Các bên cấp tập chuẩn bị cho xu hướng đón Tết sớm
Theo báo cáo Xu hướng tiêu dùng dịp Tết 2022 của Kantar, người dân Việt Nam có nhu cầu mua sắm Tết tăng mạnh hơn so với năm 2021, bất chấp ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Cụ thể, tỷ lệ chi tiêu cho nhóm hàng tiêu dùng nhanh dịp Tết 2022 có thể tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo cũng cho thấy, lo ngại tác động của dịch bệnh khiến người dân đang sắm Tết sớm hơn so mọi năm. Theo đó, 44% người được khảo sát cho biết, họ có kế hoạch mua sắm sớm hơn 5-6 tuần trước Tết bởi nhiều lý do: Tâm lý háo hức đón Tết sau 1 năm dịch bệnh, tận dụng mua sắm liền mạch từ Tết Dương lịch hay lo sợ dịch bệnh bùng phát gây đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hàng hóa...
Tuy nhiên, thay vì mua trực tiếp để chuẩn bị cho Tết như các năm trước, người tiêu dùng năm nay có xu hướng quen thuộc hơn với loại hình mua sắm trực tuyến - điều này dễ hiểu, bởi nhiều người đã “luyện” thành thói quen từ khi giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, tuy đã bước vào giai đoạn “bình thường mới”, người tiêu dùng vẫn e ngại khi mua sắm và tiếp xúc tại các điểm đông người.
Mặt hàng gia dụng, chăm sóc cá nhân được mua nhiều trong lễ hội mua sắm cuối năm. (Ảnh: Hải Đăng) |
Nắm bắt tâm lý này, nhiều sàn thương mại điện tử đã tung ra các lễ hội mua sắm Tết cuối năm. Lazada khởi động từ đầu tháng 12, kéo dài 10 ngày, với các ưu đãi giảm giá, tặng phiếu mua hàng, miễn phí vận chuyển... Trong khi đó, Tiki cũng mở đợt mua sắm lớn mừng Tết Nguyên đán, với trọng điểm vào ngày 11/1 và những ngày kế cận.
Song song với nhu cầu mua sắm online, các đơn vị giao hàng khẩn trương chuẩn bị cho lượng đơn hàng dồn dập dịp Tết.
Ông Phan Bình - Giám đốc thương hiệu J&T Express Việt Nam, cho hay trong giai đoạn này, các đơn vị vận chuyển chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, bổ sung máy móc, trang thiết bị, bố trí nhân sự ở tất cả các khâu để xử lý hàng hóa và chăm sóc khách hàng.
Bản thân các đơn vị vận chuyển cũng phải khuyến mại cho chủ cửa hàng online để nhận đơn. Chẳng hạn như vận chuyển đồng giá, giảm giá vận chuyển trực tiếp trên đơn hàng, tặng các phần quà giá trị cho chủ shop...
Doanh nghiệp còn chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào khâu vận chuyển để tối ưu hóa quy trình xử lý, giúp việc giao nhận hàng hóa diễn ra thông suốt, nhanh chóng và chính xác.
Người dân mua đồ chăm sóc cá nhân, dọn dẹp nhà cửa đón Tết
Lazada vừa công bố những số liệu của lễ hội khuyến mại sắm Tết đang diễn ra trên nền tảng. So với lễ hội này năm ngoái, các số liệu kinh doanh tích cực hơn. Về phía khách hàng, xu hướng mua sắm chuẩn bị Tết thể hiện khá rõ.
Trong hai ngày đầu tiên của lễ hội mua sắm, Lazada cho biết, số lượng thương hiệu, nhà bán hàng tăng gấp 1,5 lần so với lễ hội mua sắm năm ngoái. Từ đó, ghi nhận số lượng khách hàng và đơn hàng bán ra trên toàn sàn tăng 1,5 lần.
Số lượng khách hàng mua sắm trên hệ thống gian hàng chính hãng (LazMall) tăng 1,7 lần và số lượng đơn hàng tăng gần gấp đôi. Doanh thu ghi nhận từ các gian hàng cũng tăng 1,5 lần.
Trong chương trình mua sắm kéo dài 10 ngày, nền tảng tung mức giảm giá đến 50%, các chương trình miễn phí giao hàng, phiếu giảm giá và các hoạt động giải trí trực tuyến.
Về xu hướng mua sắm, số liệu cho thấy các sản phẩm về chăm sóc sức khỏe được người tiêu dùng quan tâm, mua cho bản thân và làm quà tặng cho người thân trong dịp Tết Nhâm Dần. Ngành hàng này ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất với doanh thu tăng 2,5 lần.
Người mua cũng có xu hướng trang trí nhà cửa nhiều hơn cho dịp Tết cổ truyền. Các sản phẩm thuộc ngành hàng nhà cửa và đời sống, cụ thể là các thiết bị hỗ trợ dọn dẹp và làm sạch chiếm ưu thế với mức tăng trưởng gấp 2 lần; song song đó sức mua các sản phẩm nội thất và vật dụng nhà bếp cũng gia tăng mạnh.
Ngoài ra, ngành hàng bách hóa và mẹ & bé ghi nhận doanh thu tăng trưởng cao gần gấp 3 lần ngày thường.
Hoạt động bán hàng livestream được người mua online đón nhận nhiều hơn. Lượt xem các chương trình bán hàng phát sóng trực tiếp tăng 220% và lượt chia sẻ tăng hơn 570%, cho thấy người dùng đón nhận các nội dung mua sắm kết hợp giải trí.
Hải Đăng
Thương mại điện tử tìm giải pháp bền vững cho nông sản
Bên cạnh “giải cứu” tạm thời các mặt hàng nông sản cho nông dân, các doanh nghiệp đang tìm giải pháp bền vững hơn cho nông sản Việt.