Bế con gái 7 tháng tuổi kháu khỉnh trên tay, anh Phan Tuấn Anh (công tác tại Cục Quân khí, Bộ Quốc phòng tại Cao Phong, Hoà Bình) cùng vợ đến bệnh viện. Lần trở lại này của hai vợ chồng trẻ là để nói lời cảm ơn với các bác sĩ - những người đã giúp họ thực hiện ước mơ được làm cha mẹ sau nhiều năm hiếm muộn.

"Sau 4 năm ngày cưới, chúng tôi vẫn chưa thể có con. Đi khám, bác sĩ nói nguyên nhân là do mình, tôi rất sốc. Rồi những lần sau đó trở lại bệnh viện, bác sĩ đánh giá tình trạng ngày càng xấu đi. Có những lúc, tôi đã nghĩ đến việc từ bỏ để giải thoát cho vợ", anh Tuấn Anh tâm sự.

Vợ anh, chị Đỗ Thị Lan (giáo viên mầm non), vẫn kiên định động viên chồng chờ đợi, khi nào có điều kiện hai người sẽ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Hai năm trước, khi biết tin Bệnh viện Nam học Hiếm muộn Hà Nội hỗ trợ quân nhân hiếm muộn, hai vợ chồng lập tức đến nộp hồ sơ.

"Đúng ngày ra ngân hàng quyết tâm vay lấy tiền đi làm IVF, tôi nhận được thông báo vợ chồng mình là 1 trong 10 cặp đôi được thụ tinh miễn phí. Nhận được điện thoại, tôi đã bật khóc và nhanh chóng báo tin cho vợ", anh nhớ lại.

May mắn, trong lần đầu tiên thực hiện IVF, chị Lan đã có thai. Họ quyết định đặt tên con gái đầu lòng là Thiện An với mong muốn bé luôn bình an, may mắn. Hiện tại, vợ chồng anh chị còn 9 phôi và quyết định chờ 2-3 năm tới sẽ chuyển tiếp để có thể sinh thêm con.

lan anh.png
Hai vợ chồng anh Tuấn Anh chia sẻ về quá trình chữa hiếm muộn. Ảnh: Phương Thúy.

Cùng cảnh ngộ, Thượng úy Nguyễn Đình Đức (công tác tại Đồn biên phòng Huổi Luông, Bộ Độ biên phòng tỉnh Lai Châu) và vợ Võ Thị Thanh (trú tại Nghệ An) kết hôn được 3 năm nhưng chưa có con. Năm 2022, khi xuống Hà Nội khám vô sinh hiếm muộn, bác sĩ chẩn đoán anh Đức bị tinh trùng yếu, dị dạng. Người vợ phải thông vòi trứng. 

Nghe bác sĩ tư vấn, anh rất buồn vì điều kiện kinh tế gia đình chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày và phụ mẹ chữa bệnh nhược cơ. Hai vợ chồng đành gác lại chuyện sinh con. May mắn mỉm cười với hai vợ chồng khi họ nằm trong danh sách những cặp đôi hiếm muộn được điều trị miễn phí. "Cả hai vợ chồng tôi ôm nhau khóc, thế là niềm hy vọng lại thắp lên sau nhiều năm tuyệt vọng", anh Đức chia sẻ.

Theo bác sĩ Lê Thị Hiền, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, quân nhân thường phải công tác xa gia đình, đặc thù công việc khiến nhiều người chậm hoặc chưa thể có con. Đến nay, các bác sĩ đã hỗ trợ đón 17 em bé là con các cặp vợ chồng quân nhân chào đời.

Vị chuyên gia này cũng cho biết thông thường, một cặp vợ chồng dưới 30 tuổi và quan hệ tình dục thường xuyên khoảng 2-3 lần/tuần sẽ có thai trong vòng một năm đầu khi không sử dụng biện pháp ngừa thai. Tuy nhiên, sau thời gian này, nếu vợ không có thai, chắc chắn có các nguyên nhân bệnh lý khác. 

Trong đó, nguyên nhân gây vô sinh, hiếm muộn ở nam giới là bất thường chất lượng và số lượng tinh trùng, thiếu hụt nội tiết vì suy tuyến sinh dục, xuất tinh sớm, xuất tinh ngược dòng, nghiện thuốc lá hay rượu. 

Hiếm muộn ở nữ giới thường do tổn thương vòi trứng, nhiễm trùng vùng chậu, dinh dưỡng kém, lớn tuổi, rối loạn rụng trứng hay không rụng trứng, lạc nội mạc tử cung, khối u buồng trứng.