- “Đừng vì đó là một đứa trẻ mà dung túng, ăn cắp là ăn cắp, cần phải được trừng phạt, răn đe từ trong trứng nước!”, một độc giả bày tỏ.

Ăn cắp là ăn cắp!

Đọc thông tin về vụ cô bé học sinh lấy trộm hai cuốn truyện tranh ở Gia Lai, anh Văn Tất Thắng, hiện đang sinh sống ở Đức chia sẻ câu chuyện và ý kiến của mình:

“Tôi có cửa hàng quần áo bán trong siêu thị ở Đức. Một hôm tôi bắt được một cháu 11 tuổi vào cửa hàng mang 3 cái áo vào kabine thử, khi thử xong cháu không mua cái nào mà khi treo lên giá chỉ có 2 cái. Tôi vặn hỏi. Cháu bảo “tôi không biết”. Nhưng tôi biết thừa là cháu đã mặc một cái vào bên trong. Tôi không dám động đến người cháu, 11 tuổi gái tây nở nang lắm lúc ấy không khéo rắc rối to. Vừa hay lúc đó bảo vệ đến, anh ta giữ cô bé rồi gọi công an. Tôi rất ngạc nhiên là tại sao thái độ của cô bé rất thản nhiên không biểu hiện sợ sệt gì.

Tôi mang chuyện này kể với cô con gái. Cháu cười: Nhiều lắm Papa! Chúng nó biết luật qui định dưới 14 tuổi nếu ăn cắp lần đầu sẽ không bị phạt nặng, nên nhiều nhóm chúng rủ nhau mỗi đứa phải làm một lần, có đứa bị bắt đứa không. Tôi hỏi tiếp: Thế họ không báo cho bố mẹ à? – Có chứ Papa nhưng bố mẹ chỉ mang chúng nó ra phòng thanh niên nghe người ta giáo dục rồi viết cam đoan là xong thôi. Con tôi cười hi hí: Những đứa ý toàn là học dốt thôi. Con tôi tư lự rồi kể: Con có một lần định theo chúng nó, nhưng không biết lúc ý thấy người làm sao ý nên nhất quyết thôi. May cho con, chứ bây giờ học luật khi xin việc họ lật hồ sơ thì khó mà được hành nghề.

{keywords}

Qua bạn bè tôi được biết ra phòng thanh niên họ giảng giải đến mức gần như sỉ vả bố mẹ về cách dạy con, nếu biết tự trọng cũng nhục vô cùng, họ cũng thừa hiểu đó là điểm yếu của luật định, nhưng đối với trẻ con thì kết hợp giáo dục và phạt nặng bố mẹ để răn đe. Và, những đứa trẻ đã bị bắt quả tang ăn cắp thì sau này khó có thể xin việc vào những nơi đòi hỏi tính trung thực cao.

Như thế có nghĩa họ không phân biệt hành vi ăn cắp.

Tôi nhớ lại chuyện này bởi vừa qua có vụ việc cô bé tầm trên 10 tuổi vào siêu thị ở Việt Nam lấy cắp hai quyển sách giấu vào người. Theo tôi người lớn đừng biện minh theo bất cứ kiểu gì cho hành vi ăn cắp! Ăn cắp là ăn cắp ạ! chứ không thể có hành vi ăn cắp cao cả, để đến mức coi ăn cắp sách và ăn cắp con cá, mớ dưa là hai hành vi khác nhau. Còn việc bảo vệ siêu thị hạ nhục đứa bé ăn cắp sách lại là việc khác, hành động như thế thực sự không nên”.

Tình cảm phải đặt đúng chỗ!

Rất nhiều độc giả gửi phản hồi về VietNamNet thể hiện quan điểm của mình trước câu chuyện về cô bé ăn cắp hai cuốn truyện trong siêu thị. Nhiều độc giả cho rằng, cần xử lý nghiêm hành vi trộm cắp dù là trẻ nhỏ để có tính răn đe cao.

Độc giả tên Hưng bày tỏ: “Thà một lần đau mà chỉnh đốn cả một thế hệ mai sau, chớ đừng vì cảm tính mà làm hư hỏng cả 1 thế hệ. Giáo dục các em phải ngay từ bây giờ, dám làm thì dám chịu, phải ý thức được những hành động của mình. Ở đây các em ấy ăn cắp vặt trong siêu thị thì danh dự cũng đã bị chính các em bôi bẩn rồi, giờ chúng ta cần làm cho các em ấy ý thức được rằng sự nhục nhã khi ăn cắp vặt là gì, đau 1 lần mà nhớ cho lần khác, chứ nếu cứ suy xét theo cảm tính, tình cảm thì sẽ sai lầm. Tôi thấy làm như vật là đúng! Dân mình lạ lắm, nếu tha thứ cho 1 lần thì những lần khác nhờn mặt, chẳng hạn như vụ hôi bia, thói xấu sẽ thành phong trào và mọi người sẽ học hỏi theo nếu chúng ta không có những biện pháp mạnh”.

“Tình cảm phải đặt đúng chỗ chớ không là hỏng cả một thế hệ! Những nước nào mà giờ đây người dân có ý thức cao thì trước đó đều có những đạo luật hết sức khắt khe, nghiêm khắc”, một độc giả khác đồng tình.

“Đúng là cách xử lý của siêu thị là sai, nhưng việc bỏ qua cho hành vi ăn cắp của em bé cũng không đúng. Vì tại sao khi em bé ăn cắp lại cho rằng em chưa đủ tuổi trưởng thành, hiểu biết. Nhưng lại bắt cả siêu thị xin lỗi vì đã chà đạp lên nhân phẩm của em? Đúng là xã hội Việt Nam đang lúc thì quá tả, lúc thì quá hữu. Hành động ăn cắp của em cũng cần phải cảnh cáo để sau này khi lớn, em đừng tiếp tục có thêm những hành vi ăn cắp như người lớn hiện nay”, độc giả Minh Anh tiếp lời.

Một số ý kiến cho rằng, hành động của siêu thị là vượt quá thẩm quyền cho phép nhưng dư luận cũng không nên “bênh” em học sinh.

Độc giả Chiến bày tỏ: “Đừng bắt người khác phải tôn trọng khi mình không tôn trọng người khác, đừng cao giọng nhân đạo, nhân nghĩa với những kẻ chuyên ăn cắp, ăn cướp của của người khác và xã hội. Trước khi làm một việc gì hãy nghĩ xem có lên làm việc đó không, có ảnh hưởng đến ai không, có phù hợp với quy tắc xã hội không. Để đất nước phát triển, dân tộc Việt Nam được thế giới tôn trọng chúng ta phải xử lý nghiêm những kẻ ăn cắp dù chỉ một tờ giấy. Hãy đừng vội cao đạo nói về nhân đạo, nhân quyền khi mà chính bố me, nhà trường và bản thân không đề cao việc đó”.

Và đã đến lúc cả dân tộc ta nên nhìn lại những thói hư tật xấu của mình: “Ăn trộm là sai trái. Làm nhục người khác là sai trái. Chụp ảnh đưa lên mạng lại càng sai hơn. Vậy chả nhẽ lại dung túng cho việc ăn trộm. Nhiều người đọc qua tin này sẽ nghĩ rất đơn giản, rằng không nên thế này, không nên thế kia. Nhưng đã đến lúc nên nhìn nhận một cách nghiêm túc. Bởi đây không chỉ là một trường hợp mà chỉ là một trong rất nhiều trường hợp. Đến nỗi ăn trộm tự nhiên trở thành một tính xấu bị gắn cho người Việt không chỉ ở trong nước mà còn cả ở nước ngoài. Nói là nghèo nên ăn trộm là sai hoàn toàn vì người có tiền cũng ăn trộm. Vậy là sao ta, chẳng nhẽ đây lại là cái bản tính khó sửa. Thật vô lý, chẳng ai sinh ra đã biết ăn trộm. Và cũng không ai lại dạy con cái đi ăn trộm là tốt. Vậy nguyên nhân do đâu và trách nhiệm thuộc về ai. Đây mới là cái đáng phải suy nghĩ, đáng để tranh cãi, đáng để mọi người mất công đi tìm hiểu”, độc giả Hoàng Kiên bày tỏ.

K. Minh (tổng hợp)