- "Với cha tôi, kể cả khi ở nhà, ông luôn thể hiện không cần danh, không cầu lợi, không ham chức quyền. Thậm chí, ông có lúc chỉ muốn nghỉ, không làm nữa. Ông khác nhiều người là ở chỗ đó!"- Ông Lê Mạnh Hà nói về người cha của mình- Đại tướng Lê Đức Anh.

LTS: Được phân công phỏng vấn Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà cảm nhận về cha ông, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nhân ngày sinh lần thứ 90 của nhân vật lịch sử này, người viết đã chọn cái cách của một phóng viên mới chân ướt chân ráo bước vào nghề. Đó là không chuẩn bị trước câu hỏi, mà chờ ông trả lời đến đâu hỏi tiếp đến đó.

Bởi, thực ra, có chuẩn bị cũng bằng thừa. Trước cuộc gặp gấp gáp này, người viết chỉ biết vị quan chức cấp sở này là một người phản đối đề án 112 đến cùng, cũng như đánh vụ OCI tới bến. Lê Mạnh Hà đã từng công tác tại Viện Kỹ thuật Quân sự - nơi xuất thân của những "quái thủ" trong lĩnh vực của mình như Nguyễn Quang A, hay ông chủ của "Viết Tân Studio" -, cũng như ông nằm trong danh sách những vị quan chức đã từng học ở Mỹ. Tất nhiên, không kể tới tấm hình của ông trên Internet.

"Thánh Nhân đãi kẻ khù khờ!", Câu chuyện hóa ra cởi mở và thú vị đến bất ngờ. Và, thú vị hơn, vị quan chức phụ trách báo chí của Sài Gòn đã giữ đúng lời hứa: Sau khi xem lại bản thảo bài trò chuyện, ông chỉ chỉnh sửa đôi chút cho chính xác, chứ không cắt gọt, hay viết lại, như trong không ít trường hợp khác.

Gặp gỡ và Đối thoại tuần này là cuộc trò chuyện thú vị giữa nhà báo Huỳnh Phan và ông Lê Mạnh Hà, con trai đại tướng Lê Đức Anh.

Cha tôi dạy: Thấy đúng làm đến cùng, không ham danh lợi

Một năm anh gặp cha mình mấy lần?

Ông Lê Mạnh Hà: Gặp ông ở Hà Nội cũng tùy thuộc vào số lần ra đó công tác của tôi, lần nào tôi cũng về chỗ ông ở. Còn ở đây thì một năm có mấy lần ông vào, thường ở cả tháng. Thời gian đó trưa nào tôi cũng về nhà ăn cơm với ông.

Ông đi tránh rét?

Không, tôi thấy mùa rét ông ở ngoài đó nhiều hơn. Thường ông vào đây là tùy theo công việc. Lần ông vào gần đây nhất là cách đây độ gần hai tuần, trong khoảng hai - ba tuần gì đó.

{keywords}
Ông Lê Mạnh Hà

Câu chuyện giữa hai cha con anh thường về đề tài gì? Xin anh cho biết, nếu không phải là bí mật.

Chuyện riêng thì về con cái, gia đình. Rất ít nói chuyện về công việc.

Có bao giờ ông hỏi anh là đến bây giờ anh mới ở vị trí một giám đốc sở hay không? Trong khi con cái những người khác đã ở vị trí nọ vị trí kia rồi.

Không bao giờ. Chắc chắn không bao giờ.

Với cha tôi, kể cả khi ở nhà, ông luôn thể hiện không cần danh, không cầu lợi, không ham chức quyền. Thậm chí, ông có lúc chỉ muốn nghỉ, không làm nữa. Ông khác nhiều người là ở chỗ đó. Nói chung, con người ta bên ngoài có thể tỏ ra là họ không đến danh, đến lợi, nhưng về nhà khó giấu được người trong gia đình.

Đối với bản thân đã như vậy, nên không thể có chuyện ông dùng ảnh hưởng của cá nhân để đặt con cái ở vị trí nào đó. Cho nên, ông chẳng bao giờ bảo tôi rằng bước đi của tôi là chậm hay là mau, mà yêu cầu tôi làm việc cho thật tốt ở từng vị trí công tác.

Có bao giờ ông hỏi anh về những khó khăn trong công việc, hoặc anh có cần ông giúp gì không?

Ông có hỏi về công việc, nhưng hỏi để giúp cho những công việc, những khó khăn cụ thể thì không. Tôi cũng không bao giờ hỏi công việc cụ thể phải giải quyết thế nào. Tôi đều tự giải quyết các công việc của mình.

Như tôi chẳng hạn, qua những câu chuyện mà cha tôi, một nhân viên ngoại giao, một giảng viên trường ngoại giao, rồi một chuyên gia tiếng Anh, kể cho tôi lúc tôi còn nhỏ, hoặc trao đổi với tôi từ khi tôi trưởng thành, đã giúp tôi khá nhiều kinh nghiệm, kiến thức, và đặc biệt là lối tư duy, khi tôi hành nghề phóng viên.

Trong trường hợp anh thì như thế nào?

Những chuyện cụ thể cũng giúp tôi học nhiều điều. Nhưng có lẽ, tôi thụ hưởng từ ông về tính cách. Chẳng hạn, điều lớn nhất tôi học ở ông là thấy đúng là phải làm và làm đến cùng. Chuẩn bị kỹ càng mọi kế hoạch, phương án, để phải đạt tới mục tiêu cuối cùng. Luôn đối thoại, có thể nhân nhượng, nhưng không từ bỏ nguyên tắc.

Ý anh muốn nhắc tới vụ anh chống lại việc triển khai đề án 112 ở thành phố Hồ Chí Minh?

Đúng. Thậm chí, bây giờ có việc còn khó hơn 112. Nhưng tôi vẫn hạ quyết tâm làm tới cùng.

Vụ nào vậy?

Chắc mọi người đều biết, đó là cuộc đấu tranh để loại bỏ các trò chơi trực tuyến bạo lực. Khó hơn nhiều, đụng tới cao hơn vì họ hưởng lợi từ những trò chơi này rất lớn.

Tôi cảm nhận rất rõ thách thức này, nên có lúc đã nói với anh em trong sở là nếu thắng được trận này với cái giá phải nghỉ, tôi cũng vui vẻ chấp nhận. Bởi tôi thấy đó là chuyện xứng đáng để làm, và xứng đáng để trả giá.

Tự lập vì "muốn dựa cũng không được"

Tôi muốn hỏi anh một điều hết sức bình thường: Khi anh muốn làm thành công một việc gì đó mà bản thân anh thấy rất khó, tự nhiên anh phải tìm kiếm thêm những sự ủng hộ, nhất là từ những người mà tiếng nói có trọng lượng. Vậy, tại sao anh lại không sử dụng cái tiềm năng mà anh có sẵn, khi là con của một nhân vật được coi là vẫn có tầm ảnh hưởng, để làm việc này cho dễ dàng hơn, đỡ phải trả giá hơn?

Có thể cái đó là cái nhược điểm cố hữu của tôi. Tôi thường không tận dụng các mối quan hệ cá nhân để làm việc chung. Tôi chỉ nghĩ mọi người sẽ ủng hộ tôi, nếu họ thấy việc tôi đang làm là đúng.

Chẳng hạn, việc đấu tranh với trò chơi trực tuyến bạo lực, thấy đây là việc làm đúng, cả hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân lẫn dư luận xã hội ở thành phố đều rất ủng hộ tôi.

Cái mà anh gọi là "nhược điểm cố hữu" này xuất phát từ đâu?

Tôi nghĩ đó là văn hóa gia đình tôi, từng người rất tự lập và độc lập. Như đã nói ở trên, cha tôi không bao giờ dùng ảnh hưởng cá nhân để hỗ trợ cho con cái. Bản thân mấy chị em chúng tôi không bao giờ dựa dẫm và cũng rất biết rằng có muốn dựa cũng chẳng được. Vậy tốt nhất là dựa vào bản thân. (Cười).

{keywords}
Ông Lê Đức Anh

Vậy trong đời anh, nhất là thời còn nhỏ, có một chuyện đáng nhớ nào đó để anh đi tới kết luận là "có muốn dựa cũng không dựa được" không? Chẳng hạn, có lần nào anh cầu cứu ông và ông đã từ chối không?

Không, chưa có một bài học đáng nhớ nào như anh vừa giả định. Mà nó là văn hóa, là truyền thống gia đình rồi. Tôi rất khó giải thích, nhưng tôi cảm nhận rất rõ ràng điều đó.

Còn chuyện ông biết đâu có thể chủ động làm điều gì đó thì tôi không biết. Thông thường con của các vị lãnh đạo có điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều người. Riêng với tôi, thuận lợi cũng nhiều mà thử thách cũng không ít.

Nhưng anh có thực sự cho rằng anh sẽ phải trả giá không? Cha anh có nói rằng đã quyết tâm làm thì cũng phải có quyết tâm ráng chịu không?

Ông không nói ra, nhưng tôi hiểu là như vậy. Ông không bao giờ bảo tôi cứ yên tâm mà làm đi, vì có ông ở đằng sau chống lưng. Ông chỉ bảo thấy đúng thì phải làm, rồi sớm muộn nhà nước và xã hội sẽ hiểu. Mà ai biết muộn là bao giờ. (Lại cười).

Anh đã từng học ở Harvard. Liệu cái tính tự lập của người Mỹ - điều mà nền giáo dục Mỹ tự hào nhất - có sự ảnh hưởng nào đó đến quá trình hình thành tính cách, và một phần nhân cách, của anh không?

Tôi nghĩ điều đó chỉ củng cố thêm cho tôi thôi. Bởi sống trong một môi trường mà hầu như mỗi người đều tự vươn lên và tự làm nên sự nghiệp của người ta (self-made) là một sự tái khẳng định rất quan trọng cho sự lựa chọn cách đi của tôi trong cuộc đời.

Vả lại, lúc tôi đi học ở Harvard, tôi đã ở cái tuổi ngoài 40, tức là khó thay đổi về tính cách.

Không "nằm im, nói khẽ", dù muốn thử thách ở vị trí khó hơn

Nhưng, anh có bao giờ anh cảm thấy hối tiếc không, khi trong một môi trường mà sự dựa dẫm nhiều khi là một yếu tố đảm bảo thành công như ở Việt Nam, không chịu dựa dẫm lại khiến anh thua thiệt hơn người khác, có khi kém anh về năng lực và phẩm cách?

Tôi vẫn nghĩ thế này, mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người, bởi còn được thành phố trọng dụng. Rất nhiều người còn giỏi hơn mình mà không ai nhìn ra họ, họ thiệt thòi hơn mình nhiều, và suốt đời vô danh. Tôi thực sự thấy như vậy, không phải là tự an ủi đâu.

Cũng có những người nói với tôi thế này: "Khả năng anh như thế, anh phải ở vị trí cao hơn mới giúp ích được cho xã hội, cho nhà nước, nhiều hơn. Tại sao anh không cố gắng leo lên?"

Tôi luôn cho rằng, hãy làm thật tốt công việc của mình, từng việc cụ thể một, ở vị trí hiện tại của mình. Đấy cũng là yêu cầu của cha tôi. Mình được người khác trọng vì làm được việc tốt, chứ không phải vì cái ghế mình ngồi.

Nếu làm không làm tốt được ở vị trí đang có, vậy khi leo lên vị trí cao hơn liệu có làm tốt được hơn không? Cả cuộc đời leo được hết chức này lên chức khác, mà vẫn mờ nhạt, vô dụng, thì lên cao để làm gì?

Tất nhiên, ở nước mình còn ảnh hưởng của phong kiến, như thích làm quan, hay nể người có chức quyền, nên nhiều người thích leo cao, nhưng không dám làm. Làm ít, ít đụng chạm, thì ít mất phiếu. Hay như mọi người nói là "nằm im, thở khẽ" vào trước và sau các kỳ đại hội, các kỳ bầu cử. Như vậy, suốt đời cũng chỉ "nằm im thở khẽ" mà thôi, không giúp ích được gì cho xã hội.

Nói rất thật lòng, tôi luôn muốn thử sức ở những vị trí khó khăn hơn. Nhưng với một nguyên tắc bất di bất dịch là không bao giờ "nằm im, nói khẽ".

Những người cùng làm việc với anh, từ cấp dưới đến cấp trên, rồi bạn bè, đồng nghiệp, họ nhìn anh bằng con mắt như thế nào? Có bình thường không?

Về ứng xử và phong cách làm việc thì tôi nghĩ họ cho tôi là người hoàn toàn bình thường. Nhưng chắc vẫn có những người, trong thâm tâm, cũng nghĩ là tôi là người không bình thường. Chịu thôi, biết làm sao được.

Người ta có ngại va chạm với anh không?

Có chứ. Có những người có thể ngại tôi vì sự nóng tính, mặc dù đa số vẫn đánh giá tôi là người cởi mở và hóm hỉnh. Những người khác có thể ngại vì tính quyết tâm, không lay chuyển của tôi, một khi tôi đã thấy cần phải làm.

Tôi là người luôn biết lắng nghe, và sẵn sàng trao đổi. Tôi luôn công khai "đường bay" của mình, nên họ hoàn toàn không phải lo chuyện tôi thay đổi đột ngột, tùy hứng, hay vô nguyên tắc.

Nói cách khác, người ta biết "quĩ đạo bay" của tôi để có cách ứng xử phù hợp, tùy theo lựa chọn của từng người. Họ chỉ cần trung thực, thẳng thắn mà không cần tiếp cận theo cách thiếu minh bạch, không cần lựa lời để lấy lòng.

Anh nghĩ sự rõ ràng đó của anh có bao nhiêu phần ảnh hưởng từ cha anh, bao nhiêu phần ảnh hưởng từ môi trường nước Mỹ, nơi anh từng theo học?

Tôi nghĩ ảnh hưởng của cha tôi, hay truyền thống gia đình, cũng như tác động của môi trường học tập là có. Nhưng chủ yếu là kết quả của quá trình tự hình thành tính cách của tôi.

Thượng tôn pháp luật - điều tốt đẹp nhất tôi học được từ Mỹ

{keywords}
Ông Lê Mạnh Hà. Ảnh: CAND

Anh đi Mỹ là theo cơ quan nào?

Lúc đó tôi là chuyên viên bình thường ở Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Cuối năm 1996, cha tôi ngã bệnh, và đầu 1997 tôi xin chuyển từ trường Hàng Không ở Sài Gòn, nơi tôi làm một trưởng khoa, ra Hà Nội để gần ông. Một năm sau, tôi được đi học ở Harvard.

Qui trình xét tuyển thế nào?

Hoàn toàn theo qui trình của Quỹ Fulbright.

Bên đó, họ có biết anh là con của một vị cựu nguyên thủ, và lúc đó đang là cố vấn Ban chấp hành Trung ương không?

Họ không thể hiện là họ biết tôi là ai. Mặc dù, tôi nghĩ có điều gì mà họ không biết. Và điều đó làm tôi thấy thoải mái.

Anh học gì ở đó?

Tôi học về quản lý nhà nước. Khác với học ở Pháp, hay ở Việt Nam, người Mỹ không dạy cụ thể là ở vị trí nào phải làm những việc cụ thể gì về hành chính. Họ cho chúng tôi cái nền về kinh tế, về pháp luật, hay về quan hệ quốc tế... Từ đó tùy mình chọn cách xử lý, ứng xử, chứ không theo khuôn mẫu nào cả.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, hồi còn làm Phó Chủ tịch UBND TP HCM có kể với báo giới rằng khi được chọn đi Mỹ học, ông đã có một cuộc tranh luận nảy lửa với cha mình. Bởi, theo lời ông Nhân, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành không đồng ý với việc con mình sang học ở một nước từng là kẻ thù của Việt Nam.

Anh có gặp phải điều tương tự với cha mình không?

Khi tôi xin phép, ông đồng ý ngay. Ông còn bảo đó là một nước rất phát triển, cái gì tốt của họ mình phải cố gắng học.

Có thể hiểu chuyện này vì ông là người đóng vai trò quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ. Nhưng, mặt khác, trên cương vị chủ tịch nước, ngoài lĩnh vực ngoại giao, ông còn phụ trách cả hai mảng quốc phòng và an ninh. Vậy ông có dặn anh phải cẩn thận, không để người Mỹ lợi dụng không?

Không hề. Chắc là vì ông tin tôi.

Cha anh dặn anh cần cố gắng học những điều tốt từ nước Mỹ, một nước rất phát triển. Vậy, những điều gì tốt nhất mà cho đến bây giờ anh thấy rằng mình đã học được từ nước Mỹ, người Mỹ?

Tinh thần thượng tôn pháp luật!

Với những gì học được ở Harvard, kể cả phương pháp tiếp cận và tư duy mới, như anh vừa đề cập, có bao giờ anh nhìn nhận lại về cha mình, với tư cách một Chủ tịch nước, hay không?

Không.

Muốn đánh giá công bằng, thông tin phải công khai, minh bạch.

Cha anh, cũng như hầu hết các nhân vật có dấu ấn trong lịch sử khác, đều nhận được những sự đánh giá khác nhau, nhiều khi hoàn toàn trái chiều nhau. Anh có nghe thấy những đánh giá đó về cha mình không?

Tất nhiên là có. Thậm chí nghe rất nhiều.

Anh có bị tác động không?

Tôi coi tất cả những đánh giá, nhìn nhận đó như những nguồn dữ liệu để tham khảo nhiều hơn. Chứ khó có thể nói chúng làm thay đổi nhận thức, hay cách đánh giá, của tôi về cha mình. Tôi không bảo thủ, nhưng tôi không bị tác động đến mức thay đổi nhận thức từ trước đến nay của mình.

Hơn nữa, tôi vẫn nghĩ, khi kẻ xấu mà nói xấu mình thì không có gì đáng bận tâm cả.

Thế những người không xấu thì sao? Hay anh cho rằng những ai đánh giá không tốt về cha anh, hay về anh, đều là kẻ xấu cả?

Có những người có dụng ý xấu, nhưng tôi không cho rằng tất cả những ai đánh giá sai thì là người xấu. Thường thì người ta đánh giá không đúng khi không có đủ thông tin. Ở mình thông tin về một con người cụ thể nào đó rất thiếu, kể cả các thông tin về giới lãnh đạo. Nếu đủ thông tin, chắc chắn sẽ có đánh giá khác về những người đang được ngợi ca, hoặc đang bị phê phán.

Thiếu thông tin về các vấn đề là điểm yếu cần khắc phục. Chỉ có công khai, minh bạch và ý kiến nhiều chiều mới làm cho xã hội dân chủ và công bằng được, và không chỉ trong đánh giá. Chẳng hạn, lâu nay chúng ta hay kêu ca về sự yếu kém của công tác cán bộ. Cái đó có nguyên nhân là thông tin về một cán bộ nào đó quá ít.

Cứ nhìn tiểu sử, hoặc sơ yếu lý lịch, của những người được đề cử để bầu vào các chức vụ mà xem. Chúng ta chỉ thấy người được đề cử đã trải qua những chức vụ gì, chứ không hề biết người đó đã làm những công việc cụ thể gì, làm được bao nhiêu việc, việc nào thành công, việc nào thất bại, hoặc thậm chí việc nào mờ ám.

Vậy nhận thức của anh về cha mình như thế nào, một vị tướng chiến trường, một vị bộ trưởng quốc phòng, rồi chủ tịch nước?

Tôi nghĩ, có những nguyên tắc mà ông luôn giữ, không bao giờ từ bỏ. Nhưng ông không hề bảo thủ, như không ít người nhận xét. Những gì tôi được biết về ông qua công việc, trong tiếp xúc ở gia đình, ông là một người cấp tiến.

Thế à?

Nhiều người tưởng ông là con người đã cũ rồi, bởi ông học từ thời Pháp thuộc, làm từ thời chiến tranh, rồi thời bao cấp. Nhưng hóa ra ông tiếp thu cái mới rất nhanh. Việc ông là một trong những nhà lãnh đạo thời kỳ đổi mới là một minh chứng. Trong gia đình, với những thứ hoàn toàn mới mẻ mà chúng tôi nói, ông rất chăm chú lắng nghe, và đưa ra những nhận xét sắc sảo.

Chẳng hạn?

Khó mà đơn cử ngay được, bởi những điều đó tương đối nhiều.

Hay là ví dụ gần đây nhất vậy?

Cái này lại liên quan đến công việc tôi đang làm, như Internet chẳng hạn. Đây là lĩnh vực hoàn toàn mới đối với thế hệ trước. Trò chơi trực tuyến là một ứng dụng trên nền Internet. Khi tôi nói về trò chơi trực tuyến bạo lực với sự tàn phá không biên giới của nó qua hệ thống Internet thì ông hiểu ngay.

Như tôi đã nói với anh, không bao giờ tôi hỏi ông phải giải quyết công việc thế nào, đây hoàn toàn là việc cung cấp thông tin cho ông về lĩnh vực mới và mặt trái của nó.

Người cha - nguyên thủ trong con mắt người con - công dân

Xin hỏi thêm rằng vậy công dân Lê Mạnh Hà, với tính cách khá độc lập của mình, đánh giá thế nào về Đại tướng và Chủ tịch nước Lê Đức Anh?

Câu hỏi thật sự khó đấy. Bởi một công dân bình thường thì chắc khó có điều kiện gần gũi để biết về ông như tôi đã biết. (Bật cười thoải mái).

Nhưng một điều hết sức tự nhiên là nhiều người trong chúng ta, ở chỗ này hay chỗ khác, vẫn có thói quen bàn luận về các vị lãnh đạo của mình. Bởi, đơn giản là những quyết định của họ ít nhiều ảnh hưởng tới số phận của chúng ta. Đúng không anh?

Trong thời gian ông làm bộ trưởng quốc phòng, ngoài những việc về vấn đề chiến lược quốc phòng, hay bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, mà tôi không dám lạm bàn, có một việc ông làm mà tôi nghĩ được nhiều quân nhân đánh giá cao, nếu không nói là biết ơn.

Đó là việc chia đất cho sĩ quan quân đội, những người hầu như không có gì cả sau khi các cuộc chiến kết thúc. Cuộc sống của họ rõ ràng có sự thay đổi, bởi như các cụ vẫn nói "an cư lạc nghiệp".

Anh có được phân đất không?

Trước đây, tôi là thiếu tá quân đội, nên cũng được cấp đất như mọi sĩ quan khác.

Nhân nói chuyện bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, cũng có những người đặt lại vấn đề rằng lẽ ra Việt Nam nên bình thường hóa với ASEAN trước Trung Quốc. Bởi vì, có thể trong trường hợp này, có lẽ điều kiện bình thường hóa sẽ công bằng hơn với chúng ta. Anh nghĩ sao? Chắc rằng thời gian học ở bên Mỹ anh cũng có những dịp trao đổi, hay tranh luận, về câu chuyện này.

Theo tôi nghĩ nếu Việt Nam đặt vấn đề bình thường hóa quan hệ với ASEAN trước, sẽ khó hơn trong việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Tại sao? Bởi bình thường hóa quan hệ kiểu tay đôi sẽ được phía họ nghĩ là mình không liên kết với những nước khác để gây áp lực hoặc có mục đích nào đó đằng sau.

Vả lại, chúng ta nói câu chuyện này sau khoảng hai thập kỷ, dễ nói, dễ phân tích lợi hại hơn nhiều. Nhưng anh hãy tưởng tượng trong thời điểm lịch sử đó, những người lãnh đạo phải quyết nhanh và chính xác nhất có thể được. Riêng tôi, nhìn câu chuyện này sau 20 năm, tôi đánh giá không có lựa chọn nào tốt hơn. Bởi một lộ trình khác có thể sẽ làm trì hoãn quá trình mở cửa và hội nhập của Việt Nam.

Là người mặc nhiên thụ hưởng thành quả của việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, qua cái cơ hội mà nhiều người mơ ước là được đi học ở một trường danh giá hàng đầu thế giới như Harvard, anh đánh giá thế nào về vai trò của Chủ tịch nước Lê Đức Anh trong tiến trình này?

Tôi cho rằng rất quan trọng. Tất nhiên, lúc đó tôi không biết được đầy đủ thông tin như bây giờ. Chẳng hạn, ông đã sử dụng những con đường không ai nghĩ tới như thông qua bác sĩ Phan. Cuốn sách "Đại tướng Lê Đức Anh" đã phân tích kỹ việc này nên tôi không nhắc lại.

Tôi nghĩ ông và giới lãnh đạo mình lúc đó rất khôn khéo. Làm theo cách này chúng ta không phải nhờ vả ai, mà cũng tránh làm mất lòng một bên thứ ba nào đó.

Thế về con người xuyên suốt của ông Lê Đức Anh, từ một vị chỉ huy cấp trung ở chiến trường miền Nam, đến khi ông trở thành cố vấn, rồi nghỉ hẳn, anh đánh giá ra sao?

Tôi có thể nói ngắn gọn thế này: Mục đích cuộc đời ông không phải là để trở thành Đại tướng, hay Chủ tịch nước! Tôi nghĩ đó là một điều rất hiếm.

Tôi biết nhiều lãnh đạo có tham vọng về sự thăng tiến rất rõ. Nhưng với ông Lê Đức Anh, tôi không thấy điều đó. Ở nơi làm việc ông có thể không biểu lộ chuyện này, nhưng đến cả khi về nhà ông cũng không có chút mảy may thể hiện sự ham muốn quyền lực.

Hay vì ông quá kín đáo?

Giấu ai thì giấu, làm sao giấu được vợ con, ở cái nơi mà con người ta có thể giãi bày được những điều chất chứa một cách dễ dàng nhất. Còn nếu đặt vấn đề như anh thì thực sự ông là bậc thầy siêu việt, và hoàn toàn vượt quá khỏi tầm hiểu biết của công dân Lê Mạnh Hà.

Anh còn nhớ rằng ở Nga, nơi anh từng bảo vệ luận án phó tiến sĩ về vô tuyến điện (nay gọi là viễn thông), người ta có câu "Плox coлдаm, komopый не мечmaеm быmь гeнepaлoм!" (Chỉ có một anh lính tồi mới không mơ ước trở thành tướng). Có bao giờ anh nhìn nhận lại câu chuyện về cha mình theo hướng đó không?

Tôi nghĩ câu đó là của tướng chiến trường, của người lính trận. Họ muốn nói người lính là phải xông lên lập công đầu. Người lính lao vào mũi tên hòn đạn không phải để được lên tướng mà là để chiến thắng. Bất cứ người lính nào cũng mong ước và được lệnh phải chiến thắng. Khi lập được chiến công, họ được lên cấp chỉ huy không phải để hưởng thụ mà để tiếp tục chiến đấu. Mà đã tiếp tục chiến đấu như vậy, họ hoàn toàn có thể hy sinh bất cứ lúc nào.

Trong thời bình, những người sống vì lí tưởng hành động như những người lính trận.

Xin cảm ơn anh.

Huỳnh Phan