Mã QR 1.jpg
Hình ảnh người dân quẹt mã QR khi thanh toán đang dần phổ biến tại tỉnh Cao Bằng. 

Cốc nước mía 10 nghìn đồng cũng quẹt thẻ

Hoạt động tại Phố đi bộ Kim Đồng (thành phố Cao Bằng) từ 5 năm nay, Kiot số 1 của vợ chồng ông Phạm Văn Cao là kiot đầu tiên tại đây, chuyên kinh doanh các loại đặc sản Cao Bằng như cây thuốc, thạch đen, bánh khảo, măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương… 

"Lúc đầu cũng chưa có thanh toán không dùng tiền mặt đâu. Sau Covid-19, mọi người mới bắt đầu dùng thẻ ngân hàng và quẹt QR Code. Xã hội bây giờ phát triển 4,0, ít khi khách hàng trả bằng tiền mặt, người ta toàn quẹt thẻ. Mùa hè tôi bán cốc nước mía 10.000 đồng, người ta cũng quẹt thẻ. Có tới 70% khách hàng mua của nhà tôi không dùng tiền mặt để thanh toán. Tuy nhiên, cũng có lúc trục trặc một chút. Như chiều hôm qua, có cháu mua nửa cân hạt dẻ, không có tiền mặt mà quẹt QR mãi không được, không biết lý do tại sao. Sau phải về khách sạn lấy tiền mặt ra gửi”, ông Cao vừa cười vừa kể.

Thanh toán không dùng tiền mặt cũng là phương thức được nhiều khách hàng áp dụng khi mua các loại bánh chưng, bánh gai, chân giò, khâu nhục, lạp xường, vịt quay và các món ăn sẵn… tại của hàng của bà Hoàng Ánh Tuyết, ở Chợ Xanh (thành phố Cao Bằng).

Bà Tuyết cho hay: “Cửa hàng nhà tôi bán tại trung tâm thành phố nên khách hàng rất đông. Ai cũng hỏi “mã QR đâu bà Tuyết ơi, để cháu quẹt”. Thanh toán không dùng tiền mặt, quẹt QR thật tiện ích. Hiện giờ đa số khách đều quẹt thẻ thôi”.

Cũng tại Chợ Xanh, khoảng 2 tháng trước, bà Trương Thị Thanh, chủ một hộ kinh doanh mặt hàng thức ăn chín đã được Ngân hàng BIDV xuống tận chợ hỗ trợ triển khai phương thức thanh toán qua mã QR. 

“Nói chung là thấy cũng thuận tiện. Nhưng khách hàng dùng cách này chủ yếu là thanh niên, còn lứa trung niên và người già vẫn chỉ quen dùng tiền mặt thôi. Bản thân tôi cũng vẫn thích khách đưa tiền mặt, vì nhiều lúc vẫn phải chạy đi đổi tiền để trả khách”, bà Thanh tâm sự.

Không chỉ ở khu vực thành thị, trung tâm, thanh toán không dùng tiền mặt đã xuất hiện cả ở những khu vực miền núi như xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh.

Mã QR 1.jpg
Chị Nông Thị Thu Hà, nhân viên Quầy thuốc Ngọc Linh cảm thấy khá tiện lợi khi khách hàng quẹt mã QR để trả tiền thuốc. 

Chị Nông Thị Thu Hà, nhân viên Quầy thuốc Ngọc Linh, Chợ Bản Rạ, xã Đàm Thủy kể: “Tôi bán hàng tại quầy thuốc khoảng 1 năm nay. Từ lúc làm ở đây tôi đã thấy có khách chuyển khoản hoặc quẹt thẻ để trả tiền mua thuốc rồi. Cách này khá tiện, tôi không phải lo lo tiền lẻ để trả lại cho khách. Song số lượng người dân sử dụng thanh toán không tiền mặt hiện vẫn chưa nhiều. Trung bình mỗi ngày có khoảng 50 khách mua thuốc thì cũng chỉ được khoảng 5 người quét mã QR để thanh toán. Nhiều lần có trục trặc, do bảo trì nên không chuyển được tiền, lại phải thanh toán bằng tiền mặt. Người dân ở đây vẫn còn nhiều người già, không biết dùng công nghệ thông minh. Thế nên tôi vẫn sử dụng đồng thời cả tiền mặt và thanh toán không tiền mặt.

Tiện lợi khi làm dịch vụ công trực tuyến

Một trong những công việc khá quen thuộc của chị Nông Thị Bích Thúy, chuyên viên phụ trách Một cửa của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Cao Bằng là chỉ mã QR Code cho người tới làm thủ tục hành chính.

Mã QR 1.jpg
Bộ phận Một cửa của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Cao Bằng. 

“Chúng tôi tiếp nhận các thủ tục như xin cấp bản sao bằng tốt nghiệp, mở trung tâm ngoại ngữ và kỹ năng sống, thi tuyển viên chức…, trong đó số lượng người đề nghị cấp bản sao bằng tốt nghiệp là nhiều nhất và thường xuyên. Giao dịch thủ tục hành chính bây giờ không cần phải trả tiền mặt. Người dân làm thủ tục online sau đó thanh toán phí, lệ phí bằng cách quét mã QR thì mới hoàn tất quy trình. Người nào chưa có tài khoản thì mình hỗ trợ lập tài khoản, ai có rồi thì mình nhập thông tin lên hệ thống, thủ tục nào cần trả phí thì mình quét mã. Thanh toán không tiền mặt tiện lắm. Những người tiếp nhận hồ sơ như chúng tôi không cần phải kiểm đếm vì các khoản thu được bắn vào tài khoản thẳng về Sở Giáo dục và Đào tạo để kế toán theo dõi”, chị Thúy chia sẻ.

Tiện lợi là thế, song chị Thúy cũng cho hay, vẫn còn nhiều người chưa biết tới thanh toán không dùng tiền mặt. Chẳng hạn, những người đi xuất khẩu lao động thường là dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, đa phần không biết tới cách thức thanh toán hiện đại này.

Được biết, giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt đã được các sở, ngành ở Cao Bằng triển khai thời gian gần đây.

Chẳng hạn, Sở Lao động Thương binh và xã hội đã triển khai chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt đối với người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Sở Y tế chỉ đạo 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập thực hiện sẵn sàng thanh toán không dùng tiền mặt. 

Sở Giáo dục và đào tạo đã ban hành Công văn số 1237 ngày 24/8/2021 về việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công trong các cơ sở công lập. Qua 2 năm, đến nay mới chỉ có các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, thị trấn các huyện, các vùng có điều kiện thuận lợi về mạng Internet đã thực hiện việc thu, nộp các khoản liên quan đến giáo dục bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Nhìn chung, người dân giữ thói quen sử dụng tiền mặt trong các giao dịch mua bán nhỏ lẻ hàng ngày bao gồm cả thanh toán viện phí, thanh toán học phí… nên tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đối với viện phí, học phí chưa cao.

Ngọc Tuân và nhóm PV, BTV