Chung sức xây dựng quê hương 

Về nghỉ hưu năm 2010, thấy nông dân gặp khó khăn trong sản xuất, ông Danh Liễu (ấp An Hòa, xã Định An, huyện Gò Quao) - nguyên Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Gò Quao liền đứng ra thành lập hợp tác xã nông nghiệp. Cùng canh tác theo hướng đồng loạt gieo sạ, bón phân, bơm tát, thu hoạch, đem lại năng suất lao động cao, lại có đầu ra sau thu hoạch, nhiều gia đình ở địa phương tham gia hợp tác xã từng bước thoát nghèo.  

Kiên Giang ông Danh Liễu.jpg
Ông Danh Liễu (người đứng bên phải) cùng người dân địa phương. Ảnh: Ban dân tộc tỉnh Kiên Giang

Thấy điều kiện địa phương vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, ông Danh Liễu lại thường xuyên đến từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân lao động, góp sức xây dựng quê hương. Ông đã vận động bà con hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công lao động làm hàng nghìn mét đường giao thông, sửa chữa 6 cây cầu, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong xã làm nhà mới.

Với nhiều đóng góp tích cực, năm 2016 ông Danh Liễu được bầu làm người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer. 

Hiện toàn tỉnh Kiên Giang có 285 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Đây đều là những tấm gương sáng, tích cực đóng góp, lan toả các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, góp sức thay đổi diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Thời gian qua, những người có uy tín trong đồng bào DTTS dành nhiều tâm huyết để xây dựng, sửa chữa cầu, đường nông thôn, hỗ trợ xây nhà cho hộ nghèo trên địa bàn. Các công trình không chỉ giúp bà con đi lại thuận tiện hơn, mà còn xây dựng quê hương ngày càng khang trang, hiện đại. Tại huyện Gò Quao, ông Danh Điện (ấp Hòa Lễ, xã Thới Quản), ông Danh Hùng (ấp An Hưng, xã Định An)… là những gương sáng luôn tích cực trong các hoạt động này. 

Hay tại xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng, Thượng tọa Danh Dổ - Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Giồng Riềng, trụ trì chùa Cây Trôm thường xuyên vận động nhà hảo tâm và phật tử đóng góp sửa chữa cầu, đường giao thông, nhà tình thương, đầu tư nước sạch… Tại TP. Rạch Giá, Đại đức Danh Út, Trụ trì chùa Thôn Dôn cũng tích cực vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm xây dựng được 10 cây cầu giao thông nông thôn…

Cùng với việc vận động đồng bào xây dựng quê hương, người có uy tín trong đồng bào DTTS cũng đi đầu trong việc lan toả các mô hình phát triển kinh tế, giúp đỡ nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS nghèo biết cách kinh doanh, sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, thoát nghèo. 

Có thể kể đến ông Dư Văn Thái, dân tộc Hoa (ấp Bình Lạc, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành) gương mẫu, hướng dẫn bà con trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển kinh tế gia đình, góp phần xóa nghèo trong xóm ấp. Ông Danh Mạnh, dân tộc Khmer (phường Vĩnh Thông, TP. Rạch Giá) vận động đồng bào tích cực trồng rau sạch ở vùng ven thành phố, phát triển kinh tế gia đình hiệu quả. Thượng tọa Danh Nâng, dân tộc Khmer, Trụ trì chùa Thứ Năm (xã Nam Thái, huyện An Biên) vận động người dân xây dựng mô hình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng nhiễm mặn… 

Lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt

Theo Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, tỉnh Kiên Giang phấn đấu nâng thu nhập bình quân của người DTTS tăng hơn hai lần so với năm 2020; hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 1,5-2%/năm, phấn đấu có ít nhất 50% số xã, ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. 

Đến nay, toàn tỉnh có 19/116 xã đạt nông thôn mới nâng cao; 7/15 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% số xã trong vùng đồng bào dân tộc Khmer có đường giao thông đến trung tâm xã, có trạm y tế; số hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,8%, số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 83,6%; 40 xã vùng đồng bào dân tộc Khmer được công nhận là xã nông thôn mới...

kiên giang.png
40 xã vùng đồng bào dân tộc Khmer được công nhận là xã nông thôn mới

Những năm qua, đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS đã trở thành “cánh tay nối dài” của các cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân, là nhân tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển của địa phương.

Hầu hết người có uy tín trong đồng bào DTTS phát huy vai trò của mình trong tuyên truyền, vận động người thân, gia đình, dòng họ, đồng bào ở các xóm ấp, khu phố chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, từ đó xây dựng đời sống văn hóa trong khu dân cư, góp phần bảo vệ an ninh trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn. 

Đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, người có uy tín trong đồng bào DTTS tích cực vận động bà con thực hiện tốt 19 tiêu chí về xây dựng xã nông thôn mới; thực hiện công tác từ thiện xã hội, tiếp sức người nghèo, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, đóng góp xây dựng cầu, đường… từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương.

Được biết từ năm 2018 - 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã tặng Bằng khen cho 72 cá nhân Người có uy tín; Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang tặng Giấy khen cho 402 cá nhân và 30 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc ở cơ sở.

Việc phát triển, xây dựng đội ngũ người có uy tín ở miền núi vững mạnh đang nhân rộng, lan tỏa những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt, phát huy vai trò “cầu nối” giữa các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc với bà con dân tộc, chung tay xây dựng nông thôn, miền núi ngày càng hiện đại, văn minh, giàu đẹp.

M.M