Trái với thực tế rằng thế hệ Millennials (hay Gen Y, những người sinh từ năm 1981-1996) và Gen Z (những người sinh từ năm 1997) nổi tiếng với cuộc sống quá phụ thuộc vào công nghệ và thường xuyên bị cha mẹ, ông bà chỉ trích vì trở thành “nô lệ” của mạng xã hội, những người cao tuổi tại Mỹ mới là đối tượng tốn nhiều thời giờ hơn cho việc “dán mắt vào màn hình”.
Dữ liệu chỉ ra người già ở Mỹ dành gần 10 tiếng mỗi ngày để xem tivi, sử dụng máy tính hoặc điện thoại thông minh. Con số chỉ dừng lại ở mức 7 giờ đối với những người Mỹ trẻ tuổi.
Theo The Economist, các chương trình truyền hình là lý do dẫn đến sự khác biệt giữa hai thế hệ.
Người già tại Mỹ tốn nhiều thời gian cho công nghệ hơn giới trẻ. Ảnh: SCMP. |
Theo đó, người cao tuổi dành nhiều thời gian xem tivi. Ngược lại, thế hệ trẻ không còn “mặn mà” với các chương trình phát sóng theo khung giờ cố định. Đa số người trẻ Mỹ dành ít hơn 4 tiếng ngồi trước tivi.
Mặt khác, thế hệ trẻ ưa chuộng smartphone, với trung bình 3,5 tiếng/ngày để lướt newsfeed, nhắn tin với bạn bè. Trong khi đó, người già chỉ dành trung bình tối đa 2 tiếng.
Tuy nhiên, trong 4 năm qua, cả hai nhóm tuổi người trẻ và người già tại xứ cờ hoa đều chứng kiến sự gia tăng trong việc sử dụng các thiết bị di động.
Bất kể tuổi tác, nguy cơ "nghiện" công nghệ luôn có thể xảy ra với bất cứ ai.
“Trên thực tế, tiêu chí thường được dùng để đánh giá việc ai đó nghiện ma túy hay rượu đang được sử dụng cho khía cạnh công nghệ”, Leora Trub, nhà tâm lý học kiêm giáo sư tại Đại học Pace (Mỹ), nói với tờ Business Insider.
Leora thừa nhận cô là người khó có thể rời chiếc smartphone của mình vì là người “nghiện xem các video review đồ ăn ngon”.
“Internet, Wi-Fi hầu như luôn có sẵn cho mọi người dùng. Đó là thứ hấp dẫn khó ai có thể cưỡng lại được. Khi được sử dụng ở mức độ vừa phải và có khả năng tự kiểm soát, xem tivi hay lướt smartphone không phải là điều xấu vì nó mang lại niềm vui giải trí như một cơ chế đối phó với sự kiệt sức hoặc căng thẳng mọi người gặp phải”, giáo sư Leora chỉ ra.
“Mọi người đều nên có tật xấu của riêng mình và mạng xã hội, điện thoại, tivi là những thứ có tác động tích cực”, cô kết luận.