Dùng tiếng Việt trong gia đình
Chị Alina Mai (30 tuổi, tiểu bang Delaware, Mỹ) có 3 con, gồm: Abigail (5 tuổi), Vera (3 tuổi), August (1 tuổi). Chồng chị là anh Alex Đỗ (46 tuổi), Việt kiều sống ở Mỹ gần 30 năm.
Dù định cư ở Mỹ khá lâu, nhưng anh Alex đọc và phát âm tiếng Việt vẫn chuẩn. Tuy nhiên, anh viết tiếng Việt còn mắc nhiều lỗi chính tả.
Chị Alina kể, lúc mới hẹn hò, chị và anh Alex thường nhắn tin với nhau. Chị lại dành phần lớn thời gian chỉnh sửa lỗi chính tả trong tin nhắn của người yêu.
Đến khi kết hôn, vợ chồng chị thống nhất nói chuyện với nhau hoàn toàn bằng tiếng Việt. Đồng thời, cả hai xác định cho các con tiếp xúc, học tiếng Việt trước.
Hai vợ chồng không cho các con đi học mầm non ở Mỹ quá sớm. Hai người thay nhau chăm con ở nhà và ưu tiên dạy tiếng Việt cho các bé.
Chị Alina cố gắng dạy con gọi “mẹ” bằng tiếng Việt nhưng có vẻ từ đó hơi khó đối với một đứa trẻ mới tập nói. Những từ tiếng Việt đầu tiên mà các con của chị bập bẹ là “ăn” và “đi”.
Đến khi bé đầu được 5 tuổi, chị Alina mới cho con học mẫu giáo và tiếp xúc với tiếng Anh.
Chị Alina cho biết: “Trẻ con học tiếng rất nhanh. Bé đầu nhà tôi nói tiếng Việt hoàn toàn đến khi 5 tuổi. Thế nhưng, chỉ hơn 1 tháng đến trường, bé bắt đầu chuyển qua sử dụng tiếng Anh để giao tiếp ngay cả lúc ở nhà.
Cả 3 bé nhà tôi đều mắc bệnh chậm nói và bối rối giữa 2 ngôn ngữ Anh và Việt. Bác sĩ đề nghị chúng tôi mời người về dạy nói cho các con.
Chương trình hỗ trợ cho các bé chậm nói ở Mỹ hoàn toàn miễn phí nhưng chúng tôi từ chối, chọn cách tự mình dạy con và ưu tiên dạy tiếng Việt trước.
Vợ chồng tôi kiên định như thế là bởi khi lớn hơn, các con sẽ bị cuốn vào guồng quay học tập. Môi trường học tập và cuộc sống ở Mỹ sẽ thu hẹp cơ hội tiếp xúc tiếng Việt của các con”.
Chị Alina và anh Alex luôn tâm niệm phải cố gắng dạy con đọc, viết tiếng Việt thật tốt. Nỗ lực đó hướng đến mong muốn các con giữ mối quan hệ với đại gia đình ở Việt Nam, không đánh mất cội nguồn.
“Tôi định hướng cho các con nhận biết được quê hương của mình ở đâu. Tôi hy vọng khi các con trưởng thành, nếu có đạt được bất cứ thành tựu nào thì cũng cảm thấy tự hào và hướng về Việt Nam”, chị Alina tâm sự.
Lan tỏa văn hóa Việt đến bạn bè quốc tế
Không chỉ duy trì thói quen sử dụng tiếng Việt trong gia đình, chị Alina còn lan tỏa nét đẹp của tiếng mẹ đẻ đến bạn bè quốc tế.
Hiện tại, chị Alina đang học đại học tại Mỹ. Trong giờ giải lao ở trường, chị thường dạy các bạn cùng lớp học tiếng Việt.
“Dù tốt nghiệp đại học ở Việt Nam nhưng sang Mỹ, tôi tiếp tục học đại học cùng các em nhỏ tuổi hơn.
Lớp học có đến gần 90% các bạn nhỏ hơn tôi khoảng từ 10 - 13 tuổi. Vì thế, tôi cũng cố gắng trẻ hóa để bắt nhịp, hòa đồng với các bạn. Việc dạy tiếng Việt là cách tôi tiếp cận và kết bạn với các em”, chị Alina kể.
Chị Aline vừa dạy các bạn trẻ những từ giao tiếp cơ bản vừa chia sẻ một số câu danh ngôn, châm ngôn ngắn bằng tiếng Việt mà chị tâm đắc.
Sau khi nói bằng tiếng Việt, chị dịch các câu này sang tiếng Anh và nhận được sự trầm trồ của các bạn.
“Người Việt Nam có rất nhiều câu nói hay, sâu sắc và ý nghĩa mà không phải nước nào cũng có”, cô gái quê Thanh Hóa, tự hào chia sẻ.
Bạn bè của chị Alina nhận xét tiếng Việt rất khó phát âm. Để nói được tiếng Việt, họ phải mất nhiều thời gian cho việc học. Thế nên, chị Alina thường thay đổi không khí bằng cách nói về văn hóa của người Việt nhiều hơn.
Qua chia sẻ của cô dâu Việt trên đất Mỹ, người nước ngoài rất ngưỡng mộ và muốn học hỏi ở người Việt Nam nhiều hơn.
Ngoài tiếng Việt và văn hóa, chị Alina còn mang rất nhiều món ăn Việt như: xôi, chè, bánh chưng, bánh mì… lên trường mời bạn bè thưởng thức. Mọi người rất thích và ăn hết sạch đồ ăn mà chị mang đến.
Chị Alina cho rằng, việc làm của mình chỉ góp một phần nhỏ lan tỏa ngôn ngữ, văn hóa và ẩm thực của người Việt ở xứ sở cờ hoa. Chị thực hiện những hoạt động đó với niềm tự hào và sự biết ơn quê hương.