- "Người có bằng lái xe số tự động chỉ được lái loại xe có số tự động và không được lái xe số sàn. Còn người lái xe số sàn vẫn được lái xe số tự động như hiện nay. Việc cấp GPLX số tự động không bắt buộc và người học có thêm quyền lựa chọn".

{keywords}

Liên quan đến vấn đề cấp riêng GPLX số tự động mà dư luận đang quan tâm gần đây, ông Phạm Văn Hậu - Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GTVT) đã cho biết như vậy.

Trước đó, như VietNamNet đã đưa, xung quanh việc Bộ GTVT sửa đổi thông tư 46 theo hướng cấp riêng GPLX số tự động theo nhu cầu của người học, đã có nhiều ý kiến trái chiều.

Ông Phạm Hữu Chí– Giám đốc Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Ngọc Hà cho rằng, không cần thiết phải cấp thêm GPLX số tự động mà chỉ nên để một loại bằng chung cho cả số sàn và số tự động như hiện nay.

Bởi, theo ông Chí, thực tế cũng có lúc người dân lái xe số tự động, nhưng lại chuyển sang lái số sàn.

Ông Chí cũng đề suất, cần điều chỉnh lại thời gian học số tự động sao cho phù hợp, vì nhiều người đi quen số sàn, khi chuyển sang số tự động dễ bị nhầm lẫn chân phanh sang chân ga, gây nên tai nạn đáng tiếc.

Trái với quan điển của ông Chí, ông Trần Văn Toản – Chủ tịch HĐQT Trung tâm dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô cho rằng, hiện nay công nghệ sản xuất xe đã thay đổi. Trong 10 năm gần đây, đa số các gia đình dùng xe số tự động là chủ yếu, do vậy đặt ra nhu cầu cần đào tạo riêng số tự động để tạo thêm sự lựa chọn cho người dân là cần thiết.

“Thực tế hiện nay đi số sàn quá mệt mỏi, nhất là trong thành phố. Nhiều người nói rằng họ chỉ có nhu cầu học số tự động chứ không học số sàn sao lại cứ bắt buộc họ phải học số sàn?”, ông Toản băn khoăn.

Hơn nữa, theo ông Toản, việc đào tạo, cấp riêng GPLX số tự động cũng tạo điều kiện cho những người bị khuyết tật có điều kiện được học lái xe an toàn, điều này thể hiện tính nhân văn cao.

“Trung Quốc năm 2009 đã cho phép người khuyết tật lái xe, do vậy cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần xem việc đào tạo riêng GPLX số tự động là vấn đề nhân văn, tạo điều kiện cho những người khuyết tật, nhất là những người chỉ khuyết tật chân trái có thể tham gia đào tạo và lái xe an toàn”, ông Toản nói.

Ông Toản cũng nói rõ: Việc cấp GPLX tự động là tạo thêm sự lựa chọn cho người dân chứ không phải bắt buộc người dân phải học và lấy GPLX số tự động. Nếu người học muốn lái cả số tự động lẫn số sàn thì vẫn phải học và cấp GPLX thông thường như hiện nay.

Theo ông Toản, việc đào tạo cấp GPLX mới không gây tốn kém về mặt kinh tế cho người học. Còn chương trình đào tạo chỉ cần điều chỉnh một chút về giáo trình, giáo án là được.

Khi các trường mở lớp đào tạo lái xe số tự động thì nhu cầu người dân học lái số tự động dễ hơn rất nhiều. Hiện nay trong chương trình đào tạo lái xe hạng B có 2h làm quen số tự động, thời gian này có thể giúp người học làm quen được số tự động.

Không bắt buộc và nên thực hiện thí điểm!

Ở góc độ đào đào tạo sát hạch lái xe, ông Phạm Hữu Chí cho rằng, nếu đào tạo cấp riêng GPLX số tự động, các trung tâm sẽ rất vất vả do phải đầu tư thêm xe, thêm nhân lực giảng dạy... Trong khi xe số tự động thường rất đắt, không phải trung tâm nào cũng đầu tư được.

Về vấn đề này, ông Trần Văn Toản cho rằng, khi tiến hành đào tạo cấp GPLX số tự động nên thực hiện thí điểm để tránh lãng phí.

Theo đó, cơ sở đào tạo nào xung phong đầu tư mua thêm xe tự động, nhân lực giảng dạy... đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn đạo tạo thì sẽ cho đầu tư thực hiện trước, sau đó mới cho mở rộng.

Từ gọc độ cơ quan quản lý, ông Phạm Văn Hậu - Vụ Tổ chức cán bộ cho biết: Dự kiến, việc sửa đổi Thông tư 46 sẽ theo hướng, người có bằng lái xe số tự động chỉ được lái loại xe có số tự động và không được lái xe số sàn. Còn người lái xe số sàn vẫn được lái xe số tự động như hiện nay.

Việc thi xe số tự động là không bắt buộc, người thi có quyền lựa chọn thi loại GPLX phù hợp với mình.

“Vì học lái xe số tự động dễ hơn, thi dễ hơn nên sẽ có chương trình đào tạo, quy trình sát hạch riêng. Tuy nhiên, người thi lấy GPLX số tự động không được đổi sang GPLX quốc tế, vì hiện nay GPLX số tự động chỉ áp dụng đối với một số nước tham gia Công ước Vienna”, ông Hậu nói.

Trong khi đó, bà Trịnh Minh Hiền – nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp Chế (Bộ GTVT) cũng cho biết: Thực tế đào tạo hiện nay chủ yếu học trên xe số sàn nhưng khi sử dụng đa số người lái xe không chuyên nghiệp (xe gia đình) hạng B1 lại sử dụng xe số tự động.

Vì vậy, nhiều người đã lúng túng và nhiều vụ tai nạn đã xảy ra khi lái xe không quen sử dụng xe số tự động.

Bà Hiền cũng nói rõ, GPLX cấp cho người điều khiển xe số tự động đến 9 chỗ ngồi không hành nghề lái xe vẫn là GPLX hạng B1 theo đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ. Trong GPLX chỉ thêm dòng ghi chú: “Loại xe: Xe số tự động”, không trái Luật Giao thông đường bộ.

Vũ Điệp