng của vùng Tây Nguyên.

Đáng chú ý, cây lan này trước đó khoảng 1,5 năm được anh Dân mua của một người bạn chơi lan với giá chỉ 1 triệu đồng. Sở dĩ anh thích chậu lan này vì có lá sọc đột biến giống lá cây Phát tài. Anh Dân đã bán chậu Giả hạc Ma Bó đột biến này cho một người ở TP.Bảo Lộc với giá 12 triệu đồng.

Sau đó khi tình cờ nhìn thấy bức ảnh mà người bạn chụp lại chậu lan này lúc nở hoa, anh Dân phát hiện chậu Giả hạc Ma Bó mà mình vừa bán không chỉ có lá đẹp mà hoa cũng lạ chưa từng thấy.

Anh cấp tốc tìm đến tìm đến TP Bảo Lộc mua lại chậu lan này với giá 17 triệu đồng; chăm sóc một thời gian và vừa bán với giá 5 tỷ đồng cho một người ở Hải Phòng. Thông qua một người trong hội chơi lan tên là Lân, đại gia ở Hải Phòng đã biết đến cây giả hạc đột biến Ma Bó hiếm gặp của anh Dân và đã đánh tiếng mua.

Cũng theo anh Dân, quá trình sưu tầm các loại lan giả hạc đột biến trong và ngoài nước thì các loại giả hạc đột biến của Ma Bó thường có khung hoa đẹp hơn hẳn, do đó giá bán cao hơn nhiều. “Giả hạc Tây Nguyên thơm nhất, trong khi giả hạc ngoài Bắc đa phần không có hương thơm”, anh Dân chia sẻ.

(Theo Tiền Phong)