Sinh ra và lớn lên tại vùng nông thôn tỉnh Hưng Yên, thuở nhỏ chị Nguyễn Kim Thoa không có điều kiện tiếp xúc nhiều với sách vở. Đến khi trưởng thành, chị mới có cơ hội được đọc nhiều cuốn sách hay. Tư duy, nhận thức của chị thay đổi. Cũng nhờ những câu chuyện truyền cảm hứng trong từng cuốn sách ấy, Nguyễn Kim Thoa có được thành công.

{keywords}
Chị Kim Thoa luôn đau đáu với việc phát triển văn hoá đọc.

Hiện chị được biết đến là CEO Tân Việt Books, chủ sở hữu chuỗi không gian sách tổ hợp (café, khu vui chơi kết hợp nhà sách) lên tới vài nghìn mét vuông tại nhiều trung tâm thương mại và hệ thống siêu thị lớn nhỏ trên cả nước.

Với mong muốn đền đáp những gì sách mang lại, nhiều năm qua chị Kim Thoa quyết tâm cùng các cộng sự của mình thực hiện các dự án cải tạo hàng trăm thư viện trường học tại địa phương, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Chị Kim Thoa chia sẻ: “Dù bận rộn với công việc như thế nào, tôi vẫn dành hàng giờ để đọc sách mỗi ngày. Sách cho tôi vô vàn bài học quý giá. Có được thành công rồi, tôi luôn đau đáu với việc truyền cảm hứng để mọi người cùng đọc sách và thụ hưởng các ích lợi thần kỳ từ người thầy mang tên ‘sách’ này”.

Từ suy nghĩ đến hành động, mới đây, chị Kim Thoa đã đứng lên kêu gọi các nhà hảo tâm cùng chung tay tài trợ và thực hiện dự án “Nhà văn hóa – Không gian văn hóa đọc cộng đồng” của mình.

Dự án đang ở những bước đi đầu tiên, khó khăn gặp phải là không ít nhưng chị vẫn tìm được nguồn động viên lớn từ nhiều cá nhân, tập thể. Mô hình nhà văn hóa tích hợp đầu tiên được đặt tại thôn Như Lân, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Tại đây, hơn 6.000 đầu sách sẽ phục vụ miễn phí cho bà con nông dân trong thôn.

“Sau thời gian dài xây dựng thư viện trường học ở vùng cao, tôi hiểu rằng không chỉ trẻ em mà mọi tầng lớp nói chung nếu có không gian phù hợp, nhiều đầu sách hay, thì người dân sẽ khó có thể xa rời sách”, chị Thoa lý giải.

Lớn lên tại vùng nông thôn, hơn bất cứ ai, chị Kim Thoa nhận thấy tại các thôn bản, nhà văn hóa là công trình được nhà nước đầu tư không ít nguồn lực nhưng lại không phát huy được hết công năng, luôn ở trong tình trạng xuống cấp, rất lãng phí.

Nhà văn hóa là không gian sinh hoạt chung của người dân trong thôn. Nơi đây có thể trở thành địa điểm đọc sách lý tưởng. Do đó, chị Thoa nảy ra ý tưởng thiết kế, cải tạo, tích hợp đưa sách vào không gian này, một mặt để người dân có thể hưởng thụ sách một cách dễ dàng; mặt khác, “thổi hồn” cho sự phát triển của nhà văn hóa thôn.

{keywords}
Ông Trần Thanh Lâm - Phó ban Tuyên giáo Trung ương, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông và bà Kim Thoa tham quan không gian Nhà văn hoá và không gian văn hoá đọc cộng đồng tại thôn Như Lân, xã Long Hưng, Văn Giang, Hưng Yên.

Sau nhiều năm thực hiện hoạt động khuyến đọc tại trường học, thư viện nông thôn, chị Kim Thoa nhận định rằng có một sự chênh lệch rất lớn giữa mức hưởng thụ sách của người dân thành thị và thôn bản, đặc biệt là sự phân bổ của các hiệu sách. Vùng nông thôn gần như không thấy sự xuất hiện của nhà sách.

“Dự án của tôi sẽ tập trung kiến tạo nên không gian sách tại địa phương, với thiết kế khang trang, đẹp đẽ, thoáng mát. Ở mỗi mô hình, tôi sẽ cho trưng bày khoảng 3.000-6.000 đầu sách đa thể loại, phục vụ nhu cầu đọc của mọi đối tượng”, chị Kim Thoa cho biết.  

Không chỉ tạo ra không gian đọc, chị Kim Thoa còn lên kế hoạch thực hiện các hoạt động khuyến đọc bằng cách tổ chức các buổi nói chuyện về nhiều chủ đề như: Mẹ Việt dạy con đọc sách, Đọc sách để phát triển, Đọc sách để nuôi dưỡng ý chí… với mong muốn truyền cảm hứng, tình yêu đọc sách của mình đến người dân.

Nhà văn hoá và không gian văn hoá đọc cộng đồng tại thôn Như Lân có hơn 6.000 đầu sách các thể loại.

Mỗi buổi talkshow sẽ được tổ chức đều đặn hàng tuần với các chủ đề luân phiên thay đổi. Chị Kim Thoa cùng một số cộng sự của mình trong ban quản lý dự án sẽ trực tiếp là những diễn giả chính trong các buổi diễn thuyết đó.

Theo chị, cách làm này sẽ là tiền đề thu hút, kéo người dân đến không gian văn hóa đọc, từ đó làm thay đổi nhận thức của mọi người về vai trò, tác dụng của việc đọc sách. Khi có hứng thú đọc rồi, mỗi cá nhân sẽ có ý thức cùng nhau xây dựng văn hóa đọc địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Sau khi ra mắt Nhà văn hóa – Không gian văn hóa đọc cộng đồng đầu tiên tại thôn Như Lân, xã Long Hưng, Văn Giang (Hưng Yên), chị Kim Thoa chia sẻ: “Niềm động viên bước đầu đối với tôi là trong thời gian kêu gọi tài trợ đến những người thân cùng quê hương, nhiều cá nhân, tập thể bày tỏ tinh thần sẵn sàng ủng hộ. Họ coi đây là món quà ý nghĩa để trao tặng cho quê hương mình”.

Trên tinh thần đó, sau mô hình đầu tiên, chị Kim Thoa cùng các thành viên trong ban quản lý dự án sẽ tiếp tục kêu gọi tài trợ và cho triển khai xây dựng không gian đọc cộng đồng tại nhiều thôn bản ở các vùng quê trên cả nước.

Tình Lê

Không gian văn hóa đọc cộng đồng có hơn 6.000 đầu sách

Không gian văn hóa đọc cộng đồng có hơn 6.000 đầu sách

Nhà văn hoá và không gian văn hóa đọc cộng động tại thôn Như Lân (Hưng Yên) có hơn 6.000 đầu sách hay, quý phục vụ người dân nơi đây để lan toả văn hoá đọc.