{keywords}

Mắc bệnh tiểu đường nên mỗi lần đến bệnh viện khám là một lần anh Nguyễn Trần Long (Từ Liêm, Hà Nội) phải chuẩn bị ghi chép về thử đường máu trước 3 ngày, các loại thuốc từng uống ghi trong y bạ… Đây là những thông tin cực kỳ quan trọng với bác sĩ trong việc chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể chuẩn bị cẩn thận và chi tiết như anh Long bởi người thân là một bác sĩ.

Thực tế, nhiều bệnh nhân mắc tiểu đường khác thường gặp nhiều vấn đề về các thông tin lưu trữ liên quan đến chỉ số của cá nhân. Điều này cũng khiến các bác sĩ khó khăn hơn trong việc phân tích và đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất.

Chị Liên (Hà Đông, Hà Nội) cũng gặp vấn đề với các thông tin cá nhân về hồ sơ bệnh án nhưng cho một bệnh khác. Do căn bệnh viêm đường tiết niệu tái phát nhiều lần, hơn một năm qua, chị Liên đi khám tại nhiều bệnh viện từ cấp thành phố đến tuyến trung ương. Tại từng cơ sở y tế, bệnh nhân này đều được phát một cuốn sổ y tế riêng và đều nhận được các y lệnh xét nghiệm tương tự nhau.

“Căn bệnh của tôi chỉ cần điều trị ngoại trú, nhưng bản thân chủ quan, không tuân thủ nghiêm việc dùng thuốc nên khiến tình trạng bệnh tái phát nhiều lần. Cứ vài tháng, tôi lại đến khám ở một bệnh viện khác nhau và phải làm xét nghiệm lại nhiều lần, đơn thuốc của mỗi bác sĩ cũng khác nhau”, chị Liên chia sẻ.

Thực tế, nhiều bệnh nhân tiểu đường cũng như chị Liên và hàng triệu người Việt Nam khác đều gặp vấn đề về lịch sử bệnh lý khi đi khám ở các bệnh viện. Với nhiều cuốn sổ y bạ khác nhau, nhiều bệnh nhân quên hoặc không thể mang đi đủ theo mình lịch sử bệnh lý, cũng như các phương pháp điều trị trước đó. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới rất nhiều xét nghiệm máu, chụp, chiếu… không cần thiết, cộng với việc bác sĩ thiếu thông tin hữu ích khi đưa ra phác đồ điều trị.

{keywords}

Việc tạo ra một hồ sơ sức khỏe điện tử, với mã định danh duy nhất cho mỗi người dân và được cập nhật thường xuyên sẽ là giải pháp hiệu quả nhất cho vấn đề này. Và Bộ Y tế đã phối hợp với Tập đoàn Viettel thực hiện đúng giải pháp như vậy với hệ thống Hồ sơ sức khỏe cá nhân.

Theo đó, Bộ Y tế và Tập đoàn Viettel đã xây dựng một hệ thống hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cho từng người dân trên một nền tảng, cập nhật về tình trạng y tế của từng người từ khi còn trong bụng mẹ cho đến khi sinh ra và mất đi. Đối với người dân, thông qua Hồ sơ sức khỏe cá nhân, mỗi người sẽ được quản lý tập trung theo Mã định danh y tế duy nhất; toàn bộ thông tin sức khỏe được quản lý toàn diện và cập nhật liên tục. Mỗi người dân có thể chủ động theo dõi lịch sử khám chữa bệnh của bản thân, cập nhật các chỉ số sức khỏe từ các thiết bị theo dõi sức khỏe cá nhân như (nhịp tim, huyết áp…) và nhận các cảnh báo về sức khỏe nhanh chóng.

{keywords}

 

Đặc biệt, tiện dụng nhưng bảo mật cao với người dùng là ưu điểm lớn của hệ thống này. Hệ thống Hồ sơ sức khỏe cá nhân được xây dựng trên nền tảng điện toán đám mây (Cloud Computing) của Tập đoàn Viettel, hỗ trợ tra cứu, cập nhật thông tin mọi lúc, mọi nơi; tuân thủ quy định bảo mật 4 lớp do Bộ Thông tin & Truyền thông ban hành.

Đồng thời, Viettel cũng ứng dụng các công nghệ mã hóa dữ liệu 2 lớp để tăng tính bảo mật. Khi truy cập hệ thống, người dùng phải sử dụng các phương án như sinh trắc học hoặc OTP (One time password) để đảm bảo rằng chỉ có họ mới truy cập được dữ liệu của mình. Đặc biệt, tất cả hệ thống dữ liệu của hệ thống này đều được giám sát 24/24 về mặt an toàn thông tin chống tấn công, chống rò rỉ dữ liệu.

{keywords}

Bác sĩ Trương Thị Diệu Thúy (cán bộ trạm y tế xã Cẩm Thành, Hà Tĩnh) chia sẻ: “Khi xây dựng hồ sơ sức khỏe cá nhân, mọi thông tin sẽ được liên thông trên hệ thống, điều đó giúp cán bộ y tế có thể không cần yêu cầu người bệnh làm các xét nghiệm cơ bản nếu không cần thiết”.

Ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết: “Với hệ thống Hồ sơ sức khỏe cá nhân đang được hoàn thiện, chúng tôi đảm bảo trong tương lai rất gần, mỗi người dân đều có một trợ lý thông minh về vấn đề sức khỏe của mình trọn đời”.

Hồ sơ sức khỏe cá nhân được ứng dụng các chuẩn liên thông của ngành y trên thế giới, kết nối với dữ liệu từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đảm bảo mã hóa toàn bộ các mẫu hồ sơ bệnh án theo quy định của ngành y tế. Ứng dụng công nghệ phân tích dự báo dữ liệu lớn như Bigdata để phân tích mô hình bệnh tật và đưa ra cảnh báo cho mỗi người dân.

Thu Hằng