Duyên nợ với trẻ bị bỏ rơi
Vừa thay tã cho bé Còi rồi vỗ về cho bé ngủ thì bé Đen ọ ẹ khóc đòi ăn, chị Giáp Thị Sông Hương vội vơ bình sữa đã pha sẵn đút cho con bú. Ánh mắt chị rạng ngời hạnh phúc.
“Nhà cửa, đất đai bán hết rồi, tôi chỉ còn lại bọn trẻ là tài sản thôi”, chị Hương âu yếm nhìn các bé đang nằm ngủ ngon lành, nói.
Gần 30 năm qua, không màng tới hạnh phúc riêng, không dám lập gia đình, chị Hương ở vậy để nhận nuôi dưỡng hàng trăm đứa trẻ bị bỏ rơi, từ những bé sơ sinh tới những em 13-14 tuổi.
18 tuổi, cô thiếu nữ Giáp Thị Sông Hương quyết định rời quê nhà ở Bắc Giang vào Sài Gòn lập nghiệp. Không muốn phiền gia đình người nhà nhiều, sau vài tháng ở nhờ chị Hương xin ra ngoài ở và kiếm sống bằng nghề giúp việc nhà theo giờ, nhặt ve chai.
Chị Giáp Thị Sông Hương chăm sóc các con nuôi của mình |
Trong một lần lượm lặt đồ người ta bỏ đi ở bãi rác, chị bất ngờ phát hiện một bé gái bị vứt nằm lẫn trong đống rác, hơi thở yếu ớt, chị Hương vội bế về chăm sóc.
Một cô gái mới 18 tuổi, chưa chồng chưa con, công việc không có lại đèo bòng thêm đứa bé còn đỏ hỏn nên gia đình chị kịch liệt phản đối. “Gia đình tôi lo chồng con chưa có, nhận nuôi rồi làm gì có tương lai, sợ bà con dòng họ ngoài Bắc không biết lại nghĩ tôi hư hỏng, trót dại có con ngoài giá thú”, chị Hương kể.
Tuy nhiên, vì thương đứa bé, chị kiên quyết giữ lại, chấp nhận cực khổ để nuôi con. Từ khi có con nuôi, ngoài các công việc đang làm, chị còn muối thêm dưa, cà rồi mang ra lề đường bán.
Một năm sau, ở dẫy trọ của chị có một nữ sinh mang thai ngoài ý muốn. Ngày sinh, cô gái chỉ có một mình, không người thân thích, thấy tội nghiệp, chị Hương đưa cô gái tới bệnh viện sinh con.
Thế nhưng, sau khi mẹ tròn con vuông, cô gái lặng lẽ biến mất, bỏ lại đứa con cùng tiền viện phí chưa đóng. Khi bệnh viện yêu cầu đóng tiền viện, chị Hương đành phải mang chiếc dây chuyền của mẹ mang đi cầm cố nhưng vẫn không đủ, chị quyết định đi gõ cửa nhiều nhà dân ở quận Gò Vấp, Phú Nhuận xin tiền.
Hàng chục trẻ sơ sinh được chị Hương vừa nhận về chăm sóc |
Nhiều người thấy chị khỏe mạnh, tưởng chị lừa đảo nên đã chửi bới, dọa đánh nhưng cuối cùng chị cũng gom đủ tiền để trả viện phí. Ôm đứa bé mới sinh về lại phòng trọ, thương đứa bé bị bỏ rơi, dù nhiều người xin bé nhưng chị quyết định giữ lại. Sau gần 30 năm, cả hai đứa bé năm nào đã trưởng thành và ra nước ngoài sinh sống.
Kể từ duyên nợ với hai đứa trẻ bị bỏ rơi, gần 30 năm qua chị Hương nhận về hàng trăm đứa trẻ khác để chăm sóc.
Từ một cô bé giúp việc, lượm ve chai, chị gom góp ít vốn khởi nghiệp kinh doanh từ quán nhậu lề đường rồi dần dần mở nhà hàng, khách sạn và công ty bất động sản để lấy tiền nuôi nấng những đứa con nuôi bị bỏ rơi.
Biết rằng công việc thiện nguyện của mình sẽ khó có thể lo cho mái ấm riêng chu toàn nên chị không lập gia đình. Đến khi hơn 30 tuổi, bị gia đình thúc ép, để làm yên lòng mẹ, chị thuê một người đàn ông làm đám cưới giả. Ngay đêm tân hôn, sau khi nhận được số tiền thỏa thuận, “chú rể” cầm tiền ra khỏi nhà. Suốt một năm sau đó, mỗi lần về thăm gia đình chị lại phải gọi người này đi cùng mình. Sau này, quá mệt mỏi chị mới thú thật với gia đình.
Có hàng trăm con vẫn khát khao làm mẹ
Có hàng trăm đứa con nuôi nhưng chị vẫn thèm khát có một đứa con dứt ruột đẻ ra. Thời điểm đó, pháp luật chưa cho phép người không có chồng được thụ tinh nhân tạo nên một lần nữa chị Hương lại thuê người đăng ký kết hôn giả để làm thủ tục thụ tinh ống nghiệm.
Thế nhưng, do tuổi đã cao, sau chục lần làm thụ tinh chị chỉ đậu duy nhất một lần nhưng thai lại nằm ngoài tử cung phải mổ cấp cứu. Sức khỏe suy kiệt, chị đành từ bỏ ước mơ có đứa con của chính mình để chăm lo cho những đứa con nuôi.
Hai năm qua, dịch Covid-19 bùng phát, công việc làm ăn bị đóng băng, chị bán hết nhà cửa để lo cho các con.
Hiện, do dịch bệnh nên khách sạn Hồng Hoa của chị ở L 52 Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM, phải đóng cửa nên chị Hương đưa cả 31 con nuôi, trong đó đa số là trẻ sơ sinh về đây sinh sống.
Hạnh phúc của chị Hương là quây quần bên các con |
Cùng chăm sóc các bé với chị là những con nuôi đã lớn, dịch không đi làm nên về phụ mẹ chăm các em. Dù là con trai hay gái nhưng các em tỏ ra thuần thục trong việc cho các em ăn, thay tã.
“Không biết cha mẹ các bé là ai cả, lâu lâu tôi lại nhận được điện thoại báo tin ra cột điện nọ, thùng rác kia đưa bé về, vậy là ra thì chỉ thấy một mình bé nằm đó, không có bất cứ thông tin về cha mẹ”, chị Hương cho hay.
Những đứa con của chị Hương bé nào cũng đáng yêu, xinh xắn. Dường như chúng hiểu được hoàn cảnh của mình, hiểu được vất vả của mẹ Hương nên bé nào cũng ngoan, ăn no là nằm chơi một mình hoặc ngủ. Các con nuôi của chị đều cho mang họ của chị.
Nhìn các con quây quần bên cạnh, chị thở dài lo lắng, gần một năm qua do dịch bệnh nên công ty của chị không thể hoạt động trong khi chi phí tiền bỉm, sữa, ăn uống của các bé mỗi tháng lên tới hơn 100 triệu đồng.
“Mấy tháng nay người thân, bạn bè biết tôi khó khăn nên cũng gửi hỗ trợ nhưng tình hình này kéo dài có lẽ tôi không gồng nổi. Tôi sẽ cố gắng hết sức, nếu sức khỏe, tiền bạc cạn kiệt quá chắc sẽ phải trao trả các con cho nhà nước chăm sóc”, chị Hương buồn bã nói.
Có nhiều người hiếm muộn tới đặt vấn đề xin các bé về làm con nuôi và hứa sẽ cho chị một số tiền kha khá nhưng chị từ chối. “Tôi sợ mình cho con đi, khi cha mẹ chúng quay lại tìm con thì không biết ăn nói sao với họ”, chị Hương cho hay.
Thanh Phương
Mải miết đi giao tro cốt nạn nhân Covid-19, giám đốc quên lời hứa với vợ
Ngày rời nhà đi làm từ thiện, anh Tiến hứa chỉ đi ít bữa nhưng 2 tháng vẫn chưa về. Hết mang lương thực cho người dân, anh lại chở người tử vong vì Covid-19 đi hỏa táng rồi mang tro cốt trao cho người thân của họ.