Theo Đạo luật An toàn trực tuyến có hiệu lực tại Anh và xứ Wales từ ngày 31/1, cyberflashing trở thành một tội hình sự. Cyberflashing bao gồm các hành vi gửi hình ảnh tình dục không mong muốn cho mọi người thông qua phương tiện truyền thông xã hội, ứng dụng hẹn hò, tin nhắn văn bản hoặc dịch vụ chia sẻ dữ liệu như Bluetooth, AirDrop.

26z92nom.png
Nicholas Hawkes phạm tội cyberflashing. (Ảnh: Cảnh sát Essex)

Nicholas Hawkes là người đầu tiên bị khép vào tội này và phải ngồi tù 66 tuần. Nhà chức trách cho biết, người đàn ông 39 tuổi đến từ Basildon, Essex đã gửi ảnh cơ quan sinh dục của mình cho một cô bé 15 tuổi qua iMessage và một phụ nữ trong độ tuổi 60 qua WhatsApp vào ngày 9/2. Đứa trẻ được cho là đã rất sốc và khóc lóc, trong khi người phụ nữ lớn tuổi hơn chụp ảnh màn hình tin nhắn rồi báo cáo Hawkes với cảnh sát cùng ngày hôm đó.

Theo Đạo luật Tội phạm tình dục, nạn nhân của cyberflashing được che giấu danh tính suốt đời khi báo cáo hành vi phạm tội.

Công tố viên David Barr chỉ ra các hành vi phạm tội của Hawkes là một phần trong mô hình hành vi của bị cáo. Dù từng phạm tội và được đề nghị gặp bác sĩ tâm thần 12 lần, Hawkes không được điều trị do danh sách chờ quá dài. Trong phiên điều trần trước đó, hắn đã thừa nhận hai tội danh gửi ảnh/phim về bộ phận sinh dục để gây đau khổ hoặc sỉ nhục.

Năm ngoái, Hawkes có tên trong danh sách tội phạm tình dục sau khi bị kết án quan hệ tình dục với người dưới 16 tuổi và phải lao động công ích. Hôm 19/3, hắn thừa nhận vi phạm bản án treo liên quan đến một tội danh tình dục khác.

Ngoài ngồi tù 66 tuần, Hawkes bị cấm “lảng vảng” đến gần hai nạn nhân trong 10 năm, cũng như cấm tiếp cận những người phụ nữ mà hắn không quen biết trên đường cao tốc và công viên trong 15 năm.

Chánh thanh tra James Gray đưa ra lời cảnh báo với tội phạm trực tuyến: thủ phạm nghĩ rằng khi phạm tội qua mạng, chúng ít có nguy cơ bị tóm hơn nhưng không phải như vậy. Cyberflashing là tội ác nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lâu dài đến nạn nhân song thường bị xem là “trò đùa” thiếu suy nghĩ hoặc vô hại. Nhà chức trách sẽ tiếp tục điều tra tất cả các báo cáo về hành vi này.

Công tố viên Hannah von Dadelszen khẳng định, cũng giống như những kẻ phạm tội trong thế giới vật lý, kẻ xấu trên mạng sẽ phải chịu hậu quả. “Trốn sau màn hình không đồng nghĩa giấu mình trước pháp luật”, bà nói. Bà kêu gọi những ai là nạn nhân của cyberflashing lên tiếng báo cáo và nhớ rằng họ có quyền ẩn danh suốt đời.

(Theo The Guardian, Sky News)