- Hơn 30 năm trong nghề dạy học cũng là ngần ấy năm thầy Lê Văn Hoành, giáo viên trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa gắn bó với các thế hệ học sinh chuyên Lý của ngôi trường này. Đối với nhiều người, nhìn vào bảng thành tích của thầy, họ có thể nói rằng nó thật là rực rỡ. Nhưng, bỏ qua tất cả những danh xưng cao quý, thầy Hoành phác họa cuộc đời giáo viên của mình bằng những từ ngữ vô cùng khiêm tốn và nhỏ bé.

{keywords}

Đứng trên bục giảng chuyên Lý của trường Lam Sơn suốt hơn 30 năm qua, sau mỗi khóa học, danh sách những học sinh giỏi quốc gia, quốc tế của thầy Hoành lại dài thêm.

Theo thời gian, đồng nghiệp của thầy ít nhiều đều đã thăng tiến trong sự nghiệp, giữ nhiều chức vụ trên Sở, Bộ và có những người ra đi để phát triển tài năng ở các thành phố lớn.

Riêng thầy Hoành vẫn ở lại và gắn bó với trường Lam Sơn vì một lý do rất đơn giản: “Thầy yêu thích và thấy mình có tâm huyết với nghề đi dạy và môi trường dạy học ở đây. Thầy rất thích sự ổn định của nghề giáo viên.”

Qua những lời chia sẻ với thầy, có thể nhận thấy sự ổn định của nghề giáo viên rất quan trọng đối với thầy. Sự ổn định của nó cũng chính là một nhân tố làm nên sự bình yên trong tâm hồn thầy, neo giữ thầy gắn bó với địa chỉ duy nhất trong suốt cuộc đời.

Thời đi học, thầy là một học sinh giỏi, một sinh viên ưu tú. Khi ra trường, thầy may mắn được vào môi trường dạy chuyên ngay từ đầu.

Tự nhận bản thân không ưa sự mạo hiểm nên khi dạy học ở chuyên Lam Sơn, “thầy cảm nhận được sự yêu quý của học sinh, dù là học sinh các nơi đến học thêm hay lớp mình chủ nhiệm, phụ huynh cũng quý trọng mình. Đối với đồng nghiệp, mình cũng được mọi người xem là có uy tín. Những điều đó cùng với sự đãi ngộ của tỉnh Thanh Hóa làm mình thấy rằng ở đây mình vẫn sống tốt!”.

“Mọi thứ đang diễn ra êm ái, dễ chịu từ sự yêu quý của phụ huynh, học sinh và làm việc có hiệu quả. Đó là niềm vui. Thầy chỉ có ước mơ nho nhỏ như vậy thôi là đủ để hài lòng với cuộc sống,” thầy Hoành chia sẻ.

Những gì nhà giáo ưu tú Lê Văn Hoành bộc bạch về sự chung thủy của mình với Thanh Hóa, với trường Lam Sơn cũng giản dị, đơn sơ và chân chất như những gì thầy tự nhận về mình. Nói về nghề dạy học, nhiều người có thể gắn nó với những mỹ từ, những lời ca ngợi về vai trò của họ. Còn với thầy Hoành, thước đo đánh giá một người thầy thành công của thầy cũng rất đơn giản: Điều đầu tiên, thầy dạy học sinh phải hiểu bài. Và học sinh cũng chính là người đánh giá công bằng nhất.

Câu chuyện “dạy người” đối với thầy cũng giản dị vô cùng: “Thầy không dám nói rằng người thầy phải dạy người cho học sinh, vì điều đó lớn lao quá.Thầy chỉ làm đươc một phần rất nhỏ trong việc dạy người cho học trò thôi.”

Thế nên nhà giáo ưu tú Lê Văn Hoành tự nhận mình không dám dạy đạo đức cho học sinh bằng những câu nói đao to búa lớn. Đơn giản chỉ là : “Đối với thầy, cái gì cũng có điểm dừng của nó. Mình luôn nhớ rằng mình là thầy giáo, là người của xã hội. Mình không dám nhận mình là một tấm gương sáng, không yêu cầu các học sinh phải mẫu mực mà chỉ dặn các em: “Sống để người ta khen rất khó nhưng không nên để người ta chê mình.”

Thầy Hoành trân trọng sự ổn định, bình yên của nghề dạy học cũng như trân trọng mảnh đất mình đang sống: “Tâm đắc nhất của thầy là người dân Thanh Hóa hiếu học. Nói đất Thanh là đất học có lẽ không phải là một từ quá khoa trương đâu, mà đúng như vậy.”

Dù xã hội vẫn thường đặt người thầy lên một vị trí cao và đòi hỏi mọi người phải tôn trọng sự cao quý nhưng nhà giáo ưu tú của xứ Thanh này luôn đặt mình ở một vị trí rất khiêm nhường. Vậy nên, “Với thầy, mối quan hệ thầy trò là hoàn toàn bình đẳng thôi.”

Thầy Hoành đánh giá “Với một học sinh giỏi thì vai trò của học sinh chiếm đến 70%, thầy chỉ có 30% thôi. Thậm chí, với học sinh xuất sắc thì vai trò người thầy chỉ có 20%.” Thầy khiêm nhường nói về học trò: “Có nhiều cái mình phải học học trò. Khi khóa mới vào lớp, thầy nói với các em : tôi chỉ dạy được em cái cơ bản của học sinh giỏi. Sau đó, tôi cùng em giải một bài toán, tôi có thể thua em. Những học sinh có giải nhất nhì quốc gia, quốc tế chắc chắn hơn tôi. Tôi chỉ hơn học sinh về tổng quan kiến thức, còn khả năng phát hiện vấn đề thì những học sinh như thế giỏi hơn tôi.”

Vậy nên, khi được hỏi về điều thầy chưa làm được trong sự nghiệp giảng dạy, thầy chia sẻ, với những học sinh giỏi, mình chưa đủ khả năng để nâng tầm học sinh lên được. Vì thế, thầy thường đông viên các em đọc sách, ra Hà Nội để được học với các giáo sư, tiến sĩ.

Thế nhưng, thầy không biết rằng, đối với học trò, sự khiêm nhường và thái độ công bằng, nhân ái của thầy đối với tất cả các học sinh khi còn học ở trường đã khiến họ còn mãi nhớ về thầy với một tình cảm tôn kính. Trong ký ức của nhiều học sinh chuyên Lý được thầy dìu dắt, thầy là một kho Vật lý sống, một người thầy hết lòng tận tụy.

Với nhà giáo ưu tú Lê Văn Hoành, có thể nói thầy cảm nhận sự bình yên cả trong cuộc sống lẫn nghề nghiệp ở môi trường dạy chuyên trong trường Lam Sơn. Nhưng thầy cũng bộc bạch, đó là về cá nhân thầy tạm bình yên như vậy. Nhìn rộng ra trong ngành giáo dục, thầy vẫn nhức nhối khi nhìn kỳ thi tốt nghiệp không đảm bảo nghiêm túc. Nhiều đồng nghiệp không được ổn định như thầy, và họ trở thành con sâu quấy rầu nồi canh. Đặc biệt, với nạn ép học sinh học thêm thông qua cách này hay cách khác, thầy cho rằng không ít giáo viên đang làm như thế. Thầy chia sẻ niềm hi vọng với nhiều đồng nghiệp một mong ước rất chính đáng: được sống ổn định bằng nghề của mình.

Thầy Lê Văn Hoành tốt nghiệp Đại học sư phạm Vinh và bắt đầu giảng dạy ở trường THPT chuyên Lam Sơn từ năm 1982. Cho đến nay, thầy đã đào tạo được 87 học sinh đạt giải quốc gia, 7 giải quốc tế và khu vực. Thầy được trao tặng 24 bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh, 5 bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 1 bằng khen của thủ tướng chính phủ, huy chương lao động hạng ba, danh hiệu nhà giáo ưu tú.

  • Nguyễn Hường