Chiếc đèn phía đối diện soi thẳng ánh sáng vàng vào người phụ nữ mặc chiếc áo blouse trắng, đội mũ xanh trùm kín tóc.
Trước mặt là một rổ gà con vừa nở, chị Nguyễn Thị Dung (SN 1987, ở Đức Giang, Hoài Đức, Hà Nội) bắt đầu công việc của mình.
Tay phải chị nhanh nhẹn lấy từ rổ đựng một chú gà con, tay trái nặn phân và soi lỗ huyệt ở hậu môn gà. Chỉ mất vài giây, chị đã nhìn ra đây là con trống hay mái.
Chị Dung đang phân loại gà trống, mái. |
Cách xác định trống/mái của gà con dựa vào lỗ huyệt gà. Con trống sẽ có gai giao phối - là một nốt tròn, bóng, đỏ, còn gà mái thì không có.
Khi xác định chú gà trên tay là mái, chị Dung bỏ gà sang chiếc rổ bên phải. Nếu gà trống, chị thả sang chiếc rổ bên trái.
Đồng thời, chị với tay lấy một con gà khác thế chỗ, tiếp tục các công đoạn nặn phân, soi hậu môn gà. Trong vòng 1 tiếng đồng hồ, chị xác định giới tính cho hơn 1 nghìn con gà con.
Nghề 'hot', các chủ lò giành giật người làm
Chị Dung bắt đầu công việc của mình cách đây 10 năm trước. Ngày đó, gia đình chồng chị có lò ấp trứng gà. Muốn xác định giới tính gà con vừa nở, gia đình chị phải thuê người về soi.
Việc thuê này vừa tốn tiền lại mất thời gian do có ít người làm. Vì vậy, chị quyết tâm đi học nghề để phân loại gà cho lò ấp của gia đình.
Từ một bà chủ quán cà phê, chị Dung chuyển sang học nghề soi giới tính cho gà trong 3 tháng.
Phân loại gà rất quan trọng, sẽ giúp chủ lò ấp trứng phân gà trống, mái ngay khi gà vừa nở để cung cấp cho các chủ trang trại. Trang trại nuôi gà lấy thịt sẽ chọn gà trống, nuôi lấy trứng sẽ chọn gà mái.
Việc phân loại đạt tỷ lệ chuẩn cao nhất với gà con vừa nở được vài tiếng đồng hồ. |
Việc tách gà sớm sẽ giúp chủ trang trại có cách nuôi phù hợp, giảm thiểu các chi phí. Nếu không “soi giới tính gà”, phải nuôi 1 tháng, người ta mới phân biệt được trống, mái nhờ cái mào của con gà.
Chị Dung thừa nhận, đây là nghề không phải ai học cũng có thể làm được. Số người lành nghề chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
“Cách đây 5 năm, thị trường ít người làm nên nghề rất 'hot'. Nhiều lò phải đặt lịch 4-5 ngày, tôi mới sắp xếp được thời gian để làm. Tôi cũng phải từ chối nhiều lời mời vì làm không xuể”, chị nói.
Giá trung bình soi mỗi con gà là 200 đồng/con nhưng nhiều lò ấp trứng gà sẵn sàng trả 300 đồng, 400 đồng hoặc hơn để nhận được cái gật đầu của chị Dung.
Các lò “mách” nhau, tên tuổi chị Dung nổi trội trong làng phân loại gà. Rất nhiều trại giành giật chị về bằng được, thậm chí, một công ty đã phải đặt lịch chị suốt 2 năm, chị mới sắp xếp được thời gian để làm.
“Hiện, đang thịnh hành loại gà siêu trứng, người ta ưa chọn mái hơn. Gà trống tốn thức ăn nên người ta loại trừ ngay từ ban đầu. Tỉ lệ chọn chuẩn càng cao, họ càng giảm được chi phí chăn nuôi. Vì muốn mình làm, họ sẵn sàng trả những cái giá rất đáng mơ ước”.
Con số thu nhập ấn tượng
Nghề ''hot'', ít người làm nên mức thu nhập không hề thấp. Với mỗi con gà phân biệt trống/mái được trả khoảng 300 đồng, chị Dung thu về 50 - 60 triệu/tháng.
Cũng có hơn 10 năm trong nghề, chị Đặng Thị Mến (SN 1988, xã Đức Giang, Hoài Đức) cũng là một tên tuổi nổi trội trong làng phân loại gà.
Chồng chị - anh Trịnh Văn Minh (SN 1986) chia sẻ, vợ anh thường chạy “sô” vẫn không làm hết việc bởi nghề này phụ thuộc rất cao vào thời điểm gà nở.
“Thời gian soi gà là ngay khi gà vừa nở xong. Lúc này, gà “còn tươi” dễ phân biệt và cho tỷ lệ chuẩn cao (98-99%). Nếu để sang hôm sau, gà khô, khó nhìn, tỷ lệ chuẩn thấp hơn (chỉ 96%)”, anh Minh nói.
Công việc phân loại gà cho thu nhập khá cao. |
Trước ngày lò ấp gà nở 1 hôm, chị Mến nắm lịch cẩn thận. Ngày nào 2, 3 lò cùng có gà nở, chị phải sắp xếp thời gian để không bị trùng nhau.
Sau 10 năm kinh nghiệm đi soi và đào tạo các học viên, tỷ lệ soi gà của chị Mến đã đạt chính xác đến 99%.
Một tiếng phân biệt được hơn 1 nghìn con, với giá khoảng 200 đồng/con, thu nhập soi gà của chị Mến dao động khoảng 40-70 triệu đồng/tháng. Hàng năm, chị kiếm được khoảng 500 triệu đồng từ nghề soi giới tính gà.
Nhưng để đổi lại số tiền đó, những người soi giới tính gà cũng phải chịu không ít vất vả.
Mồ hôi sau những cung đường
“Công việc của vợ tôi không được làm vào giờ hành chính, có hôm đi từ 3, 4h sáng đến tận khuya mới về nhà. Ví dụ 5h sáng gà nở, mình phải đến từ trước để kịp làm, sau đó mình chạy sang lò khác cho kịp thời điểm”, anh Minh nói.
Những hôm mưa gió, chị Đặng Thị Mến cũng phải đi xe máy đến các tỉnh như Phú Thọ, Vĩnh Phúc… vì có lò gà chuẩn bị nở.
Làm việc với cường độ cao thường xuyên khiến chị bị mỏi mắt và choáng, phải dùng thuốc bổ mắt thường xuyên.
Vì vậy công việc này chỉ dành cho những người trẻ, mắt tốt. Đến khoảng 40 tuổi, người ta không thể theo nghề nữa bởi lúc này, mắt đã bị kém đi rất nhiều.
Ngoài ra, môi trường làm tại các lò ấp trứng gà cũng rất nhiều bụi. Mỗi lần đi làm, ngoài chiếc đèn để soi gà, chị Mến còn phải mang khẩu trang, mũ trùm đầu, quần áo dài để che bụi, lông gà con.
Chị Mến và chị Dung đều đồng tình rằng, công việc cho thu nhập cao nhưng không phải ai học cũng có thể hành nghề. Ngoài ra, đây cũng là một công việc mang tính cạnh tranh cao.
“Nhu cầu thị trường đang đòi hỏi tỷ lệ phân biệt chuẩn xác lên đến 99%, tối thiểu là 95%. Thu nhập dựa vào tay nghề, có người cũng làm nghề nhưng thu nhập thấp vì họ soi không đạt tỉ lệ chuẩn lớn. Thậm chí có người phải bỏ việc vì hiệu quả thấp, không ai mời”, chị Nguyễn Thị Dung cho biết thêm.
Những người vượt hiểm nguy đi tìm 'lộc trời' trong rừng
Vào khu vực rừng núi để tìm lá tre là công việc mang lại thu nhập khá tốt nhưng cũng chứa nhiều vất vả, nguy hiểm với người dân thôn Đồng Chiêm.
Ngọc Trang - Diệu Bình