Khi còn là một đứa trẻ, Susan Kare luôn đắm chìm trong các bản vẽ, tranh vẽ, đồ thủ công mỹ nghệ; và khi trở thành một thiếu nữ, cô lao vào nghệ thuật và mơ ước trở thành một nghệ sỹ tài ba trên thế giới.

Nhưng rồi vào năm 1982, cuộc gặp gỡ với một người bạn cũ là nhân viên Apple đã đưa Kare đến một  môi trường nghệ thuật khác, nhỏ hơn nhiều – chỉ khoảng 1.024 pixel. Không được trang bị các kỹ năng máy tính và thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế số, Kare vẫn thực sự tạo ra cuộc cách mạng trong nghệ thuật điểm ảnh (pixel).

Đối với nhiều người, các biểu tượng của Susan Kare chính là những hương vị đầu tiên trong tương tác người-máy tính. Những biểu tượng này dễ gần, thân thiện, đơn giản và giống như chính bản thân nhà thiết kế vậy. Ngày nay, chúng ta nhận ra những hình ảnh nhỏ bé như những người bạn cũ thân thiết.

Sau này, Kare đã làm công việc thiết kế cho nhiều công ty nổi tiếng như Microsoft, Facebook, Paypal và thực sự trở thành một biểu tượng riêng, bất tử trong các tác phẩm nghệ thuật điểm ảnh.

Sẽ là bất công khi nói về thiết kế số mà không đề cập đến sự phát triển của giao diện người dùng đồ họa (GUI). Khi Apple ra Macintosh năm 1984, họ đã nhấn mạnh đến cái giao diện đơn giản, thân thiện người dùng của sản phẩm – nhưng để tạo ra nó, Apple đã phải mất rất nhiều công sức, sáng tạo.

Vào những năm 1970, hãng Xerox PARC đã tạo ra chiếc máy tính cá nhân Alto, được trang bị đầy đủ màn hình bitmap và các menu – đó là chiếc máy tính đầu tiên tích hợp GUI. Sau đó, đến năm 1981, chiếc máy tính Star ra đời và có các biểu tượng cơ bản đầu tiên. Xerox PARC thực sự là hãng tiên phong trong “nghệ thuật điểm ảnh” (pixel art). Chính Adele Goldberg và Robert Flegal, cả hai đều là người của PARC, đã đưa ra thuật ngữ này vào năm 1982, dù nó đã tồn tại dưới dạng khái niệm ngay từ năm 1972, khi công ty phát triển SuperPaint.

Trong vòng 10 phút quan sát GUI của Xerox, Steve Jobs đã tuyên bố: “một ngày nào đó, tất cả máy tính sẽ như thế này”. Để đổi lấy quyền được mua cổ phiếu Apple trước khi công ty IPO, Xerox đã cho phép Jobs và đội kỹ sư được tiếp cận với PARC trong 3 ngày để tìm hiểu về Alto và các công cụ phát triển.

Năm 1978, sau khi vừa lấy được bằng Tiến sỹ thiết kế của trường Đại học New York, Kare đã tự hỏi liệu cô muốn trở thành một nghệ sỹ hay một giáo viên. Cô xin làm một công việc phụ trách tại Bảo tàng Mỹ thuật San Francisco, và vào đầu những năm 1980, cô đến Palo Alto để làm trong một bảo tàng lớn hơn ở Hot Springs, Arkansas.

Trong khi đó, Apple đang có kế hoạch thiết kế Macintosh, một “mẫu máy tính giá rẻ, dễ sử dụng dành cho người dùng bình thường”. Năm 1982, công ty ra lời kêu gọi các nhà thiết kế, và Andy Hertzfeld, một lập trình viên, thành viên nhóm thiết kế biết rõ ứng viên nào phù hợp nhất với công việc này.

Hertzfeld là bạn học cùng lớp thời trung hoc với Susan Kare. Thực tế, cả hai biết nhau từ khi họ 14 tuổi. Khi Hertzfeld biết Kare đang ở Palo Alto, anh đã gọi cho cô, và “duyên phận” của Kare với các biểu tượng đầu tiên của Apple bắt đầu từ đây.

Kare trở thành người thiết kế các font và biểu tượng cho Apple Macintosh; danh thiếp của cô ghi là “Macintosh Artish”. Trước đó, cô chưa bao giờ làm về đồ họa máy tính. Nhưng rồi các tác phẩm của cô đã được mọi người nhận diện, trở nên nổi tiếng.

“Làm việc tại Apple, tôi học được một kinh nghiệm, đừng bao giờ đưa một cái gì đó cho Steve Jobs và hỏi “ông có thích cái này không?”, bởi vì, ông chắc chắn sẽ nói không. Ông muốn bạn hoàn thiện hơn nữa và đưa ra một tác phẩm tốt hơn nữa. Vì thế, hãy đưa cho ông một số lựa chọn và hỏi Steve Jobs thích cái nào”, Kare nói.

Ngoài những đóng góp tuyệt vời cho GUI của Macintosh, Kare còn là một người mà theo người bạn Andy Hertzfeld là “có khiếu hài hước khác thường”.

“Một ngày, tôi đến bàn làm việc của cô ấy để xem Kare đang làm gì, và tôi rất ngạc nhiên khi thấy cô đang vẽ một bức chân dung nhỏ về Steve Jobs. Các biểu tượng chỉ bằng kích cỡ 32 x 32 pixel trắng hoặc đen – 1024 chấm tất cả. Tôi nghĩ không thể vẽ một bức chân dung đẹp trong không gian nhỏ như thế, nhưng Susan đã thành công và còn lột tả được nhiều nét tính cách của Steve trong đó. Mọi người khi xem đều rất thích thú, ngay cả Steve Jobs”.

Nhóm nhân viên trong đội máy Mac rất yêu quý cô. Cô còn vẽ thêm một số chân dung nữa, về các thành viên khác nhau của nhóm, những người muốn được tạc hình tượng họ trong 1000 dấu chấm nhỏ. Kare thường làm điều này vào các buổi chiều muộn.

Nhiều năm sau đó, Kare được đề cử làm một trong các Giám đốc sáng tạo của Các dịch vụ Sáng tạo của Apple. Khi Jobs bị trục xuất khỏi Apple vào giữa những năm 80, ông đã sáng lập NeXT và mang theo một số thành viên của nhóm Macintosh cùng với ông. Trong số đó có Susan Kare.

Làm việc gần gũi với Steve Jobs mang lại cảm giác mới mẻ mỗi ngày, Kare nhớ lại, nhưng điều đáng nói nhất là cô luôn phải cố gắng, đặc biệt là để đạt được các kỳ hạn cuối cùng.

“Tôi đã làm việc với Steve Jobs trong nhiều bài trình bày cho NeXT khi chuẩn bị cho các sự kiện. Mọi công việc đều rất phức tạp và tốn thời gian, nhưng Steve không ngần ngại đưa ra những thay đổi rất nhỏ vào phút cuối nếu một chỉnh sửa màu nhỏ có thể làm tác phẩm đẹp hơn, thậm chí là phải làm lại hàng chục slide vào đêm trước khi sự kiện diễn ra”.

Khi NeXT được bán lại cho Apple vào năm 1996, Kare bắt đầu một sự nghiệp độc lập, theo đuổi ước mơ  mở ra công ty thiết kế riêng, quyết định này đã dẫn cô tới những hợp tác thành công với các công ty như SF Water and Power, Glam.com, Paypal, Facebook, và một số hãng khởi  nghiệp khác.

Cuối năm 2006, cô được Jared Morgenstern (một trong những nhà thiết kế đầu tiên của Facebook) thuê sáng tạo ra bộ quà tặng ảo trên Facebook kích cỡ 64 x 64 pixel; Giữa năm 2007 và 2010, Kare đã cho ra hàng trăm món quà. Những món quà này ngay lập tức nổi tiếng và hàng triệu quà được bán ra, nhưng cửa hàng đã đóng vào tháng 8/2010, khi Facebook chuyển sang các ứng dụng bên thứ ba.

Cô từng là một nhà thiết kế tại Microsoft, thiết kế nhiều biểu tượng cho Windows 3.0, cũng như trò chơi đánh bài trên máy Windows. Nhiều biểu tượng do Kare sáng tác ra – đặc biệt là những biểu tượng trong Notepad và Control Panel – vẫn không thay đổi gì cho đến khi Windows XP ra đời năm 2001.

Hiện nay, Kare vẫn đang điều hành việc thiết kế số ở San Francisco, nơi cô là nhà thiết kế chính và duy nhất, bán các tác phẩm với giá từ 99 USD đến 499 USD. Tác phẩm của cô cũng được bày tại cửa hàng của Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại ở thành phố New York.

Kare cho biết phần lớn thành công của cô đều nhờ "tôn chỉ" thiết kế luôn phải đơn giản, rõ ràng và đẹp.

“Triết lý của tôi thực sự không thay đổi – tôi thực sự cố gắng phát triển những biểu tượng có ý nghĩa và đáng nhớ. Tôi bắt đầu thiết kế các biểu tượng đơn sắc bằng cách sử dụng một trình soạn thảo biểu tượng 32 x 32 pixel mà Andy Hertzfeld đã tạo ra. Sau đó tôi đã có thể tận dụng nhiều công cụ mạnh mẽ hơn và độ phân giải màn hình cao hơn. Tuy nhiên, các khó khăn của vấn đề thiết kế phải được giải quyết bằng cách nghĩ về bối cảnh và tính ẩn dụ - không phải bằng các công cụ. Mục đích cuối cùng là tạo ra một hình ảnh dễ hiểu dễ nhớ, gần gũi và thân thiện”.