Người đàn ông có thân hình đen trùi trũi, nổi hàng nghìn khối u kỳ dị khắp cơ thể đang phải gồng mình mang căn bệnh lạ bẩm sinh, ông chỉ quanh quẩn trong làng, sống cuộc sống kham khổ, tủi nhục.


TIN BÀI KHÁC


Người đàn ông tên Nguyễn Đình Chiểu, SN 1961, ngụ tại cụm 9, thôn Vương Điện, xã Ngọc Tảo, (Phúc Thọ, Hà Nội) đã mang trong mình hình hài của “quỷ”. Không được học hành, không nghề nghiệp, ông lang thang hành nghề nhặt rác nuôi thân và gia đình.

Tuổi thơ dữ dội

Nguyễn Đình Chiểu sinh ra trong một gia đình có sáu anh chị em tại xã Ngọc Tảo, một xã nghèo của tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội). Cha mẹ đều xuất thân bần nông, cuộc sống chỉ ngóng trông vào đồng ruộng và những mớ tôm tép do người cha sớm hôm đi kiếm được.


Căn bệnh lạ khiến ông Chiểu cả đời phải đau đớn

Lúc mới sinh, Chiểu hoàn toàn bình thường, nhưng chỉ ít ngày sau đó, trên đỉnh đầu xuất hiện một u thịt thừa như hạt đỗ đen. Gia đình nghĩ đơn giản đó chỉ là những nốt mụn thừa, qua năm tháng sẽ tự biến mất, ai ngờ rằng chính cái mụn nhỏ ly ty ấy lại làm cho thân thể của con mình phải đau đớn suốt cuộc đời.

Nốt thịt thừa tiềm ẩn trên đỉnh đầu không làm một đứa trẻ hơn một tuần tuổi đau đớn, vướng bận. Chiểu cũng không có một dấu hiệu gì của sự không bình thường, vẫn phổng phao háu ăn, nên gia đình cũng lơ là bỏ qua.
Cứ thế, thời gian thoi đưa, Chiểu lớn lên một chút thì nốt thịt ấy cũng dần to ra. Khi lên đến năm tuổi thì nó bắt đầu biến dạng thành cục bi ve. Mỗi khi nằm ngủ hay có ai vô tình chạm vào, cảm giác nhói đau làm Chiểu phải nhăn nhó, khó chịu.

Thấy bệnh của con có dấu hiệu nghiệm trọng, gia đình hốt hoảng vội vàng thu xếp công việc, vay mượn tiền đưa Chiểu lên bệnh viện Thị xã Sơn Tây khám chữa trị.

Sau khi làm thủ tục, Chiểu được các bác sĩ trích bỏ u thịt thừa trên đỉnh đầu. Bác sĩ yêu cầu phải nằm viện để tiện việc thoi dõi nhưng vì hết tiền, kinh tế gia đình lại khốn khó nên bố mẹ quyết định xin đưa Chiểu về nhà chăm sóc.

Về nhà được một thời gian, Chiểu vẫn khỏe mạnh như thường, ham vui đùa nghịch cùng các anh chị em của mình. Rồi bất hạnh thực sự đến với Chiểu khi cái cục thịt quái ác lại xuất hiện đằng sau gáy, lần này không phải một nốt mà là một nhúm thịt thừa. Những nốt thịt nhỏ như mụn trứng cá nhưng phát triển rất nhanh rồi càng ngày càng nhiều, lan dần xuống lưng, bụng, rồi chân tay và cả mặt.

Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, toàn thân Chiểu đã bị bao bọc một lớp da hoàn toàn khác, thô ráp, sần sùi như da cóc. Quá lo lắng và hoảng sợ trước bệnh tình của con, gia đình đưa Chiểu lên bệnh viện thị xã Sơn Tây lần nữa để điều trị gấp.

Một thời gian dài nằm viện nhưng bệnh tật vẫn không hề cải thiện, những nốt mụn thì chi chít và ngày càng nhiều lên. Sau khi được các bác sĩ cho biết đây là một bệnh hiếm gặp, hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa có thuốc chữa, gia đình mới ngã ngửa và không còn hi vọng gì về khả năng bình phục của con.

Cảm giác bất an về đứa con hẩm hiu, tội nghiệp khiến gia đình nhiều đêm mất ngủ, bất lực để con sống chung với hàng nghìn u nhọt. Và một tương lai xấu, mờ mịt luôn thường trực trong nỗi lòng của người làm cha mẹ.
“Nhà được sáu người con, anh em nó đều khỏe mạnh bình thường, nhưng thằng Chiểu lại bị bệnh lạ, chạy chữa nhiều lắm, hỏi thăm nhiều lắm nhưng tất cả đều lắc đầu. Từ khi nó biết mình bị bệnh, người nó cứ đờ đẫn, không làm được bất cứ công việc gì, kể cả việc quét nhà”. Cụ Vũ Thị Bạn, 90 tuổi, mẹ Chiểu móm mém nói.


Hàng nghìn khối u nhọt sống ký sinh trên cơ thể .

Biết bệnh tình của Chiểu có bao nhiêu tiền cũng không thể chữa khỏi được nên gia đình để Chiểu ở nhà chăm sóc với hi vọng được đến đâu hay đến đấy. Về nhà Chiểu vẫn sinh hoạt bình thường, sức khỏe vẫn ổn định, ăn nói tự nhiên, duy chỉ có người là toàn mụn. Tuy gia cảnh khó khăn, miếng cơm chạy ăn từng bữa, nhưng để bù đắp cho đứa con tội nghiệp của mình, cha mẹ vẫn gắng gượng lo cho Chiểu được đến trường cho bằng bạn bằng bè.

Cái tuổi non nớt, thơ ngây những ngày đầu đi học, Chiểu vẫn chưa cảm nhận được bản thân đang mắc phải chứng bệnh lạ và ngoại hình khó coi của mình, chỉ đến khi các bạn bè vô tình nói ra, Chiểu mới bắt đầu ý thức được và cảm giác tự ti, mặc cảm bắt đầu xuất hiện trong con người anh.

Chiểu vẫn đến trường nhưng không còn vui đùa cùng bạn bè, cũng chẳng nói cười mà suốt ngày lầm lỳ, lảng tránh mọi người xung quanh. Học xong Chiểu lại lẳng lặng về nhà ngay. Cái tuổi hồn nhiên, ngây thơ của tuổi thơ đối với Chiểu cứ thế diễn ra trong nỗi buồn lặng lẽ khôn nguôi.

Rồi những ngày đến trường cũng thưa dần, Chiểu đi học nhưng không vào lớp mà lang thang khắp đầu đường cuối phố. Bà con hàng xóm thấy Chiểu hay thui thủi một mình trên đường lại đưa Chiểu về nhà. Sợ con hay đi lang thang xảy ra chuyện, gia đình cho Chiểu nghỉ học và chăm sóc ở nhà.

Những ngày ở nhà, Chiểu càng trở nên lặng lẽ như một cái bóng, rồi không biết từ lúc nào anh trở thành người trầm cảm và không còn được nhanh nhẹn minh mẫn như một con người bình thường nữa.
Hạnh phúc mỉm cười đến từ bãi rác

Thời gian trôi đi, những tháng ngày buồn bã tẻ nhạt cứ lặp đi lặp lại đối với Chiểu. Bước sang tuổi 20, Chiểu vẫn không biết làm bất cứ một công việc gì, suốt ngày chỉ lang thang, vật vờ đến bữa lại về nhà. Các anh chị em của Chiểu đều đã trưởng thành, có người đã lập gia đình, nhưng Chiểu như một người thừa đáng thương hại. Mỗi lần làm việc gì dù là nhỏ nhất cha mẹ và các anh chị cũng phải bảo từng ly từng tý nhưng Chiểu vẫn không làm nên hồn.

20 tuổi, căn bệnh lạ làm hao mòn thể xác, tiều tụy thân hình Chiểu, vừa là nỗi khiếp đảm, nỗi lo của cả gia đình. Thương Chiểu nhưng gia đình cũng chỉ biết cắn răng phó mặc cho số phận vì căn bệnh lạ của đứa con tội nghiệp và để Chiểu làm gì tùy ý.


Ngôi nhà phủ đầy rêu xanh là tài sản duy nhất cha mẹ cả đời cất công làm nên..
Rồi không biết từ khi nào, thói quen lang thang đầu đường cuối ngõ đã ngấm vào con người của anh. Mỗi lần về nhà, Chiểu lại xách một mớ hỗn độn đủ các loại rác thải, túi ninlon… ở ngoài đường mang về. Nhìn thấy cảnh tượng này, mẹ Chiểu lại rưng rưng nước mắt: “Thấy nó mang mấy cái thứ rác thải về nhà, tôi mắng chửi nó, nhưng nó cứ lầm lỳ không nói gì, tôi cứ mang vứt bỏ đâu đó, nó lại đi tha về, sợ nó nghĩ quẩn nên đành kệ. Bằng tuổi con mình ai cũng vợ con đề huề, có công ăn việc làm ổn định, còn con mình thì như dở hơi, đờ đẫn, lại hay bị người khác trọc ghẹo. Thương con lắm mà chẳng biết làm gì…”.

Khi xách rác về, Chiểu lại lật giở từng cái túi nilon đầy rác đã rách quá nửa đem rửa sạch phơi khô. Chả mấy chốc căn nhà đã đầy giấy bóng, xung quanh đâu đâu cũng có giấy bóng. Không biết Chiểu phơi cái thứ đó làm gì, một số người ca thán cho rằng anh bị điên, bị ma làm nên mới trở nên như vậy.

Nhưng rồi họ phải ngỡ ngàng khi thấy Chiểu lấy giấy bóng lượm được, đem rửa sạch, phơi khô sau đó gom lại bán cho những người thu mua sắt vụn. Mỗi lần bán được ít tiền, càng thôi thúc Chiểu tiếp tục hành nghề nhặt rác của mình kiếm sống qua ngày.

Rồi không biết trời xui đất khiến thế nào, trong những lần đi nhặt rác, Chiểu gặp chị Vũ Thị Mơ, sinh năm 1962, người đội 9. Tính thật thà, chịu thương chịu khó đã giúp Chiểu tìm được hạnh phúc bên người vợ giàu đức hy sinh.

Từ những cái nhìn ban đầu ghẻ lạnh, sợ hãi không mấy thiện cảm, chị Mơ đến với Chiểu. Chị đến với Chiểu không phải xuất phát từ tình yêu đôi lứa, mà từ tình thương người, từ sự cảm phục về người đàn ông hiền lành, mang nhiều khổ đau. Cũng từ đó trái tim chị dần hướng về Chiểu, yêu anh và tự nguyện sống với anh.


Không nghề nghiệp, ông sống bằng nghề nhặt rác nuôi con và người vợ bệnh tật. .

Năm 1987, một đám cưới nho nhỏ được tổ chức giữa hai bên gia đình. Chị Mơ về sống chung với anh Chiểu. Gia cảnh chị nghèo xác nghèo xơ, chị đến với anh không phải vì tiền bạc vật chất mà niềm thương người, bằng tấm chân tình giàu đức hi sinh của người phụ nữ: “Tôi thương ông ấy, thấy ông ấy chịu thương chịu khó nên tôi về sống cùng, cũng chẳng cưới xin gì”.

Có được tấm chồng khỏe mạnh thành đạt, biết yêu vợ thương con và có một mái nhà đầm ấm yên vui, ngập tràn hạnh phúc là ước muốn của biết bao người phụ nữ, nhưng chị lại dành tình yêu thương cho một người mà chỉ nhìn qua ai cũng phải rùng mình. Chính chị đã giúp anh có niềm vui, tiếng cười và có thêm nghị lực để tiếp tục sống và chung tay xây đắp gia đình.

Từ ngày có gia đình, Chiểu được bố mẹ cho một gian nhà và mấy sào ruộng ra ở riêng. Ngày ngày, Chiểu vẫn mưu sinh bằng nghề nhặt rác. Khi anh mang rác về nhà, hai vợ chồng lại chung tay thu gom, giặt giũ rồi bán lấy tiền đong gạo. Các anh chị em của Chiểu cũng thỉnh thoảng tới lui động viên thăm hỏi anh chị.

Sống với nhau được một năm, chị Mơ mang bầu, cả gia đình làng xóm, mong đợi một đứa con sẽ “không giống cha nó”. Ngày chị sinh, trời thương, cả gia đình mừng rỡ khi mẹ tròn con vuông, đứa con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Nhàn ra đời trắng trẻo, bụ bẫm. Rồi đứa con thứ hai là Nguyễn Thị Nhãn lành lặn không bệnh tật.

Niềm vui hóa thành nước mắt, ai ai cùng mừng rỡ, phấn khởi, hàng xóm càng thêm nể phục mối tình có một không hai này. Cái gia đình nhỏ ấy có thêm hai thành viên mới, cuộc sống vốn đói nghèo những có thêm niềm vui, tiếng cười.

Nhưng trớ trêu thay, niềm vui chẳng tày gang, cái gia đình ấy lại lâm vào cảnh cùng cực, khốn đốn trăm bề. Người vợ anh sau khi sinh mặc chứng bệnh tai biến mạch máu não, không còn khả năng lao động, suốt ngày chỉ nằm liệt một chỗ.

Đứa con Nguyễn Thị Nhãn càng lớn càng trở nên đần độn, ngờ nghệch không giúp gì được cho gia đình. Gánh nặng đổ dồn lên vai người cha khắc khổ. Số tiền sau bao năm gom nhặt từng đồng lại đổ dồn vào thuốc thang… Cứ thế bệnh tật triền miên, bao nhiêu tiền của đều “nướng” hết vào bệnh tật nhưng cực chẳng đã, chị vẫn nằm liệt một chỗ.

Không thể kham nổi tiền bởi số tiền nhặt rác nuôi sống cả gia đình còn khó huống chi… Đã qua hơn nửa đời người, không còn cảm giác tự ti mặc cảm bởi hình hài của mình, người đàn ông ấy đang từng ngày phải gồng mình làm công việc độc hại để có đồng tiền nuôi vợ bệnh tật, con đần độn.

(Theo Bưu điện Việt Nam)