Với Nguyễn Trung Kiên, 3 năm thực hiện cuốn sách giống như một chuyến hành hương với rất nhiều cơ duyên, hạnh ngộ và những ngẫu nhiên kỳ lạ của số phận.

Cơ duyên với Trần Đức Thảo

Tôi hẹn gặp Nguyễn Trung Kiên vào một ngày đầu hè, khi cuốn sách Triết gia Trần Đức Thảo - Di cảo, Khảo luận, Kỷ niệm do anh biên soạn ra mắt chưa lâu.

Đến giờ hẹn, tôi nhấc máy gọi cho anh. Anh bắt máy, nói anh đến trễ 10 phút. Kẹt xe. Lúc đó, trong đầu tôi thoáng hiện lên hình ảnh một con người đầu bù tóc rối, luôn vội vàng, hấp tấp như có thứ gì đè nặng trên người. Chẳng hiểu sao tôi lại tưởng tượng về anh như vậy. Nhưng tôi đã lầm.

{keywords}
Nguyễn Trung Kiên, tác giả cuốn sách Triết gia Trần Đức Thảo - Di cảo, Khảo luận, Kỷ niêm. Ảnh: Lê Văn

Khoảng 10 phút sau, Nguyễn Trung Kiên đứng trước mặt tôi. Hoàn toàn trái ngược với những gì tôi đã nghĩ, anh ăn mặc chỉn chu, bước tới một cách chậm rãi và từ tốn bắt tay tôi. Người đàn ông 36 tuổi khẽ ngồi xuống chiếc ghế tựa của quán cà phê và châm thuốc hút. Trong làn khói thuốc nhè nhẹ, khi những giọt cà phê kiên nhẫn rơi, anh bắt đầu kể cho tôi nghe về cái cơ duyên đưa anh đến với triết gia Trần Đức Thảo.

Kiên kể, cuốn sách về GS Trần Đức thảo được khởi đầu từ một lời đề tặng sách và được hoàn thiện sau một qua trình kéo dài tới 12 năm. Nguyễn Trung Kiên viết trong cuốn sách của mình rằng, "đây là một chặng đường dài, giống như một chuyến "hành hương", với rất nhiều cơ duyên, hạnh ngộ và những ngẫu nhiên kỳ lạ của số phận".

Đó là vào sinh nhật lần thứ 21 của Nguyễn Trung Kiên, anh được "người thầy và là người bạn vong niên" của mình được TS Nguyễn Đức Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội - PV),  tặng cuốn sách Vấn đề con người và chủ nghĩa "Lý luận không có con người" của GS Trần Đức Thảo kèm theo lời đề tặng: "…hãy noi gương tác giả cuốn sách này vì đó là vị Thầy của chúng ta". Cái "cơ duyên" của anh với GS Trần Đức Thảo cũng bắt đầu từ đó.

Tới tháng 3/2006, Kiên vô tình mua được cuốn sách Triết gia lữ hành Trần Đức Thảo do PGS. TS Phạm Thành Hưng, khi đó là Tổng biên tập Nhà xuất bản ĐH Quốc gia Hà Nội chủ biên. "Tôi đã ngưỡng mộ GS Thảo từ trước nên rất xúc động", Kiên nhớ lại.

Hai tháng sau đó, Kiên đã cùng một số người khác tổ chức buổi giới thiệu cuốn sách này. Và một cơ duyên nữa lại tới khi trong buổi giới thiệu này, thông qua lời kể của nhà văn Đỗ Chu, Nguyễn Trung Kiên được biết GS Trần Đức Thảo có một người cháu ruột là bác sĩ Trần Đức Tùng đang sinh sống và làm việc tại Biên Hòa, Đồng Nai.

"Dù lúc đó Internet chưa phổ biến như ngày nay, tuy nhiên, thông qua danh bạ trên Internet, tôi đã may mắn tìm được số điện thoại cố định của bác sĩ Tùng. Tôi liên hệ rồi vào thăm và tặng ông Tùng cuốn sách của ông Phạm Thành Hưng", Kiên kể.

Trong cuộc trao đổi với ông Tùng, Kiên được biết, toàn bộ di cảo của GS Trần Đức Thảo được lưu trữ tại nhà riêng của TS Cù Huy Chử, em trai út của nhà thơ Cù Huy Cận. Ông Chử là một học trò và cũng là thư ký tự nguyện của GS Thảo trong suốt 4 thập niên cho tới trước khi GS Thảo sang Pháp vào năm 1991.

"Vào đầu những năm 1960, ông Cù Huy Chử là thành viên Tổ thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Cứ mỗi cuối tuần, ông Chử lại đạp xe từ Phủ Thủ tướng về Khu tập thể B6 Kim Liên để lấy những trang bản thảo viết tay của GS Trần Đức Thảo viết trên những trang giấy năm hào hai và mang về Phủ Thủ tướng nhờ Tổ đánh máy đánh giúp và trả công cho họ bằng những bao thuốc Điện Biên bao bạc trích ra từ chế độ tem phiếu của mình…", Kiên bồi hồi kể.

Từ đầu tới giữa năm 2007, Nguyễn Kiên Trung từ Hà Nội quay lại TP HCM tiếp tục cộng tác với TS Cù Huy Chử để hệ thống hóa di cảo của GS Trần Đức Thảo mà ông Chử đang lưu giữ. "Trong thời gian này, thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với các văn bản trong di cảo của GS Trần Đức Thảo và những buổi trò chuyện với TS Cù Huy Chử và con trai ông là Luật sư Cù Huy Song Hà, tôi bắt đầu hình dung những nét phác thảo đầu tiên của cuốn sách này", Kiên nói.

“Hơn ba tháng được làm việc chung với thầy Chử, mình học được ở thầy sự kiên trì, cần mẫn, cẩn thận và tận tụy trong công việc. Nếu không có thầy, không những cuốn sách do mình chủ biên sẽ không thể ra đời, mà thậm chí không biết số phận hàng nghìn trang bản thảo của Giáo sư Trần Đức Thảo rồi sẽ trôi nổi và thất tán tới tận nơi đâu...”, Kiên xúc động chia sẻ.

Ba năm thai nghén

Từ cuối năm 2012, Nguyễn Trung Kiên bắt tay vào việc thực hiện cuốn sách. Kiên cho biết, thực tế, từ cuối năm 2006, trước khi vào gặp TS Cù Huy Chử, anh đã mong muốn xây dựng một cuốn sách giới thiệu một cách đại cương các tư tưởng của GS Trần Đức Thảo tới công chúng. "Mình thấy GS rất nổi tiếng nhưng chủ yếu nổi tiếng nhờ giai thoại thôi, tư tưởng GS vẫn được coi là cái gì rất cao siêu mà nhiều người chưa biết", anh nói.

{keywords}
Cuốn sách về Triết gia Trần Đức Thảo vừa mới ra mắt.

Suốt 3 năm miệt mài làm việc, hệ thống hóa tư liệu, dịch sang tiếng Việt một số bài nghiên cứu về GS Trần Đức Thảo của các tác giả nước ngoài, vượt qua rất nhiều khó khăn, bản thảo đầu tiên của cuốn sách đã hình thành.

Kiên cho biết, việc lựa chọn các bài viết đưa vào cuốn sách được anh thực hiện dựa trên tiêu chí quan trọng nhất là các bài viết mới, lần đầu tiên được công bố hoặc chưa có nhiều người có cơ hội tiếp cận. Quá trình chọn lựa các bài viết cũng khiến Kiên tốn khá nhiều tâm sức vì phải cân lên đặt xuống khá nhiều lần. Vì vậy, Kiên nói rằng, anh khá tin tưởng vào chất lượng và giá trị của cuốn sách này.

Tuy nhiên, khi bản thảo hoàn thành, việc tìm nhà xuất bản cho cuốn sách của Nguyễn Trung Kiên gặp khá nhiều trắc trở. Liên tiếp 4 nhà xuất bản anh gửi bản thảo tới đều từ chối xuất bản cuốn sách. Thế rồi, cơ duyên lại tới. Đầu năm 2015, Nguyễn Trung Kiên làm việc với Nhà xuất bản ĐH Huế và tới tháng 3 năm đó, bản thảo của anh được nhà xuất bản này nhận lời xuất bản.

"Thế nhưng vì một khó khăn nhỏ trong việc xin giấy phép xuất bản nên mãi tới cuối tháng 4/2016, cuốn sách về GS Trần Đức Thảo mới chính thức ra đời", Kiên nhớ lại.

Đối với Nguyễn Trung Kiên, 3 năm thực hiện cuốn sách là khoảng thời gian không hề dễ dàng với anh. Ngoài việc chuẩn bị tư liệu, hoàn thiện bản thảo, Nguyễn Trung Kiên còn phải bỏ toàn bộ chi phí thực hiện cuốn sách. "Chỉ riêng số bản thảo in ra để gửi xin ý kiến các GS và gửi tới các nhà xuất bản cũng phải lên tới 60 bản (mỗi bản gần 2.000 trang-PV)", Kiên chia sẻ.

Tôi hỏi, tập trung trong thời gian dài cho cuốn sách và phải tự bỏ tiền đầu tư bản thảo như vậy có làm ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống cá nhân của anh không, Kiên cười và chia sẻ: "Chỉ bị động hơn một chút thôi. Chẳng hạn như mình phải hy sinh một số sở thích cá nhân như việc học piano mình dự định từ lâu nhưng vì phải làm cuốn sách vẫn chưa học được. Còn lại mình vẫn có cà phê uống và thuốc để hút. Cũng may vợ và gia đình mình rất tin tưởng và hỗ trợ".

Nên duyên nhờ sách Trần Đức Thảo

Một cuộc "hạnh ngộ" khác trong quá trình Nguyễn Trung Kiên biên soạn cuốn sách về GS Trần Đức Thảo chính là việc anh tìm được "một nửa" của mình. Khi tôi đặt câu hỏi về chuyện này, Nguyễn Trung Kiên vui vẻ kể, câu chuyện về mối lương duyên của anh bắt đầu từ tháng 6/2014 trên… Facebook.

{keywords}
Bản thảo cuốn sách Trần Đức Thảo đã góp phần tạo nên mối lương duyên giữa Nguyễn Trung Kiên và vợ. Ảnh: NVCC.

"Khi đó, thông qua một người bạn chung, tôi đọc được một chia sẻ của Thắm (tên của vợ Nguyễn Trung Kiên - PV). Tôi chủ động kết bạn với Thắm. Sau đó, trong quá trình nhắn tin nói chuyện, tôi có nhờ Thắm đọc bông giúp tôi cuốn sách này và cô bé rất thích thú", Nguyễn Trung Kiên kể.

Một tuần sau khi trò chuyện trên Facebook, hai người chính thức gặp nhau lần đầu tiên. Hai tuần sau đó, Nguyễn Trung Kiên rủ người bạn mới quen, kém mình 8 tuổi về Bắc Ninh chụp ảnh nơi ở tại quê nhà GS Trần Đức Thảo. "Sau lần đó, hai chúng mình dần dần bén duyên với nhau", Nguyễn Trung Kiên nhớ lại.

Đến tháng 10/2014, chỉ sau 4 tháng quen nhau, sự đồng cảm và đồng điệu đã đưa Nguyễn Trung Kiên và người bạn đời tới quyết định kết hôn. "Điều bất ngờ hơn nữa con gái đầu  lòng của chúng tôi lại được sinh ra vào đúng 1 năm sau ngày Thắm lần đầu cầm bản thảo cuốn sách", Kiên chia sẻ.

Tôi nói rằng, quen nhau 4 tháng mà kết hôn thì có hơi nhanh quá, Nguyễn Trung Kiên cười: "Mình nghĩ là nếu có thế giới tâm linh thật thì được cụ Thảo phù hộ cho 2 đứa nên duyên". Chẳng biết có thế giới tâm linh thật hay không nhưng chắn hẳn là hai người đã nên duyên nhờ cuốn sách về GS Trần Đức Thảo mà Nguyễn Trung Kiên biên soạn.

Sắp tới, kế hoạch của Kiên là cho ra mắt bộ Tổng tập Trần Đức Thảo trong đó tập hợp toàn bộ các tác phẩm của GS Trần Đức Thảo bằng tiếng Pháp, bản dịch tiếng Anh cũng như tiếng Việt. "Theo ước tính thì tổng tập sẽ khoảng 5-7 tập với khoảng 10 ngàn trang in", Nguyễn Trung Kiên hào hứng nói. Có lẽ, cuộc "hành hương" của Nguyễn Trung Kiên về miền triết học Trần Đức Thảo vẫn chưa kết thúc và trước mặt anh vẫn là chặng đường dài nhiều khó khăn cần phải vượt qua.

Trước khi chia tay, tôi hỏi Nguyễn Trung Kiên rằng, anh nghĩ việc anh gắn bó với triết gia Trần Đức Thảo với anh là "Duyên" hay là "Nghiệp"? Nguyễn Trung Kiên cười đáp, anh nghĩ là cả 2. Rồi anh kể cho tôi nghe câu chuyện vào năm 2007 khi anh vào gặp TS Cù Huy Chử, anh cũng đã đặt câu hỏi này cho ông. Người bạn vong niên của GS Trần Đức Thảo khi đó đã nói với anh rằng: "Đơn giản nếu tôi không làm thì có lẽ không có ai làm việc đó cả. Mà đó là việc cần phải làm".

"Tôi cũng chỉ có thể trả lời anh giản dị như vậy thôi", Nguyễn Trung Kiên nói.

Kêu gọi đóng góp tài liệu về Trần Đức Thảo

Thông qua VietNamNet, tác Nguyễn Trung Kiên mong muốn kêu gọi cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng người Việt ở nước ngoài, những ai có hoặc đang lưu trữ tại liệu về GS Trần Đức Thảo mà chưa có trong biên mục tác phẩm Trần Đức Thảo có thể đóng góp bằng một bản chụp để việc xây dựng Tổng tập Trần Đức Thảo được đầy đủ hơn. Các đóng góp có thể là một bức ảnh, thư, bút tích, tư liệu xin được gửi về địa chỉ bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc trực tiếp cho tác giả tại địa chỉ email tdthaopublish@gmail.com. VietNamNet xin cung cấp biên mục tác phẩm Trần Đức Thảo hiện có tại đây để bạn đọc tiện theo dõi và dễ dàng trong việc cung cấp tài liệu.

Lê Văn