Thông tin từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên, tỉnh này hiện có 45 dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm 26,9% dân số toàn tỉnh. 7 dân tộc thiểu số đông dân nhất là: Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông, Hoa.
Dự án 7 "Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 được Thái Nguyên tích cực triển khai.
Trong giai đoạn 1 (2021 - 2025), Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025 có 25% nam, nữ tại các địa bàn vùng dân tộc thiểu số khám sức khỏe tiền hôn nhân; 20% bà mẹ mang thai được tầm soát, sàng lọc trước sinh 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 30% trẻ sơ sinh được tầm soát, sàng lọc sơ sinh 5 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; mỗi năm có 60% người sử dụng dịch vụ dân số, kế hoạch hóa gia đình...
Tại Thái Nguyên, những năm gần đây số lượng người cao tuổi tăng mạnh. Hiện số người từ 60 tuổi trở lên của tỉnh này là trên 202.000 người, chiếm gần 15% dân số toàn tỉnh. Trong đó có 70% người cao tuổi sống ở nông thôn. Công tác chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi được đặc biệt quan tâm.
Thực hiện Dự án 7, Thái Nguyên phấn đấu ít nhất 35% người cao tuổi thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm.
Nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cơ sở làm công tác tư vấn, khám sức khỏe cho người cao tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ ngày 12 - 14/9, Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình tỉnh tổ chức 3 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế làm công tác tư vấn, khám sức khỏe cho người cao tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc 3 huyện Đồng Hỷ, Phú Lương và Đại Từ. Các buổi tập huấn thu hút 104 cán bộ là trưởng trạm, phó trưởng trạm và cán bộ làm công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của trạm y tế các xã, thị trấn.
Tại lớp tập huấn, các học viên đã được truyền đạt các kiến thức chuyên môn và kỹ năng về nguyên tắc khám, chữa bệnh cho người cao tuổi, các bệnh người cao tuổi thường gặp như huyết áp, tiểu đường, tim mạch, viêm khớp, gout…
Cũng trong tháng 9, Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thái Nguyên cũng được tổ chức tại huyện Võ Nhai.
Đây là huyện có 72% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số; hơn 9.100 người cao tuổi, chiếm hơn 12% dân số toàn huyện. Đời sống kinh tế của người cao tuổi còn thấp. Nhiều người cao tuổi có nhiều bệnh lý nền. Ngoài ra, việc đáp ứng dịch vụ y tế đối với việc chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi chưa được đầy đủ; cán bộ y tế chưa được đào tạo chuyên sâu kỹ năng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi.
Tuy nhiên, hàng năm, huyện đều tổ chức khám sức khỏe định kỳ và lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe cho người cao tuổi. Theo thống kê, đến hết tháng 8, 31% tổng số lượt khám ở huyện này là cho đối tượng người cao tuổi.
Ông Dương Văn Bảy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Võ Nhai, cho biết để triển khai tốt công tác chăm sóc người cao tuổi, trung tâm xây dựng kế hoạch, phối hợp tiếp tục triển khai khám sức khỏe, lập hồ sơ quản lý, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, phấn đấu năm 2023 khám sức khỏe định kỳ theo quy định cho người cao tuổi đạt trên 30%.
Chiến dịch năm nay giúp tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của nhân dân thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; góp phần tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế về chăm sóc, cải thiện sức khỏe người cao tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trung tâm y tế, trạm y tế các xã sẽ tổ chức tư vấn, cung cấp kiến thức cho người cao tuổi cách rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe và phòng bệnh, đặc biệt là các bệnh mạn tính; hướng dẫn kỹ năng phòng, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe; phục hồi chức năng người cao tuổi tại cộng đồng; thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ, quản lý có hiệu quả một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi…