Thế nhưng ở thôn Đống Chanh, xã Minh Cường (Thường Tín, Hà Nội) thì phong trào đọc sách lại diễn ra khá sôi nổi ở mọi đối tượng trong xã. Người góp phần “giữ lửa” cho phong trào ấy gần 30 năm nay là cụ Nguyễn Ngọc Giám, 88 tuổi.

Lớn lên khi đất nước còn trong ách đô hộ của thực dân Pháp, người thanh niên trẻ Nguyễn Ngọc Giám sớm giác ngộ cách mạng và hăng hái tham gia hoạt động kháng chiến. Năm 1950, khi mới 19 tuổi, Nguyễn Ngọc Giám trở thành đoàn viên ưu tú của Tỉnh đoàn Hà Đông, tham gia phong trào du kích, lập nhiều chiến công. Năm 1954, ông bị thực dân Pháp bắt giam tại Nhà tù Khu Cháy (Ứng Hòa, Hà Nội ngày nay) gần 3 tháng. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông vượt ngục thành công và tiếp tục tham gia du kích địa phương kháng Pháp đến Ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội (10-10-1954). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông Nguyễn Ngọc Giám lại hăng hái hoạt động công tác đoàn thanh niên, sau đó về công tác tại Nhà máy đường Vạn Điểm cho đến khi về hưu năm 1982.

Ngay từ thời thanh niên và trong suốt quá trình tham gia cách mạng, ông Nguyễn Ngọc Giám luôn dành tình yêu và sự trân trọng đối với sách. Khoảng đầu năm 1985, trong một lần ra nhà văn hóa thôn thấy có tủ sách mà chỉ để tượng trưng rất lãng phí, ông mạnh dạn đề xuất với trưởng thôn nhận nhiệm vụ thủ thư không nhận lương để khuyến khích phong trào đọc sách ở thôn. 

 
 Cụ Nguyễn Ngọc Giám hướng dẫn các cháu thiếu nhi trong thôn đọc sách.

Tủ sách của thôn Đống Chanh bắt đầu hoạt động năm 1985 nhưng chỉ vỏn vẹn một chiếc tủ nhỏ với dăm ba đầu sách, gần như không ai đọc. Là người đầu tiên và cũng là duy nhất nhận phụ trách tủ sách, bản thân ông Giám chưa hề có chuyên môn gì về thư viện, quản lý sách báo, mà đơn thuần là niềm ham mê đọc sách, muốn giữ gìn và khích lệ phong trào đọc sách ở vùng nông thôn.

Ban đầu, ông Giám xin nguồn quỹ vốn của thôn và huy động một số nguồn lực, đưa về một số bộ bàn ghế cũ kê cho ngay ngắn. Ông Giám cho rằng: Có bàn ghế ngay ngắn, nhìn nghiêm túc, người dân mới đến đọc. Rồi với những đầu sách có sẵn được luân chuyển từ Thư viện Hà Tây (cũ) đưa về, ông tỉ mỉ lau chùi, bảo quản từng trang để chống ẩm cho sách. Vừa làm vừa học, từng bước tích lũy kinh nghiệm, rồi ông biết cách phân loại ra từng mục, sách khoa học kỹ thuật, sách lịch sử văn hóa, truyện tranh, sách ngoại ngữ, sách báo thời sự…  Ông còn làm tem nhãn, kê dựng đứng sách, giúp độc giả dễ tra cứu.

Để tăng thêm đầu sách cho thư viện, ông Giám đi vận đồng người dân trong thôn, con em làm ăn xa ở nhiều nơi trên mọi miền Tổ quốc đóng góp sách cũ nhằm làm phong phú thêm cho thư viện. Với bao nhiêu tâm huyết, công sức, thư viện của thôn Đống Chanh đã có gần 1.000 cuốn sách, thuộc 5 loại cơ bản: Chính trị, pháp luật, văn học, khoa học và thiếu nhi. Ngoài ra, thư viện thôn còn lưu giữ nhiều đầu sách quý, có giá trị lịch sử, như: Lịch sử Đảng bộ xã Minh Cường, lịch sử tổng Vạn Điểm (thời kỳ đầu thế kỷ 20 khi phủ Thường Tín được chia địa giới hành chính thành 12 tổng).

Ngoài việc đợi các đợt luân chuyển sách từ các cấp, ông Nguyễn Ngọc Giám còn chủ động liên hệ với Thư viện Hà Nội đề nghị luân chuyển sách thường xuyên hơn, trung bình số sách luân chuyển là 200 cuốn/lần; một năm thực hiện khoảng hai lần. Tính đến nay, số lượng sách người thủ thư già nhận luân chuyển đã lên tới con số gần 7.000 cuốn.

Để tủ sách được tổ chức khoa học, ông Giám nhiều lần chủ động tìm đến Thư viện huyện Thường Tín học hỏi nghiệp vụ, nhất là thao tác của thủ thư, cách thống kê, ghi chép rồi về áp dụng tại thư viện thôn. Tủ sách do ông quản lý mở cửa đều đặn hằng tuần. Trung bình mỗi buổi ông mở cửa tiếp đón từ 20 đến 30 bạn đọc với nhiều thành phần, trong đó chủ yếu là các em thiếu nhi trong thôn. Tùy từng giai đoạn mà bạn đọc đến với tủ sách của thôn nhiều hay ít, nhưng chưa bao giờ vắng bạn đọc.

Những năm gần đây, tuy tuổi đã cao, sức đã yếu lại phải chăm sóc cụ bà đang bị tai biến, bản thân cụ Giám cũng ngót 90 tuổi, nên cụ chỉ mở cửa thư viện vào thứ tư và thứ bảy hằng tuần. Những ngày đó, trẻ con xếp thành hàng dài, đợi chờ người thủ thư già đi chiếc xe đạp cũ ra mở cửa. Nhiều hôm, ông gom được ít sách cũ từ việc đi vận động khiến bọn trẻ hồ hởi, sung sướng. Ngoài việc đọc sách tại thư viện, cháu nào có nhu cầu mượn về nhà đều được cụ cho phép và không quên dặn dò phải bảo quản thật tốt để người sau còn đọc. Cụ Giám quan niệm: “Sách là tài sản vượt thời gian, không bao giờ mất giá trị”, cần truyền lại cho nhiều đời sau.

Đặc biệt, không chỉ chờ đợi người đọc đến thư viện, cụ Nguyễn Ngọc Giám còn có thói quen đưa sách, báo đến các tiệm cắt tóc, các cửa hàng, nơi công cộng để mời họ đọc. Cụ cười móm mém: “Nhiều khi cũng phải mời họ đọc, vì làm cho họ hứng thú thì họ mới đọc sâu, đọc hết, kiến thức không bao giờ thừa, không dùng lúc này thì dùng lúc khác”. Sâu xa hơn, điều cụ mong muốn chính là xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng, xây dựng tình yêu với sách báo cho thiếu nhi, nhất là trong thời đại xã hội phát triển như hiện nay, khiến con người dễ bị cuốn theo những thông tin hời hợt, câu khách ít có chiều sâu nhân văn.

Miệt mài như vậy gần 30 năm qua, trừ những hôm trái gió trở trời, đôi bàn chân đau mỏi không nhấc lên được cụ Nguyễn Ngọc Giám mới chịu đóng cửa thư viện. Cụ làm công việc quản thư này không phải mong được nhận lương hay thưởng, mà điều cụ mong muốn nhận được đó chính là tình yêu sách của người dân trong thôn. Từ tình yêu với sách sẽ hình thành văn hóa đọc, có văn hóa đọc dân trí sẽ đi lên và đời sống văn minh hơn. Nghe cụ Giám nói về những việc làm của mình và viết lại câu chuyện về cụ, tôi tin chắc rằng, văn hóa đọc rồi đây không thể mai một, bởi không có gì có thể thay thế được sách, không cách tiếp nhận tri thức nào có thể lâu bền và giàu cảm xúc như đọc sách, và vì vẫn còn những người đang lặng lẽ nhen nhóm ngọn lửa yêu quý sách như cụ Nguyễn Ngọc Giám.

 

Với những đóng góp của mình cho thư viện thôn Đống Chanh, cụ Nguyễn Ngọc Giám nhận được nhiều bằng khen từ các cấp, trong đó có danh hiệu "Người tốt, việc tốt" do UBND TP Hà Nội trao tặng năm 2018. Thư viện thôn Đống Chanh nhận được giấy khen của UBND huyện Thường Tín, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội vì các hoạt động hiệu quả, sáng tạo trong phát triển công tác thư viện, đọc sách tại cơ sở.

Theo Quân đội nhân dân