Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Da liễu TP.HCM thăm khám cho 2.000 đến 2.500 lượt người/ngày, bao gồm hơn 300 trường hợp khám bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Số liệu ngày 4/5 cho thấy bệnh viện tiếp nhận hơn 2.800 lượt khám, thực hiện 700 xét nghiệm. Người bệnh chủ yếu khám các bệnh lý về da, bệnh đường tình dục, thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ da... Trong đó, gần 400 người khám bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiều nhất là khám sùi mào gà. Thực tế, việc bệnh nhân đến thăm khám tăng sau kỳ nghỉ lễ là điều đã được báo trước.
Vì sao số người đến khám bệnh tình dục tăng sau kỳ nghỉ dài?
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Đoàn Văn Lợi Em, Trưởng khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, sau các kỳ nghỉ dài ngày, người bệnh thường có xu hướng đến khám nhiều hơn, có thể tăng đến 30%, đặc biệt là lượt khám bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Hiện tượng này có thể do người dân tranh thủ sử dụng các ngày nghỉ cho việc riêng hoặc giải trí, du lịch nên ít đến bệnh viện. Sau kỳ nghỉ, lượng bệnh dồn lại và tăng lên.
Theo bác sĩ Lợi Em, riêng với bệnh đường tình dục, dấu hiệu phổ biến nhất để người dân đến khám là nổi sẩn hay nốt sùi ở bộ phận sinh dục, miệng hoặc hậu môn, tiểu mủ. Bên cạnh đó là triệu chứng tiểu buốt tiểu gắt, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.
Nhiều trường hợp không có triệu chứng nhưng vẫn đến khám và xét nghiệm, có thể do kiểm tra định kỳ hoặc muốn xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục sau khi tiếp xúc với yếu tố nguy cơ.
Cùng quan điểm, bác sĩ Lê Vũ Tân, Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân, cho rằng qua mỗi dịp nghỉ lễ, tình trạng viêm niệm đạo do bệnh lậu, Chlamydia và một số bệnh xã hội cũng tăng hơn. Ở nam giới, biểu hiện bệnh gồm tiểu buốt, tiểu đau, tiểu gắt hoặc có mủ chảy ra ở đầu dương vật.
Theo bác sĩ Tân, trong những ngày nghỉ kéo dài, sau các buổi tiệc hay liên hoan, một số người có thể có quan hệ với người lạ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh xã hội.
Nhiều người cho rằng nếu quan hệ bằng miệng sẽ không bị lây bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên, bác sĩ Tân cảnh báo vi khuẩn từ miệng người nhiễm bệnh sẽ vẫn đi ngược dòng và gây viêm nhiễm đường tiểu, đường sinh dục của người bạn tình. Đây cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Cũng theo các bác sĩ, việc khám bệnh lây truyền qua đường tình dục tăng cao hơn trước còn do việc truyền thông nhiều và hiệu quả hơn. Người dân ngày càng chú trọng đến sức khỏe tình dục, chủ động đến bệnh viện để kiểm tra.
Cách phòng bệnh lây qua đường tình dục
Theo bác sĩ Lợi Em, mặc dù không ngăn chặn hoàn toàn các bệnh lây truyền qua đường tình dục nhưng sử dụng bao cao su vẫn là một trong các phương pháp phòng bệnh. Lưu ý, nên chọn sản phẩm bao cao su làm từ latex, có kích thước phù hợp, còn nguyên vẹn, chưa qua sử dụng và dùng đúng cách.
Một số ý kiến cho rằng vệ sinh vùng kín có khả năng ngăn ngừa các bệnh lý lây qua đường tình dục. Bác sĩ Lợi Em cho biết hiện chưa có nghiên cứu chứng minh được quan điểm trên, bởi các tác nhân gây bệnh có thể đi vào các cấu trúc sâu như âm đạo, cổ tử cung, niệu đạo.
Đối với việc quan hệ bằng đường miệng, trước đây, một số quan điểm cho rằng sử dụng nước súc miệng có chất sát khuẩn giúp ngăn ngừa bệnh đường tình dục, đặc biệt là bệnh lậu. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện tại cho thấy vẫn chưa có đủ bằng chứng để bảo vệ quan điểm này.
Cũng theo bác sĩ Lợi Em, thế giới đã phát hiện hơn 20 bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tại Việt Nam, các bệnh tình dục thường gặp như lậu, Chlamydia, herpes sinh dục, sùi mào gà, giang mai, viêm gan siêu vi B, HIV... Nếu không được chữa trị kịp thời, nhiều bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.