- Sáng nay, ông Nguyễn Thành Phong gặp 50 hộ dân 3 phường ở quận 2 nằm trong ranh quy hoạch Thủ Thiêm bàn về chính sách hỗ trợ bổ sung.
Hơn 2.000 hộ dân Thủ Thiêm gửi đơn kiến nghị sau thanh tra
6 giờ lắng nghe người dân Thủ Thiêm của Bí thư Nhân
XEM VIDEO:
11h30: Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói: "Trên tinh thần cầu thị lắng nghe, chúng tôi hiểu và chia sẻ với những vấn đề bức xúc của người dân. Chúng tôi mong muốn bà con hợp tác với chính quyền giải quyết các vấn đề ở khu đô thị mới Thủ Thiêm vì các lợi ích chính đáng của bà con và sự phát triển của TP".
Ông Phong cho biết, đây là cuộc gặp thứ 3, trước đó đã có cuộc gặp với người dân ngoài ranh và người dân ở 2 phường khác.
Chủ tịch UBND.TPHCM Nguyễn Thành Phong nhận đơn của người dân sau buổi tiếp xúc |
"Qua các buổi tiếp xúc cho thấy quan điểm của người dân rằng, kết luận thanh tra mang tính nội bộ, chưa toàn diện. Chúng tôi thông báo tới bà con là Thủ tướng Chính phủ đã có công văn gửi UBND TP.HCM yêu cầu thực hiện kết luận thanh tra. Chúng tôi đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng" - Ông Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP đã thành lập 1 tổ công tác có các ban ngành liên quan và báo cáo Thành ủy dựa trên "nghiên cứu và đề xuất của tổ công tác, lắng nghe ý kiến của người dân".
Theo ông Phong, tổ công tác sẽ lắng nghe những ý kiến chưa đồng tình, đề nghị bổ sung của người dân Thủ Thiêm.
"Nếu bà con chưa đồng tình với 10 vấn đề ở khu đô thị mới Thủ Thiêm thì cùng đề xuất hợp tác, lấy ý kiến để đề ra phương án giải quyết.
Đối với ý kiến của người dân về việc ngoài khu đất 4,3 nằm ngoài ranh quy hoạch, 5 khu phố của 2 phường cũng nằm ngoài ranh thì tôi đã lắng nghe và báo cáo Trung ương. Lúc đó Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, điều này vượt quá thẩm quyền của chúng tôi” – ông Phong nói.
“Đối với 160ha, xử lý theo nguyên tắc sai ở đâu thì sẽ sửa, liên quan đến trách nhiệm của ai thì sẽ xử lý. Chúng tôi xin hứa khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi sẽ triển khai ngay, không chần chừ kéo dài vấn đề nữa. Tôi biết vấn đề Thủ Thiêm kéo dài cũng trì hoãn sự phát triển của TP” – Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định.
11h20: Trưởng ban tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp cho biết, sẽ tiếp tục báo cáo các vấn đề Thủ Thiêm với Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Chính phủ tiếp tục đồng hành cùng với TP, với bà con để cùng nhau giải quyết các khiếu nại ở Thủ Thiêm.
Theo ông Điệp, sau 3 buổi tiếp xúc với các hộ dân, ông ghi nhận bà con có ý kiến là không chỉ 4,3 ha khu phố 1 phường Bình An mà 5 phường khác cũng nằm ngoài ranh quy hoạch, yêu cầu được đền bù thoả đáng. Nếu TP xác định họ trong ranh quy hoạch phải chỉ rõ 160 ha tái định cư ở đâu như Quyết định 367 của Thủ tướng.
Ông Điệp cũng đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo quận 2 trong quá trình giải quyết vụ việc phải có những giải pháp để cuộc sống của bà con đỡ vất vả hơn.
“Cơ bản làm sau Tết âm lịch năm nay phải giải quyết cho bà con có nơi ở ổn định. Phải hành động cụ thể, đó mới là lời xin lỗi chân thành nhất” - ông Điệp nói.
10h25: Đồng tình với các ý kiến của những người phát biểu trước, ông Nguyễn Đình Đảng (phường An Khánh) thông báo 1483 của Thanh tra Chính phủ vì không toàn diện.
Ông Nguyễn Đình Đảng |
Ông Đảng cho biết, trong khi người dân có bằng chứng, đủ căn cứ pháp lý, để chứng minh 5 khu phố của 3 phường nằm ngoài ranh quy hoạch thì thông báo 1483 của Thanh tra Chính phủ lại không đưa ra được những bằng chứng thể hiện những khu vực này ở trong ranh hay ngoài ranh.
“160 ha đất tái định cư ban đầu đang nằm ở đâu, đề nghị TP phải nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết, trả lại đất của 5 khu phố cho người dân” – ông Đảng nói và đề nghị Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khởi tố hình sự những lãnh đạo thành phố đã gây ra sai phạm.
10h: Bà Nguyễn Thị Cẩm Mỹ (phường An Lợi Đông) cho biết, nhà bà có diện tích 540m2, là đất thổ cư, hàng năm đóng thuế đầy đủ. Năm 2009, bị cưỡng chế, nhưng không được bồi thường một đồng nào vì bị quy là 'nhà không số'.
“Việc cưỡng chế trái luật này đã đẩy gia đình tôi vào con đường cùng, không còn nhà để ở, con cái không được đi học” - bà Mỹ khóc và đề nghị ông Nguyễn Thành Phong sớm giải quyết, trả lại công bằng cho gia đình bà.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân (ngụ phường An Khánh) nhắc lại Quyết định 367 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
"Thủ tướng đã cho người dân Thủ Thiêm một ước mơ được an cư lạc nghiệp trên chính mảnh đất Thủ Thiêm, nhưng 20 năm rồi việc đó chưa thực hiện được vì chính quyền TP làm sai" – ông Xuân nói.
Quang cảnh bên trong buổi tiếp xúc |
Theo ông Xuân, chính quyền phải giải quyết câu chuyện tái định cư cho người dân Thủ Thiêm và nếu lãnh đạo TP thật sự mong muốn giải quyết, chịu hiểu và đừng né tránh thì chắc chắn sẽ làm được vì người dân sẵn sàng hợp tác.
XEM VIDEO:
8h40: Các hộ dân bắt đầu trình bày ý kiến. Ông Hoàng Thăng Long (phường An Khánh) khẳng định, đất của gia đình là một trong những trường hợp ở ngoài ranh quy hoạch nhưng vẫn bị cưỡng chế trái luật.
Theo ông Long, thông báo 1483 của Thanh tra Chính phủ chưa thể hiện hết những khiếu nại của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Khu đô thị Thủ Thiêm.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chủ trì buổi tiếp 30 hộ dân Thủ Thiêm |
Ông kiến nghị Thủ tướng lập Đoàn Thanh tra liên ngành để thanh tra toàn diện các nội dung người dân phản ánh. Nhất là vấn đề, toàn bộ 5 khu phố ở 3 phường đều nằm ngoài ranh quy hoạch chứ không phải chỉ có 4,3 ha ở khu phố 1, phường Bình An.
Tiếp lời ông Long, bà Trần Thị Mỹ (77 tuổi, ngụ phường An Khánh) nói đã 14 năm khiếu nại và là một trong những thành viên của "Làng Thủ Thiêm giữa Hà Nội".
Bà Mỹ cho biết thông báo 1483 của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra một số vi phạm tại dự án này và TP cũng đã xin lỗi người dân. Nhưng người dân mong đợi kết luận thanh tra toàn diện dự án Thủ Thiêm chứ không chỉ dừng lại ở Thông báo 1483.
Bà Trần Thị Mỹ phát biểu tại hội trường |
Đề cập đến khu tái định cư 160 ha, bà Mỹ cho rằng dự án Khu đô thị Thủ Thiêm có 3 ranh. Đó là ranh quy hoạch khu trung tâm 640 ha, ranh quy hoạch tái định cư 160 ha, ranh tổng thể khu quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm (gồm ranh quy hoạch khu trung tâm và ranh tái định cư). Vì vậy, nếu nói ranh là phải nói rõ ranh nào thì mới biết ai ở trong ranh, ai ở ngoài ranh.
Theo bà Mỹ, đất tái định cư của dân (khu 160 ha) đã được giao cho doanh nghiệp nên UBND TP thời điểm đó đã chỉ đạo tìm kiếm 160 ha đất ở nhiều nơi để thế vào, đẩy người dân phải tứ tán nhiều nơi tận Rạch Chiếc, Cát Lái cách xa trung tâm Thủ Thiêm đến 15 km.
"Ai là lãnh đạo TP.HCM thời kỳ đó chịu trách nhiệm về việc này?", bà Mỹ đặt câu hỏi.
Bà Mỹ nói TP đừng bao giờ nhắc đến tỷ lệ hơn 99% diện tích đã đã được giải tỏa, di dời để xây dựng Khu đô thị Thủ Thiêm nữa, vì rất nhiều trường hợp đã bị ép buộc và phải ngậm ngùi ra đi chứ không hề tự nguyện.
Người dân ở phường An Lợi Đông, An Khánh, Thủ Thiêm ngồi dưới sảnh theo dõi buổi tiếp xúc qua màn hình |
8h10: Mở đầu buổi tiếp xúc, Chánh Thanh tra TP Nguyễn Long Tuyền trình bày nội dung thông báo 1483 của Thanh tra Chính phủ về một số nội dung chủ yếu liên quan đến khiếu nại của người dân Thủ Thiêm.
Khi ông Tuyến đang đọc kế hoạch 821 của UBND TP về việc thực hiện thông báo của Thanh tra Chính phủ thì nhiều người dân yêu cầu làm rõ vấn đề “trong ranh hay ngoài ranh quy hoạch”.
Người dân 'vây' Chánh văn phòng UBND.TPHCM Võ Văn Hoan |
Ông Nguyễn Hồng Điệp – Trưởng ban tiếp công dân Trung ương tiếp chuyện người dân Thủ Thiêm trước cuộc họp |
Lúc này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và ông Nguyễn Hồng Điệp – Trưởng ban tiếp công dân Trung ương đã phải giải thích, đề nghị người dân giữ bình tĩnh; lúc này trật tự mới được vãn hồi.
“Chúng tôi đến đây để lắng nghe nguyện vọng của cô bác. Chúng tôi rất trân trọng ý kiến nên sẽ dành phần lớn thời gian cho cô bác trình bày... " – ông Nguyễn Thành Phong nói.
Người dân mang bản đồ tới buổi tiếp xúc Chủ tịch Nguyễn Thành Phong |
Liên quan đến khu vực tái định cư 160 ha, theo ông Phong, Thanh tra Chính phủ đã lập tổ công tác cùng nhiều bộ ngành đang kiểm tra.
Về chính sách bồi thường tái định cư, TP đã gặp bà con ở phường Bình An và Bình Khánh (khu 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch) để trao đổi.
"Hôm nay có 10 vấn đề xin ý kiến các cô bác", ông Phong nói và yêu cầu Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Phước Hưng thông báo ngắn gọn các nội dung TP xem xét hỗ trợ cho người dân.
8h sáng nay, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tiếp tục gặp các hộ nằm trong ranh quy hoạch dự án khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2), để trao đổi về chính sách hỗ trợ, bổ sung.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong gặp gỡ người dân Thủ Thiêm |
Trong cuộc tiếp xúc này, ông Phong cùng các ban ngành sẽ làm việc với 50 hộ ở 3 phường An Khánh, Thủ Thiêm và An Lợi Đông (quận 2). Những hộ dân không có thư mời, muốn theo dõi buổi làm việc, sẽ được xem qua màn hình bố trí ở tầng trệt, như cuộc gặp ngày 7/11.
Chính quyền TP cho biết sẽ rà soát lại tính pháp lý 2.000 trường hợp có nhà, đất trong ranh quy hoạch dự án Thủ Thiêm đang khiếu nại về chính sách bồi thường chưa thỏa đáng, tiền bồi thường quá thấp, không đủ mua nhà tái định cư.
Clip: Chủ tịch TP.HCM nói 'thực tâm' muốn giải quyết vấn đề Thủ Thiêm
Trước đó, trong cuộc tiếp xúc của ông Nguyễn Thành Phong với 35 hộ dân 2 phường Bình An và Bình Khánh (quận 2) ngày 7/11, UBND TP.HCM đưa ra 10 nội dung xin ý kiến người dân về hỗ trợ bổ sung nhưng không được người dân chấp thuận vì cho rằng họ “không nằm trong ranh quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm”.
Theo người dân, không chỉ khu 4,3 ha của khu phố 1 phường Bình An nằm ngoài ranh quy hoạch như kết luận của Thanh tra Chính phủ mà 5 khu phố và 3 khu dân cư (khu phố 1 phường Bình An; khu phố 5, 6 phường An Khánh; khu phố 1, 2 phường Bình Khánh) đều “nằm ngoài ranh quy hoạch”.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói thực tâm muốn giải quyết chuyện Thủ Thiêm.
"Nếu không thực tâm thì tôi không tổ chức những cuộc tiếp dân và lắng nghe cặn kẽ ký kiến cô bác. Giải quyết được vấn đề Thủ Thiêm sẽ giải quyết được cuộc sống của người dân Thủ Thiêm, đồng thời giải quyết được sự phát triển của TP", ông Phong khẳng định.
10 nội dung chính quyền TP.HCM xin ý kiến người dân: 1. Điều chỉnh thời điểm để tính bồi thường thiệt hại cho người dân Thủ Thiêm, không tính thời điểm Nghị định 34 có hiệu lực nữa, mà tính theo thời điểm thu hồi đất. 2. Bồi thường hỗ trợ đối với đất do dân tự khai phá, canh tác. Mức hỗ trợ về chi phí bồi thường và tái định cư, đưa về thời điểm 1997. 3. Hỗ trợ các trường hợp có nguồn gốc lấn chiếm, sông, kênh rạch từ năm 1993 đến 1998. 4. Hỗ trợ đối với đất lấn chiếm sông, kênh rạch có nguồn gốc từ 1998-2002. 5. Xem xét chính sách hỗ trợ đối với các trường hợp thuê đất do Nhà nước quản lý để kinh doanh. 6. Các trường hợp thuê đất do Nhà nước trực tiếp quản lý, thời điểm 15/10/1993 đến năm 2002. 7. Các trường hợp nhà đất ở bị giải tỏa một phần. 8. Các trường hợp đã chuyển thành đất ở nhưng không trực tiếp ở, làm kho, chuồng trại...Đất nông nghiệp không dùng để ở cũng được xem xét điều chỉnh. 9. Điều chỉnh đơn giá đất nông nghiệp xen trong khu đất ở. 10. Đất chuyển từ đất nông nghiệp thành đất ở trước ngày 10/5/2002. |
Chủ tịch TP.HCM: Thực tâm muốn giải quyết 'chuyện' Thủ Thiêm
Sáng nay, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tiếp tục đối thoại với người dân Thủ Thiêm để giải quyết khiếu nại.
Kiểm điểm tập thể UBND TP.HCM về sai phạm ở Thủ Thiêm
Tập thể UBND TP.HCM qua các thời kỳ, UBND quận 2, Ban quản lý dự án khu đô thị Thủ Thiêm, UBND các phường quận 2 bị kiểm điểm vì sai phạm ở Thủ Thiêm.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân tới nhà thăm dân Thủ Thiêm
Sáng nay, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cùng tổ ĐBQH TP.HCM tới thăm người dân Thủ Thiêm.
Dự án xây nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm có từ khi nào?
Nhạc trưởng Trần Vương Thạch - Giám đốc Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP.HCM lên tiếng về chủ trương xây Nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm.
Bị quy làm sai vụ Thủ Thiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.HCM lên tiếng
Kiến trúc sư trưởng TP.HCM được cho là phê duyệt quy hoạch trái thẩm quyền, nhưng ông khẳng định được Chủ tịch TP ủy quyền ký.
Quỳnh Như - Văn Châu