Hai năm qua, doanh thu bán hoa tươi bất tử của bà Việt giảm đi đáng kể. Nhưng đến dịp Tết này, thị trường có phục hồi trở lại. Những ngày cuối năm, ngày nào nhà bà cũng có người đến làm hoa từ 8h sáng đến 5h chiều.

Chỉ vào bình hoa thuỷ tinh để ở góc bàn, bà Việt nói: “Đó là bình hoa đầu tiên tôi làm sau khi từ Thái Lan về Việt Nam. Đã 14 năm nay nhưng nó vẫn tươi như ngày đầu. Thế nên, tôi không biết chính xác những bình hoa mình làm ra sẽ còn ‘sống’ tiếp được bao lâu bởi vì chưa có bình nào hỏng cả”.

Nghề ướp hoa bất tử của người phụ nữ quê Nông Cống, Thanh Hoá cũng có nguồn gốc từ hành trình mưu sinh đặc biệt của bà.

{keywords}
Bình hoa hồng tươi 14 năm chưa hỏng do chính tay bà Việt ướp. 

Năm 1997, gia đình bà là một trong số những hộ đầu tiên nhận số tiền vay vốn của Nhà nước để phủ xanh đất trống đồi trọc. Với số vốn 30 triệu đồng vay trong vòng 3 năm, vợ chồng bà chọn trồng bạch đàn và cam. Nhưng không lâu sau, số cam chết sạch, bạch đàn thì chưa thu hoạch được. Số cá rô phi nuôi trong ao cũng lớn được một thời gian rồi chết.

Hết hạn 3 năm, số tiền vay cả gốc và lãi đã lên tới 55 triệu đồng - một số tiền lớn thời điểm đó với một gia đình làm nông. Thấy hai vợ chồng xoay sở chật vật, nhà lại còn 2 con đang tuổi ăn học, bà Việt quyết định sang Thái Lan xin làm giúp việc để trang trải nợ nần.

Theo lời giới thiệu của một người bạn, bà vào giúp việc cho một gia đình có 2 con nhỏ, mỗi tháng nhận lương 3.000 baht, tương đương 1,2 triệu đồng lúc ấy.

Công việc của bà hằng ngày là nấu nướng, dọn dẹp và đưa đón 2 đứa trẻ đi học. Làm được 6 tháng, bà thấy thời gian rảnh rỗi của mình nhiều quá, dẫn đến nhàm chán nên đã xin cô chủ cho nghỉ việc để đi tìm công việc khác.

“Cô chủ khi ấy đã khóc và nói rằng tìm được một người như tôi thật khó nên đã thuyết phục tôi ở lại, và hứa sẽ tìm thêm việc cho tôi làm ở nhà”.

Thời gian sau đó, chủ nhà bắt đầu tìm hiểu công việc ướp hoa bất tử bằng công nghệ của Nhật Bản. Bà Việt kể, bà và cô chủ đã cùng nhau mày mò suốt một thời gian, thất bại rất nhiều, đến mức khiến cô chủ nản chí, định bỏ cuộc. Nhưng lúc ấy, bà Việt lại là người động viên chủ nhà cố gắng kiên trì cho tới khi cả hai tìm ra một phương pháp ướp hoa thành công.

“Từ đó, tôi được ưu tiên dành nhiều thời gian để làm hoa. Cô chủ thì lo nhập nguyên liệu và đầu ra. Khi cơ sở sản xuất lớn hơn, tôi vừa làm vừa phụ trách đào tạo những người mới vào. Cứ thế, tôi làm ở đó suốt 5 năm rồi về Việt Nam. Mỗi tháng, ngoài lương giúp việc, tôi được trả thêm 2.000 baht”.

{keywords}
Những sản phẩm độc đáo này thường được người mua sử dụng làm quà tặng hoặc để trưng bày. 

Năm 2006, bà về nước mang theo tham vọng phát triển nghề ướp hoa bất tử. Nhưng khi ấy, ở một vùng quê như Nông Cống, chơi hoa đã là xa xỉ. Chơi hoa bất tử với giá 160 nghìn đồng/bông là điều không ai nghĩ tới.

“Ngay cả người thân cũng nghi ngờ kế hoạch của tôi” - bà Việt nói.

Nhưng bà vẫn âm thầm tìm hiểu về nguồn nhập nguyên liệu, nghiên cứu thị trường Việt Nam để đến năm 2007, bà bắt tay vào làm những bình hoa đầu tiên.

“Những ngày đầu, tôi chỉ làm bát hoa nhỏ có 1 bông duy nhất, rồi mang đi chào hàng khắp nơi. Đến đâu tôi cũng giải thích đây là hoa tươi, được ướp theo công nghệ Nhật Bản để có thể chơi được mãi. Nhưng chẳng có ai tin tôi. Khi nói đến giá tiền, họ ngay lập tức từ chối, còn không nhận cả hàng ký gửi”.

“Nhưng rất may, cuối cùng cũng có một cửa hàng bán đồ nội thất cao cấp nhận ký gửi vài bông hoa” - bà Việt kể.

“Bẵng đi cả tháng sau, trong một lần tôi đang đi giới thiệu hoa quanh đó thì chủ cửa hàng gọi với tôi lại, bảo rằng: ‘Tôi bán được hoa của chị rồi đấy’. Lúc ấy, tôi mừng rơi nước mắt. Nó cho tôi niềm tin là sản phẩm của mình đã được thị trường trong nước chấp nhận”.

Suốt một thời gian dài sau đó, cửa hàng này vẫn túc tắc bán được hàng cho bà, thậm chí là đến tận bây giờ 2-3 tháng một lần, họ vẫn nhận hàng mới để bán.

{keywords}
Hoa tươi được bà nhập từ Đà Lạt, sau đó đợi hoa nở rồi dùng một loại cát đặc biệt để ướp hoa.

Nếu như những ngày đầu, bà chỉ làm những lọ hoa 1 bông thì bây giờ, những bình hoa tiêu thụ được tốt nhất lại là những bình hoa 30-50 bông, vẫn với giá bán lẻ 160 nghìn đồng/bông, chưa thay đổi suốt 14 năm qua.

Các loại hoa được bà sử dụng nhiều nhất là hoa hồng, hoa lan, baby, cẩm chướng. Nếu như trước kia bà nhập hoa từ Hà Nội về thì bây giờ bà sử dụng hoa Đà Lạt. Mỗi mẻ hoa mất khoảng 10 ngày từ lúc nhập hoa tươi về cho tới khi một bình hoa được hoàn thiện trong lọ thuỷ tinh đóng kín.

“Hiện tại, các mối hàng bán sỉ của tôi rải rác ở Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và Bà Rịa - Vũng Tàu - nơi con trai tôi đang sống. Các đơn hàng bán lẻ thì ở nhiều tỉnh thành khác nhau”.

Bà Việt chia sẻ, 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu mua hoa bất tử giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, tháng nọ bù tháng kia, hiện tại doanh thu mỗi tháng của bà vào khoảng 70-80 triệu đồng, trong đó lợi nhuận chiếm khoảng 35%. Cơ sở làm nghề của bà cũng vẫn duy trì được 4 lao động thường xuyên, ngoài 3 người trong gia đình”.

Người phụ nữ 64 tuổi cho biết, trong thời gian tới, bà hi vọng nhu cầu của thị trường sẽ phục hồi trở lại. Bà cũng có dự định sẽ dạy nghề cho những ai muốn học để các bạn trẻ tiếp nối một công việc làm đẹp cho đời.

Khi được hỏi “có sợ bị cạnh tranh khi nhiều người biết phương pháp làm hoa bất tử hay không?”, bà Việt tự tin khẳng định: “Cạnh tranh thì mới phát triển được”.

{keywords}
Bà Việt dự định sẽ ướp thêm nhiều loại hoa khác trong tương lai. 

Nguyễn Thảo

Ảnh: NVCC

Xưởng hương ở làng quê Việt được nhiều người nước ngoài tìm đến

Xưởng hương ở làng quê Việt được nhiều người nước ngoài tìm đến

Xưởng hương nằm ở vùng quê chiêm trũng nhưng nhiều đối tác nước ngoài vẫn tìm đến tận nơi để quan sát, đánh giá, ... không ít người trong số đó đã ăn ở tại xưởng nhiều ngày để hiểu rõ về cách làm việc của nơi này trước khi ký hợp đồng.