Hơn 12 giờ trưa chủ nhật 13/5, tôi ngồi ăn với một nhóm bạn chạy bộ. Nheo mắt nhìn cái nắng chang chang của Đà Nẵng ngoài kia, tôi buột miệng hỏi: “Không biết Thuý chạy về chưa? Nắng quá nắng”. Tôi cũng chạy bộ, cũng chạy 21km, nhưng lần trễ nhất xuất phát từ 9:30 sáng, không phải từ hơn 11 giờ trưa như hôm nay.
“Vậy mới gọi là người sắt. Người sắt thì phải bất chấp thời tiết chứ”, một bạn trong nhóm trả lời. Trong lúc chúng tôi đang ngồi ăn uống, hơn ngàn con người đang đạp xe hay chạy bộ ngoài kia dưới cái nắng chói chang.
Techcombank Ironman 70.3 Việt Nam 2018 diễn ra tại Đà Nẵng hôm 13/5. Người chơi bắt đầu bơi 1,9km trên biển từ hơn 6 giờ sáng, sau đó đạp xe 90km dọc trục đường Võ Nguyên Giáp, rồi phải chạy tiếp 21km trên trục đường chính này. Người chơi sẽ phải đạp xe dưới cái nắng bể đầu, sau đó bắt đầu phần chạy 21km từ tầm 11 giờ hơn. Như vậy sẽ phải chạy từ tầm 11 giờ đến hơn 1 giờ chiều. Rất khắc nghiệt.
Trong lúc tôi đứng ở gần vạch xuất phát quãng hơn 11 giờ trưa, ông Đinh Anh Huân, đồng sáng lập Thế Giới Di Động, mới bắt đầu chạy. Sau đó, Bùi Thị Thuý - một người bạn của tôi trong nhóm chạy - cũng mới bắt đầu xuất phát. Cả hai người đều tham gia Ironman nội dung tiếp sức, tức hai đồng đội của họ đã đảm nhiệm phần bơi và đạp.
Đến hơn 2 giờ rưỡi chiều cùng ngày, ông Vũ Minh Trí - cựu tổng giám đốc Microsoft Việt Nam - mồ hôi nhễ nhại về đích, với nụ cười tươi, dù trước đó ông bị chuột rút phải “lết” bộ 2km cuối. Ông Trí tham gia Ironman 70.3 solo, tức một mình thực hiện cả 3 môn. Như vậy ông “hành xác” khoảng 8 giờ đồng hồ bơi, đạp, chạy giữa con sóng và cái nắng miền Trung, tổng quãng đường 70.3 dặm (hơn 113km). Nghe thôi cũng đủ sợ!
Phan Thị Thu Nguyệt, một gương mặt khá quen trong cộng đồng chạy bộ ở TP.HCM, năm nay thi Ironman 70.3 ở nhóm tuổi 55-59. Ở tuổi quá ngũ tuần, cô Nguyệt vẫn có thân hình săn chắc, gọn gàng, và hoàn thành cả 3 môn bơi, đạp chạy, với thành tích tốt hơn năm ngoái. Năm 2017, cô Nguyệt đến với Ironman khá tình cờ từ một lời động viên, và sau đó hoàn thành cuộc đua với tư cách người Việt nữ lớn tuổi duy nhất lần đầu tham gia cuộc đua dành cho những “người sắt”.
“Vì mình không đủ sức khỏe bằng tuổi trẻ và con tim mình sẽ có vấn đề khi cố gắng quá sức, dễ bị đột quỵ, nên cô làm vừa đủ trái tim mình cho phép. Mệt tí là dừng lại nghỉ ngơi rồi đi tiếp dù cái đầu vẫn còn minh mẫn thúc đi”, người phụ nữ thép chia sẻ.
Bùi Thị Thuý, trưởng phòng nhân sự công ty Saritasa - một công ty phần mềm của Mỹ, hôm trước đó đội chiếc mũ bơi trắng lao vào sóng lớn, thực hiện nội dung bơi ở cuộc thi Sprint - tương tự với Ironman nhưng cự ly 3 môn ngắn hơn. Thuý bơi được 70m thì quay vào bờ, chấp nhận bỏ cuộc vì sóng quá lớn. Vì sóng lớn, ban tổ chức đã định bỏ qua nội dung bơi ở cuộc thi Ironman 70.3 ngày hôm sau. Khá nhiều người đội mũ trắng - dấu hiệu của những người lần đầu thi bơi - đã không hoàn thành nội dung này hôm đó.
Cô gái này hôm sau đảm nhận phần thi chạy 21km với hai đồng đội khác, và hoàn thành cuộc thi để trở thành một nữ “người sắt” chính hiệu ngay lần đầu tham gia cuộc thi. Thuý cho biết sẽ tập luyện phần bơi nghiêm túc hơn để tham dự các kỳ sau.
Ironman năm nay có 636 vận động viên Việt Nam tham dự, nhiều hơn gấp 10 so với lần tổ chức đầu tiên năm 2015. Dù vẫn còn ít so với số vận động viên nước ngoài (gần 1.000 người) nhưng con số tăng vọt cho thấy ngày càng nhiều người Việt tham gia các môn thể thao sức bền.
Nguyễn Anh Tài, nhân viên tại một tổng lãnh sự quán, lần đầu tham dự Techcombank Ironman 70.3 Việt Nam 2018.
“Tôi tham dự nhằm động viên những người bạn trong nhóm chạy bộ SRC (Sunday Running Club) rằng tôi làm được thì các bạn cũng làm được, đặc biệt là môn bơi - môn sở đoản của dân chạy bộ. Ngoài ra, tôi tham gia để động viên tinh thần cho cháu gái tôi, người đang bị ung thư phổi giai đoạn cuối”, anh Tài tâm sự.
Có kinh nghiệm chạy bộ khoảng 5 năm, sau đó thử thách mình bằng ba môn phối hợp, anh Tài cho rằng việc luyện tập thể thao giúp anh sống điều độ hơn và khoẻ hơn mỗi ngày.
Là thành viên chủ chốt của nhóm chạy SRC (Sunday Running Club), Seven Nguyễn đã thi ba môn phối hợp tới lần thứ 5, trong đó có một lần anh tham dự giải tại Malaysia. Trước khi tham gia Ironman lần đầu, Seven Nguyễn đã có 4 năm tập luyện chạy bộ, và là một trong những thành viên chạy tốt nhất trong nhóm chạy SRC.
“Ironman là một thử thách khác cao hơn, giúp mình vượt qua những giới hạn của bản thân, tìm kiếm niềm vui trong môn thể thao mới”, người đang làm nhân viên pháp chế tại một công ty nước ngoài tâm sự.
Ngoài ra, tại cuộc thi có thể bắt gặp những gương mặt quen thuộc như rapper Tiến Đạt, MC truyền hình Quốc Khánh, các lãnh đạo cao cấp công ty nước ngoài thường xuyên xuất hiện trên báo hay truyền hình...
Hầu hết những người tham dự Ironman đều cho biết có thời gian tập luyện nghiêm túc trong một năm trước khi thi đấu. Trừ một ngày trong tuần được nghỉ ngơi, tất cả những ngày còn lại họ đều tập luyện ít nhất một trong 3 môn bơi, đạp, chạy. Trong đó có 3-5 ngày tập xen kẽ cùng lúc hai trong ba môn kể trên. Rõ ràng lịch tập này cần sự sắp xếp bài bản, khoa học mới có thể theo được.
Có mặt tại các cuộc thi như Techcombank Ironman 70.3 Việt Nam sẽ thấy có nhiều người, nhiều giới ở mọi độ tuổi cho phép dự thi. Từ những người ở lứa tuổi có cháu nội cháu ngoại, những thanh niên vừa qua tuổi 18 hoặc nhỏ hơn, đến những cô gái xinh như mộng hay các chàng trai đẹp như người mẫu, từ nhân viên bình thường trong một công ty đến lãnh đạo cao cấp của tập đoàn, ai ai cũng kiên trì bước tới để hoàn thành mục tiêu bản thân đề ra.
Như mọi môn thể thao khác, ba môn phối hợp giúp người chơi rèn luyện được tính kỷ luật, vượt qua các giới hạn bản thân, đồng thời mang đến sức khoẻ thể chất bền bỉ. Chinh phục được ba môn phối hợp, những thứ khác trong cuộc sống “bất kỳ điều gì cũng có thể” (Anything is possible - khẩu hiệu của cuộc thi Ironman), và nó không đơn thuần là một môn thể thao, đó là phong cách sống (một câu thường được nói tại giải đấu năm nay).