- Mặc dù đã bước vào cuộc
hôn nhân thứ hai, bỏ lại sau lưng những đau khổ của cuộc hôn nhân đầu tiên, thế
nhưng người phụ nữ đó đã bị quá khứ “hành” cho phát bệnh.
Bệnh nhân kỳ lạ
Một ngày mùa đông, người đàn ông ngoài ba mươi tuổi, nhà ở Từ Liêm, Hà Nội đưa
vợ đến Bệnh viện tâm thần Mai Hương để khám. Trên nét mặt anh hiện rõ những lo
âu khi hết đưa mắt nhìn vợ lại đảo mắt sang nhìn bác sỹ.
Ngồi cạnh anh là người vợ 34 tuổi, tên D., đôi mắt trũng sâu, nhìn chị buồn thảm
như “thần sầu”. Chị cũng đưa đôi mắt lo lắng nhìn về phía bác sỹ như thể chờ
đợi.
Sau một hồi khám bệnh, bác sỹ Bế Thị Hiển, Trưởng khoa Lâm sàng, bệnh viện tâm
thần Mai Hương chẩn đoán chị D. mắc chứng trầm cảm trường diễn.
Sau khi về ở với nhau một thời gian, chị D. vui mừng khi biết tin mình đã có thai. Chị sinh được một bé trai khỏe mạnh, giờ đã 5 tuổi. Vậy là người mắc chứng vô sinh chính là người chồng cũ của chị, còn chị hoàn toàn bình thường. - (Ảnh chỉ có tính chất minh hoạ). |
“Với bệnh lý này, để điều
trị được cho bệnh nhân cần tìm được gốc dễ gây nên bệnh. Và như vậy, bệnh nhân
phải sẵn lòng chia sẻ”, lời bác sỹ Hiển.
Tuy nhiên khi bắt đầu câu chuyện, bác sỹ Hiển không tài nào tìm được nguyên nhân
khiến chị D. lâm bệnh bởi chị đang sống rất hạnh phúc bên người chồng hết mực
yêu thương, chiều chuộng cùng một cậu con trai lên 5 tuổi.
Về mặt kinh tế, chị cũng không
phải lo nghĩ gì khi mà anh chị sống khá sung túc, công việc của cả hai đều ổn
định.
Cố công nói chuyện để tìm cho được nguyên nhân, bác sỹ Hiển càng không thể tìm
được nguồn cơn nào khiến chị D. lâm bệnh khi mà hiện tại cuộc sống gia đình của
chị đang rất hạnh phúc và viên mãn.
Vết thương khó lành
Và phải mất rất nhiều công sức gặng hỏi, chị D. mới òa khóc mà rằng, chị không
thể chôn vùi quá khứ đau buồn trong lần kết hôn đầu tiên. Rồi chị D. kể lại
chuyện mình trong nước mắt.
Ngày ấy, khi chị đang tuổi đôi mươi, tình yêu đầu của chị “kết trái” với một đám
cưới hạnh phúc. Thế nhưng, sau ngày cưới đã vài ba năm mà chị với người chồng
trước không thể sinh được một mụn con.
Anh chồng là con trai độc nhất, thế nên áp lực phải có con để nối dõi tông đường
càng làm cho đôi vợ chồng trẻ thêm căng thẳng. Dù cố công nhưng đã 4 năm trôi
qua mà vợ chồng chị vẫn không thể sinh con.
Điều này khiến mẹ chồng chị D. bực bội ra mặt. Vì cho rằng con dâu “không biết
đẻ”, bà mẹ chồng hàng ngày luôn tìm mọi cơ hội có thể để trì triết, đay nghiến
cô con dâu bằng những câu từ cay nghiệt nhất.
Trong nước mắt, chị D. kể rằng: Có lần chị đi chợ mua cá về, trong lúc chị làm
cơm, bà mẹ chồng đứng cạnh rỉa rói chị: “Bỏ tiền ra mua cá thì phải mua con cá
cái, sao lại đi mua con cá đực...”.
Bà mẹ chồng chị D. còn thường xuyên hành hạ chị bằng những câu nói cay nghiệt
như: “cây độc không trái, gái độc không con”... khiến cho cuộc sống của chị luôn
căng thẳng, buồn tủi, chan đầy nước mắt.
Cho đến một ngày, không thể chịu đựng thêm được nữa, chị D. bỏ nhà đi lang
thang, vừa đi vừa khóc, rồi chị định tự tử nhưng không thành.
Sau lần đó, chị và chồng đi đến ly dị vì chị không thể tiếp tục sống chung với
bà mẹ chồng cay nghiệt đó.
Chị bỏ cuộc hôn nhân đầu tiên lại
phía sau và mang theo mình vết thương tâm hồn không gì có thể chữa lành được.
Cuộc sống cứ êm trôi, 4 năm sau chị D. tìm được bến bờ hạnh phúc mới. Anh chồng
hiện tại của chị là một sỹ quan quân đội, luôn hết lòng yêu thương vợ.
Sau khi về ở với nhau một thời gian, chị D. vui mừng khi biết tin mình đã có
thai. Chị sinh được một bé trai khỏe mạnh, giờ đã 5 tuổi. Vậy là người mắc chứng
vô sinh chính là người chồng cũ của chị, còn chị hoàn toàn bình thường.
Mặc dù đã có hạnh phúc mới, nhưng khi biết mình bị oan, chị D. đã không thể nào
quên được quá khứ đau buồn, bị mang tiếng là “cây độc không trái”, đã phải chịu
bao ấm ức, tủi cực khi sống với người chồng cũ.
Những lời lẽ cay độc của bà mẹ
chồng cũ cứ bám riết lấy chị hết ngày này qua tháng khác. Nó ám ảnh, hành hạ chị
khiến chị phát bệnh trầm cảm trường diễn.
Người nhà chị D. đã phải đưa chị đi khám bác sỹ, cho uống thuốc chống trầm
cảm, nhưng bệnh tình của chị vẫn không thuyên giảm. Chị mất ngủ, suốt ngày khóc
lóc, ngẩn ngơ như người mất hồn.
Theo lời bác sỹ Hiển, sang chấn tâm lý trường diễn không phải là sang chấn tâm
lý lớn nhưng điều trị lại rất khó. Để điều trị, cần phải cắt được nguồn sang
chấn.
“Trường hợp bệnh của chị D. khó điều trị, tôi đã phải dùng thiền pháp giúp bệnh
nhân tĩnh tâm, dùng thuyết nhân quả của nhà Phật để thuyết phục bệnh nhân hướng
đến những điều tích cực”, bác sỹ Hiển cho biết.
Và sau hơn một tháng điều trị ở Bệnh viện tâm thần Mai Hương, nhờ sự tận tâm của
bác sỹ, sự chăm sóc chu đáo của người chồng, đến nay bệnh của chị D. đã thuyên
giảm, chị dần lấy lại niềm vui sống, sẵn sàng “chôn vùi” quá khứ không tốt đẹp.
T.Nhung