Báo Nation đưa tin, toàn bộ 18 cựu bộ trưởng phải báo cáo cho NPOMC, ông Kittipong phủ nhận là ứng viên Thủ tướng, giới nghiêm trên toàn Thái..sau đảo chính.

{keywords}

Giải tán người biểu tình

Những người biểu tình áo đỏ ủng hộ chính phủ tại điểm biểu tình trên đường Aksa bắt đầu về nhà ngay sau khi quân đội tuyên bố nắm quyền và binh sĩ được triển khai để kiểm soát tình hình vào chiều qua (22/5).

Trước đó, binh sĩ đã nắm quyền kiểm soát các điểm biểu tình của Mặt trận thống nhất vì dân chủ chống độc tài (UDD) ở ngoại ô Bangkok. Sau đó, binh lính bắt giữ lãnh đạo của UDD là Weng Tojirakarn và các lãnh đạo của phe áo đỏ.

Nation đưa tin, có tiếng súng vang lên sau khi người biểu tình rời khỏi điểm biểu tình Aksa. Quân đội cấp xe buýt cho cả người biểu tình thuộc phe áo đỏ tại Aksa lẫn lực lượng biểu tình chống chính phủ PDRC ở đại lộ Rajdamnoen và đường Chaeng Wattana.

Phe chống chính phủ tuyên bố chiến thắng

Ngay sau khi tổng tư lệnh quân đội tuyên bố đảo chính, đồng lãnh đạo PDRC Phra Buddha Issara đã đăng đàn công bố chiến thắng và kêu gọi đám đông về nhà. Nhà sư trên cho biết, ông đã khuyến tổng thư ký PDRC Suthep Thaugsuban - đang bị quân đội bắt giữ, đừng manh động song ông này không nghe lời.

Tổng tư lệnh quân đội Thái - tướng Prayuth Chan-ocha đã tuyên bố đảo chính để nắm quyền lúc 4h30 chiều 22/5 sau khi các đảng phái đang xung đột không đi tới thỏa thuận nhằm đưa Thái thoát khỏi khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng.

Quân đội đảo chính vì hết kiên nhẫn

Hai ngày sau khi tuyên bố thiết quân luật và hai cuộc họp diễn ra giữa các đảng phái, tướng Prayuth mất kiên nhẫn và ra lệnh bắt hơn 30 đại diện tham gia họp trước khi tuyên bố nắm quyền lãnh đạo đất nước.

Hiến pháp tạm thời bị treo, trừ chương 2 về hoàng gia, nội các bị chấm dứt hoạt động và 18 bộ trưởng bị triệu tập, gồm cả quyền thủ tướng Niwattumrong Boonsongpaisan - người đang ẩn nấp tại một nơi an toàn. Phó Thủ tướng Phongthep Thepkan-jana, Charupong Ruangsuwan lãnh đạo đảng Pheu Thai và các bộ trưởng trên được yêu cầu báo cáo lên Bộ chỉ huy gìn giữ hòa bình và trật tự.

Bộ chỉ huy trên sau đó được đổi tên thành Hội đồng hòa bình quốc gia và gìn giữ trật tự (NPOMC).

Ứng viên thủ tướng mới

Đại sứ Mỹ tại Thái là Kristie Kenney bác bỏ tin đồn ông Niwattumrong xin tị nạn chính trị tại đại sứ quán Mỹ.

Nhiều cái tên, gồm cả cố vấn thủ tướng Kittipong Kittayarak được cho là sẽ nắm giữ vị trí Thủ tướng mới. Tuy nhiên, viết trên Facebook, ông Kittipong cho biết đó là tin đồn và không ai liên lạc với ông về vấn đề này.

Cuộc sống bình thường sau đảo chính

Tòa án, thượng viện và các tổ chức độc lập khác vẫn tiếp tục hoạt động như bình thường. Tướng Prayuth kêu gọi người dân bình tĩnh và tiếp tục cuộc sống thường nhật. Vị tướng này cho biết, bộ máy lãnh đạo vẫn điều hành đất nước dù không có chính phủ.

Có tin, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã xin ân xá để đổi lại việc chấm dứt vai trò chính trị.

Quan hệ giữa Thái với các quốc gia bên ngoài không có gì thay đổi, các phái đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức quốc tế và người nước ngoài sống ở Thái sẽ được bảo vệ, tướng Prayuth nói.

Mọi đơn vị của lực lượng vũ trang được lệnh ở nguyên tại đồn và giới nghiêm được áp đặt từ 10h tối tới 5h sáng. Việc tập trung ở nơi công cộng vì mục đích chính trị quá 5 người bị cấm. Các tổ chức giáo dục được yêu cầu đóng cửa từ giờ tới chủ nhật.

  • Hoài Linh