Nhập viện sau cơn đau khớp ngón chân, anh T.M phát hiện bị gout và tiểu đường ở tuổi 33. Bác sĩ tư vấn anh cần hạn chế rượu bia cũng như điều chỉnh chế độ ăn nhiều rau, ít thịt đỏ, hải sản,…
Xuất viện về nhà, anh M. tuân thủ kiêng cữ vài tháng, bệnh ổn định. Nghĩ rằng cơn đau gout chỉ thoáng qua, thêm vào đó, yêu cầu công việc cần tiếp khách nhiều, anh M. quên dần chế độ ăn uống như lời dặn của bác sĩ.
Sau khoảng 2 năm, anh lại sưng đỏ bàn chân và đầu gối. Theo lời người quen, anh đâm nhuyễn lá trà tươi, pha muối và đắp lên vết sưng. Bốn ngày sau, chân anh đau nhức dữ dội, có dấu hiệu nhiễm trùng và phải vào Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) điều trị.
Tại đây, bác sĩ nhận định anh M. bị tái phát gout, biến chứng nặng, các khớp bị xốp, vết thương nhiễm trùng, phải tháo khớp 3 ngón chân bên phải, cắt lọc các mô hoại tử.
Đây không phải trường hợp hiếm gặp bị biến chứng nặng do tự điều trị gout. Thạc sĩ, bác sĩ Hà Thị Kim Chi, Khoa Nội Cơ xương khớp, Bệnh viện Thống Nhất cho hay, một bệnh nhân nam 28 tuổi khác cũng nhập viện trong tâm trạng hoảng loạn vì gout mạn tính, nhiễm trùng, hội chứng Cushing… Gần một tháng sau, anh phải cắt lọc mô hoại tử.
Theo người nhà, ban đầu bệnh nhân uống thuốc Tây nhưng cơ thể bị nóng và đau nhiều nên chuyển sang uống thuốc của một thầy lang. Hiệu quả giảm đau rất nhanh, ăn ngủ được nên anh theo thầy lang suốt thời gian dài. Tuy nhiên, khi nhập viện, tình trạng bệnh của anh đã rất nặng.
Bác sĩ Chi cho hay trước đây, bệnh gout thường gặp ở nam giới tuổi trung niên. Hiện nay, nhiều bệnh nhân mắc gout chỉ 30-40 tuổi. Bệnh viện Thống Nhất cũng thường xuyên tiếp nhận người trẻ bị gout nặng, nhiều biến chứng.
Vị chuyên gia này đánh giá nhiều nguyên nhân gây ra bệnh gout. Trong đó, lý do chủ yếu là rối loạn chuyển hóa nhân purin làm tăng axit uric trong máu, gây lắng đọng các tinh thể urate ở các khớp. Bên cạnh đó, chế độ ăn nhiều nội tạng, hải sản, thịt đỏ, bia rượu,… cũng khiến tình trạng nặng nề hơn, nhất là ở người trẻ.
Bệnh khởi phát bằng các đợt viêm khớp cấp tính với triệu chứng đột ngột sưng, nóng, đỏ, đau ở các khớp ở chân, nhất là khớp ngón chân cái... Nếu không kiểm soát, bệnh tiến triển thành mạn tính, lâu dài có thể gây cứng khớp.
Bệnh nhân cũng có thể gặp biến chứng với các nốt u (hạt tophi) ở khớp, lắng đọng các tinh thể urat ở thận dẫn đến suy thận.
“Nhiều trường hợp bị gout thường chủ quan. Họ tự mua thuốc giảm đau giảm sưng uống, có người chỉ dùng thuốc khi sưng đau nặng, hoặc uống vài ngày rồi bỏ. Hậu quả là bệnh ngày càng trầm trọng, biến chứng hoặc nhiễm trùng nặng, nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Chi nói.
Bác sĩ nhấn mạnh việc tự ý dùng thuốc giảm đau, thuốc không nguồn gốc có thể gây ra huyết tiêu hóa, loãng xương, gãy xương, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim. Trường hợp các nốt tophi bị vỡ, vi khuẩn xâm nhập vào vết thương gây viêm khớp nhiễm khuẩn, nhiễm trùng máu nguy cơ tử vong rất cao. Biến chứng cũng khiến người bệnh giảm chức năng vận động, ảnh hưởng tâm lý, chất lượng cuộc sống.
Do đó, bệnh nhân gout cần thăm khám, dùng thuốc theo chỉ định, trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng các thuốc mới hay thực phẩm chức năng. Đồng thời, tuân thủ nghiêm túc chế độ ăn uống, dinh dưỡng, tập luyện để giúp ổn định tình trạng bệnh gout.