Trẻ nhỏ Nhật Bản thường được biết đến với sự nề nếp, độc lập và tự chủ. Điều gì tạo nên các đặc điểm đó?

Người Nhật quan niệm, điều quan trọng nhất mà các bậc phụ huynh cần làm là cố gắng hỗ trợ trẻ phát triển tư duy độc lập, tính quyết đoán, nhưng sự giúp đỡ ấy cần từng bước được loại bỏ đến ngày đứa trẻ có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình.

{keywords}

Kỷ luật để khuyến khích trẻ

Từ 2 tuổi trở đi, trẻ nhỏ sẽ bắt đầu hình thành các thói quen sinh hoạt. Lúc này, người mẹ chỉ đóng vai trò giúp đỡ, hỗ trợ trẻ trong các hoạt động sinh hoạt cá nhân như mặc quần áo, ăn uống, tự đi vệ sinh, và đánh răng. Trẻ nhỏ ở lứa tuổi này thường rất hứng thú khi được tự thực hiện các hoạt động đó, và nên được bố mẹ động viên, cổ vũ để có thể hoàn thành mọi việc.

Từ 2 tuổi trở đi, trẻ đã có thể tự ăn uống và thực hiện các công việc cá nhân khác với sự giúp đỡ của mẹ.

Bước sang giai đoạn 3 – 4 tuổi, trẻ thường sẽ hình thành thói quen ăn uống trên bàn, tự đi vệ sinh, đánh răng, rửa mặt, và không còn tỉnh giấc giữa đêm khi ngủ. Nhưng trên thực tế, mỗi đứa trẻ lại có tốc độ phát triển khác nhau. Nếu trẻ vẫn chưa tự thực hiện được một công việc nào đó, bố mẹ cũng không nên quá lo lắng mà vô tình tạo áp lực lớn cho trẻ.

Trẻ nhỏ được 5 tuổi đã có thể trông em và làm vài việc vặt cho mẹ. Ở độ tuổi này, trẻ đã hình thành được khả năng tư duy và tự đưa ra quyết định trong một số hoàn cảnh nhất định, trẻ không còn cần người lớn kiểm soát các hoạt động và cũng có thể tự điều chỉnh hành vi để thích nghi với môi trường sống xung quanh.

{keywords}

Như vậy, quan trọng là các bậc phụ huynh cần hiểu được mục đích của việc kỷ luật trẻ nhỏ là nhằm khuyến khích tính độc lập của trẻ hình thành và phát triển, và để dạy trẻ cách thích nghi với hoàn cảnh sẵn có. Khi áp dụng các hình thức kỷ luật đối với trẻ, bố mẹ nên cân nhắc kỹ lưỡng tác động của các hình thức đó với sự phát triển của trẻ trong việc nâng cao được tính tự chủ, sự tự tin và khả năng tư duy độc lập khi trẻ trưởng thành.

Cách kỷ luật tác động lâu dài đến sự phát triển của trẻ

Điều kiện và môi trường sống của mỗi gia đình là khác nhau, từ thu nhập của bố mẹ, khoản tiền đầu tư cho giáo dục, phương pháp kỷ luật trẻ, đến số quyển sách có trong gia đình. Vì vậy một cuộc nghiên cứu nhằm so sánh mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đó đến khả năng đọc, viết, vốn từ vựng, cũng như kết quả học tập ở trường tiểu học của trẻ ở ba quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đã được thực hiện.

Cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mức thu nhập của phụ huynh có ảnh hưởng đến khả năng biết chữ của trẻ nhưng ảnh hưởng đó giảm dần đến khi trẻ được 5 tuổi; trong khi đó, phương pháp kỷ luật của bố mẹ và số lượng sách mà gia đình sở hữu vẫn tiếp tục tác động đến sự phát triển từ ngữ của trẻ.

Phương pháp giáo dục “hoạt động chung” (bố mẹ và trẻ giao tiếp với nhau, dành thời gian vui chơi, học tập cùng nhau) ở Nhật Bản và Hàn Quốc đã giúp cho trẻ em ở hai quốc gia này tích lũy được vốn từ vựng phong phú hơn nhiều so với những đứa trẻ khác.

{keywords}

Việc bố mẹ Nhật dành thời gian bên con giúp ích rất nhiều cho sự phát triển nhận thức của trẻ

Cùng với đó, cuộc nghiên cứu cũng so sánh kết quả của bài kiểm tra trình độ biết chữ dành cho trẻ học lớp một ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Bài kiểm tra bao gồm các bài tập đọc hiểu, suy luận qua việc đánh giá một mệnh đề, tái tạo đoạn văn, và viết chính tả. Kết quả cuộc so sánh cho thấy, điểm số bài kiểm tra của trẻ nhỏ Nhật Bản và Hàn Quốc không phản ánh điều kiện tài chính của gia đình các em.

Trái lại, cuộc nghiên cứu đã chứng minh trẻ được giáo dục bằng phương pháp “hoạt động chung” với vốn từ vựng phong phú đạt điểm số cao hơn trẻ bị quản giáo “quân phiệt" (bắt trẻ phải nghe lời bố mẹ), và trẻ có vốn từ nghèo nàn có điểm số thấp nhất.

Kết quả này phản ánh tầm quan trọng của các hình thức giáo dục trẻ, cụ thể là ở hai quốc gia Nhật Bản và Hàn Quốc. Người mẹ khó có thể thay đổi được thu nhập của gia đình, nhưng việc họ cố gắng trò chuyện nhiều hơn với trẻ và việc họ nhìn nhận vấn đề giáo dục trẻ một cách tiến bộ có thể làm thay đổi cuộc đời của chính những đứa trẻ.

Thành tích học tập ở trường của trẻ không phản ánh điều kiện kinh tế của gia đình. Với một phương pháp giáo dục hợp lý, bố mẹ hoàn toàn có thể giúp trẻ phát triển nhận thức vượt trội.

Khả năng ngôn ngữ và tư duy độc lập của trẻ cũng có thể phát triển vượt trội nếu bố mẹ là người thích đọc sách, thường xuyên kể chuyện cho con nghe, yêu thích nói chuyện với con và tạo cho con một gia đình hạnh phúc. Nếu bố mẹ coi trẻ nhỏ như một người lớn trong gia đình sẽ giúp trẻ nâng cao được tính tự chủ và độc lập trong cuộc sống.

Từ những nghiên cứu, phân tích và đánh giá trên đây, có ba điều quan trọng bố mẹ cần ghi nhớ khi nuôi dạy trẻ:

Thứ nhất, mức độ biết chữ của trẻ không chỉ phản ánh việc trẻ biết đọc, biết viết, mà còn được thể hiện bằng khả năng trẻ sử dụng từ ngữ chính xác và hiệu quả. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần tạo điều kiện cho trẻ phát triển khả năng tư duy sáng tạo ngay từ những năm đầu đời.

Thứ hai, từ vựng là một yếu tố quan trọng cấu thành nên nền tảng học tập vững chắc, và có thể được cải thiện nếu bố mẹ áp dụng phương pháp giáo dục “hoạt động chung” và tăng cường giao tiếp với trẻ.

Cuối cùng, điều kiện kinh tế hạn hẹp của gia đình có thể ít hoặc không hề ảnh hưởng đến kết quả học tập của trẻ nếu bố mẹ biết lựa chọn một phương thức giáo dục phù hợp. Bố mẹ nên tôn trọng tính cách và sự tự chủ của trẻ, quan tâm tới sở thích và suy nghĩ của trẻ, thường xuyên trò chuyện với trẻ, và tạo ra bầu không khí gia đình gần gũi, hoàn thuận.

(Theo Tri thức trẻ)