Là quốc gia nông nghiệp, tiềm năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam rất lớn nhưng để vào được các thị trường lớn, hàng hoá nông sản của Việt Nam phải giải quyết được vấn đề đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đơn cử, trái sầu riêng của Việt Nam đã khẳng định được chất lượng tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, việc sử dụng mã số trái phép, không đúng quy định và không tuân thủ các yêu cầu của nước nhập khẩu đã gây ảnh hưởng đến người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu; ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành hàng sầu riêng. Việc nhiều cơ sở đóng gói không mua sản phẩm từ vùng trồng đã được cấp mã số, không mua sản phẩm từ vùng trồng liên kết đã được cấp mã số vẫn diễn ra, ảnh hưởng lớn đến việc truy xuất nguồn gốc khi lô hàng gặp vấn đề. 

Hiện nay truy xuất nguồn gốc có hai hình thức. Một là truy xuất thông tin, chỉ cần điện thoại thông minh quét mã QR Code là người tiêu dùng dễ dàng biết thông tin về sản phẩm. Đây là hình thức không đảm bảo vì không chứng minh được quá trình sản xuất.

Thứ hai là truy xuất nguồn gốc quá trình canh tác thông qua nhật ký sản xuất bằng nhật ký điện tử. Nghĩa là người sản xuất phải ghi chép lại cả quá trình sản xuất như thời gian tưới nước, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thời gian cách ly…

W-minhhoa.png

Ông Nguyễn Văn Mười, Trưởng cơ quan phụ trách phía Nam Hội Làm vườn Việt Nam chia sẻ với báo chí, khi người nông dân minh bạch quá trình canh tác từng loại sầu riêng như Ri6, Dona từ ngày cây ra hoa, xả nụ đến ngày thu hoạch trên hệ thống truy xuất nguồn gốc, thì người mua hàng yên tâm về tuổi sầu riêng đảm bảo.

Hiện nay sầu riêng Việt Nam được cấp 708 mã số vùng trồng và 168 mã số cơ sở đóng gói. Điều này cho thấy, so với diện tích sản xuất hiện có thì số lượng mã số được cấp là hết sức khiêm tốn.

Việc quản lý sản xuất đối với những diện tích chưa được cấp mã số vùng trồng là hết sức khó khăn vì không biết nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm.

Một trong những khó khăn là người nông dân không thực hiện việc ghi chép nhật ký sản xuất. Sau khi tập huấn hướng dẫn xong, cấp tài khoản nhưng rất ít người làm.

Có hai nguyên nhân, một là người nông dân không muốn làm do quy trình canh tác chưa chuẩn; hai là người thu mua, thương lái không muốn người nông dân làm vì sợ lộ thông tin nơi cung cấp sản phẩm cho họ.

Để cải thiện tình hình này, chỉ khi nào chúng ta có những quy định pháp luật đủ mạnh, quản lý chặt chẽ, người sản xuất muốn khẳng định thương hiệu của mình hoặc doanh nghiệp thu mua yêu cầu người sản xuất phải minh bạch quá trình canh tác thì việc truy xuất nguồn gốc mới phát huy hiệu quả.