Chiều nay, Ban Tổ chức TƯ tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện quy định số 205 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; đánh giá tình hình, kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng tháng 11/2019, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm tháng 12 và thời gian tiếp theo.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 71 điểm cầu trên cả nước, với sự tham dự của nhiều ủy viên TƯ Đảng là bí thư Ban Cán sự đảng, đảng đoàn, bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc TƯ...
Theo Ban Tổ chức TƯ, quy định 205 đã đi trúng vào những vấn đề nhức nhối trong công tác cán bộ tồn tại suốt nhiều nhiệm kỳ vừa qua; khi lần đầu tiên trong một văn bản mang tính pháp quy của Đảng đề cập đến vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền.
Quy định cũng chỉ rõ các hành vi chạy chức, chạy quyền; các hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền và chế tài, hình thức xử lý.
Để quy định kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền đi vào đời sống trong tổ chức đảng các cấp, nhất là ở cơ sở, trước hết đòi hỏi sự nêu gương của những người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị.
Trong đó, Ban Tổ chức TƯ nhấn mạnh một số nội dung. Cụ thể nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, người đứng đầu về tầm quan trọng và sự cần thiết phải kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; cũng như trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện quy định.
Hai là, tiếp tục cụ thể hóa các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định chặt chẽ, đồng bộ về công tác cán bộ ở tất cả các khâu, quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định về công tác cán bộ, bảo đảm nguyên tắc phải thống nhất với quy định của Đảng.
Ba là, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất trong công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ; coi trọng cả cảnh báo, phòng ngừa và xử lý nghiêm minh sai phạm.
Bốn là, phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí và nhân dân trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền lực trong công tác cán bộ, phát hiện kịp thời những hiện tượng tiêu cực.
Năm là, tập trung giải quyết tình trạng mất đoàn kết nội bộ hoặc đơn, thư khiếu nại, tố cáo theo quy định, nhất là những nơi có biểu hiện nội bộ mất đoàn kết, có biểu hiện sai phạm, có vấn đề phức tạp nảy sinh, những bức xúc mà đảng viên và nhân dân phản ánh; xây dựng, thực hiện đoàn kết thống nhất trong đảng.
Sáu là, nhận diện rõ 6 hành vi chạy chức, chạy quyền và 8 hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền nêu trong quy định. Đây là cơ sở để giám sát công tác cán bộ; là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền phát hiện và xử lý vi phạm.
Ngoài hình thức xử lý bị khiển trách, cảnh cáo, cách chức theo quy định 102 của Đảng, người nào chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền còn bị đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ với thời hạn tương ứng là 18 tháng, 30 tháng và 60 tháng.
Đồng đời, không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.
Trường hợp bị khai trừ ra khỏi Đảng thì xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động; đưa, nhận hối lộ hoặc vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì chuyển cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật…
Thu Hằng
Giải phẫu 'khối u' chạy chức quyền bằng cơ chế cột chặt trách nhiệm cá nhân
Phải có cơ chế cột chặt trách nhiệm cá nhân mới loại bỏ được căn bệnh “kẻ bán, người mua” trong công tác cán bộ.