Thiếu các điểm tập kết rác khiến các bến xe bus, các ngã ba ngã tư của Hà Nội vốn chật chội phải gánh thêm nhiệm vụ làm trạm trung chuyển rác thải bất đắc dĩ.
Người dân khốn khổ với rác
Anh Đỗ Quý Dương, một nhân viên văn phòng tại Tòa nhà Cục Tần số (115 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội) khá ngạc nhiên khi ngay dưới chân văn phòng sang trọng nơi mình làm việc là hàng đoàn xe rác thải được tập kết mỗi ngày. Trạm trung chuyển rác (trên phố Nguyễn Xuân Linh) bất đắc dĩ này “nhìn thẳng” vào sảnh chính tòa nhà nơi anh làm việc, khiến mùi xú uế nồng nặc mỗi ngày, nhất là những hôm trời nắng.
Không chỉ trên phố Nguyễn Xuân Linh, những trạm trung chuyển rác tự phát như vậy xuất hiện khá nhiều trên các tuyến phố của Thủ đô như: Lê Văn Lương (ngã ba giao với phố Hoàng Ngân), Lê Trọng Tấn (ngã ba đường giao với ngõ 192), Trần Khát Chân (trước cửa chi nhánh Ngân hàng Vietinbank Hai Bà Trưng), Thái Hà (trạm chờ xe bus chỗ bể bơi Thái Hà)… Điều đáng nói, không chỉ những trạm rác tự phát này xuất hiện ngày một nhiều mà ngay tại các tuyến phố trung tâm của Hà Nội, tình trạng xe rác để lộn xộn chắn một phần không nhỏ bề mặt đường cũng đang gây bức xúc.
Bác Nguyễn Thị Nhàn (cư dân phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) cho biết: “Không rõ từ khi nào, trước cửa nhà tôi xuất hiện 1 xe rác chình ình mỗi ngày. Xe được công ty môi trường “vứt” ngay cửa nhà và biến nơi đây thành nơi đổ rác của các hộ dân trong khu vực, cũng như nơi vứt rác của những người đi đường. Không những vậy, sau 3h chiều những xe rác khác được tập kết biến nơi đây thành điểm tập kết rác bất đắc dĩ. Ruồi nhặng, mùi hôi thối xộc thẳng vào nhà khiến vợ chồng tôi không chịu nổi. Mấy lần ý kiến với các chị lao công sao lại để xe rác ở đây thì đều nhận được câu trả lời “bác thông cảm, không để đây thì không biết để đâu”. Thế là mỗi ngày những hộ dân chúng tôi phải lãnh đủ”.
Không “cam chịu” như nhà bác Nhàn do chỉ có 2 ông bà già không di chuyển được xe rác đi đâu. Anh Trần Văn Công (cư dân tại phố Lạc Trung, Hai Bà Trưng) bức xúc: “Nhiều hộ dân ở đây đã phải đánh chửi nhau vì chuyện xe rác nằm ngay cửa nhà mình. Lí do, không ai muốn để xe rác ngay trước nhà, nhưng đẩy đi đâu thì không có câu trả lời”. Theo anh Công, các công nhân vệ sinh thì cương quyết, các bác không cho để đấy thì họ sẽ không thu gom rác khu vực đó. Lí do họ đưa ra là, rác sinh hoạt được thu gom theo giờ đổ rác luôn quá tải. Thậm chí xe rác (dự phòng) để trước cửa những hộ dân dù không muốn nhưng cũng không đáp ứng được nhu cầu thu gom rác thải cho người dân.
Giải pháp nào cho tình trạng này?
Một cán bộ của Công ty CP vệ sinh Môi trường đô thị Hà Nội (xin được giấu tên) chia sẻ: Những bất cập trong việc thiếu các điểm tập kết trung chuyển rác thải trên địa bàn TP Hà Nội đã được chính quyền và doanh nghiệp nhìn thấy từ rất lâu. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ cho vấn đề này không hề đơn giản khi mà quỹ đất dành cho việc xây dựng các điểm tập kết rác thải tạm thời này đang rất thiếu và thường xuyên bị “cướp mất” bởi các thành phần kinh tế khác như: bãi đỗ xe, dịch vụ kinh doanh ăn uống của người dân hay thậm chí bị lấn chiếm bởi các công trình xây dựng trái phép.
“Không chỉ các tuyến phố trong nội thành có vỉ hè chật hẹp, không có chỗ để tập kết xe rác thì ngay các tuyến phố ngoài các vành đai dù rộng rãi nhưng cũng bị các bãi trông giữ xe chiếm dụng. Việc không có những không gian trống để xây dựng các điểm tập kết rác đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường khiến các xe rác buộc phải để ngay dưới lòng đường gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường và khiến người dân bức xúc. Rất nhiều văn bản đã được các công ty môi trường gửi lên UBND TP.Hà Nội kiến nghị về việc tạo các quỹ đất dành cho điểm tập kết rác thải tạm thời nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết”, vị đại diện công ty môi trường nói.