Năm 2017, một cơn bão trên thị trường smartphone đã nổ ra khi giá điện thoại bỗng chốc tăng khủng, chạm ngưỡng 1.000 USD mà tiên phong chính là Apple với chiếc iPhone X. Kể từ đó đến nay, lần lượt Samsung và Huawei đều theo đuổi chính sách giá bán có phần tương đồng Apple khi liên tục tăng giá bán cho những chiếc smartphone cao cấp lên tới cả nghìn đô.
iPhone X là chiếc máy khởi đầu cho trào lưu đẩy giá smartphone lên trên 1.000 USD.
Apple có thể coi là hãng mở đầu cho trào lưu "tai thỏ", xác thực khuôn mặt 3D hay màn hình OLED trên smartphone. Đó là những tính năng đã có trên thị trường nhưng không ai dám mạnh dạn đưa nó lên smartphone cho tới khi Apple dám liều lĩnh đi trước. Tuy nhiên cũng vì còn quá mới mẻ nên những yếu tố đó trên iPhone X không được nhiều người dùng đón nhận. Kết quả là doanh số bán iPhone của Apple hồi năm 2017 giảm khá mạnh.
Điều đáng nói là rất nhiều hãng smartphone đã bắt đầu học hỏi chiến lược sản phẩm trên của Apple khi tung ra nhiều mẫu smartphone "tai thỏ", thậm chí các hãng còn nỗ lực xóa bỏ tai thỏ để tiến tới một màn hình "full view" đúng nghĩa. Duy chỉ có phương thức xác thực 3D của iPhone X vẫn còn là một trở ngại về chi phí nếu các hãng quyết định học theo Apple.
Giờ đây, sau 2 năm kể từ iPhone X ra mắt, thế giới smartphone đã xoay vần theo đúng cách mà Apple mong muốn. Thị trường bắt đầu chấp nhận màn OLED nhiều hơn và quen với những chiếc smartphone có thông số khủng như RAM lên tới 12GB hay bộ nhớ trong 512GB hoặc 1TB. Bên cạnh đó, những khái niệm công nghệ xa vời trước kia như sạc ngược không dây, camera ToF đã bắt đầu trở nên quen thuộc.
Nhưng, điều mà người dân nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ đã phản ứng với tình trạng này là gì?
Thật bất ngờ khi người tiêu dùng Mỹ đã ngừng mua smartphone mới kể từ khi iPhone X xuất hiện. Theo hãng phân tích Strategy Analytics, người Mỹ đang giữ smartphone của họ lâu hơn bao giờ hết, trung bình khoảng 33 tháng, tức hơn 2 năm và con số này đang tăng lên gần 3 năm.
Việc người dùng giữ smartphone lâu hơn đang tạo ra một vòng luẩn quẩn cho các nhà sản xuất smartphone. Để bù đắp cho doanh số sụt giảm do người tiêu dùng không có nhu cầu mua máy mới sớm, các hãng buộc phải bổ sung thêm các tính năng hấp dẫn, hạ giá hoặc thậm chí giảm nguồn cung.
Giá bán smartphone bắt đầu "leo thang" mạnh kể từ khi iPhone X xuất hiện
Cũng theo cuộc khảo sát, chỉ có 7% người dân Mỹ sẵn sàng bỏ hơn 1.000 USD cho một chiếc smartphone. Đây rõ ràng là một con số khá thấp và là mối lo lớn đối với Apple và Samsung.
Một trong những điểm khác thường trong cuộc khảo sát, đó là đa số người dùng đều trung thành với hai thương hiệu trên còn các thương hiệu như LG hay Motorola, số người mua có ý định mua lại lần hai thấp hơn 50%.
Những yếu tố mà người dân Mỹ, chủ yếu là phụ nữ và người trẻ thường quan tâm khi mua smartphone mới đó là, chất lượng camera selfie. Còn lại nhiều người thường chọn máy dựa vào khả năng chơi game.
Chưa biết tương lai của ngành công nghiệp di động sẽ diễn biến như thế nào nhưng nếu theo đà hiện nay, định nghĩa giá bán trên 1.000 USD sẽ không còn là điều gì quá mới mẻ với người tiêu dùng và họ buộc phải chấp nhận một thực tế phũ phàng như vậy. Một, là chấp nhận bỏ tiền mua và hai, đành nhìn và ngắm chúng mà thôi.
Trí Thức Trẻ