Samsung đang liên tiếp gặp phải những rắc rối trong những tháng gần đây. Sau sự cố xảy ra với Galaxy Note 7, tình hình thậm chí còn có thể tệ hơn nhiều đối với hãng công nghệ Hàn Quốc khi lãnh đạo công ty đang đứng trước nguy cơ bị bắt giữ. Theo công bố của các công tố viên Hàn Quốc, họ đang tìm kiếm một lệnh bắt giữ đối với lãnh đạo Jay Y. Lee của Samsung Group vì các cáo buộc hối lộ và tham ô. Đây quả là một thông tin gây choáng váng khi mà Jay Y. Lee đã được "cơ cấu" từ cả thập kỷ nay để lên làm lãnh đạo công ty thay cha mình. 

Lee năm nay 48 tuổi và đang là giám đốc Samsung Group và Phó Chủ tịch Samsung Electronics, bị cáo buộc hối lộ một người bạn thân của Tổng thống Park Geun-hye nhằm đổi lấy sự hỗ trợ của chính phủ trong kế hoạch kế vị của công ty. Tuy nhiên, việc có bắt giữ Lee hay không vẫn cần có quyết định của một toà án phê chuẩn lệnh. Một phiên điều trần dự kiến được tổ chức vào ngày thứ Tư tới. 

Jay-Y. Lee.

Theo Bloomberg, một nhóm các công tố viên đặc biệt đã được thành lập hồi tháng 12 năm ngoái để điều tra xem Samsung và các nhóm kinh doanh thuộc tập đoàn này có hối lộ cho Choi Soon-sil, bạn thân của Tổng thống Hàn Quốc nhằm đổi lấy các ưu tiên về chính trị, hay không. Tổng thống Park Geun-hye hiện đã bị buộc tội và các quyền lực của bà cũng bị thu hồi, huỷ bỏ. Giá cổ phiếu của Samsung giảm 3% ngay sau công bố mà công tố viên đưa ra, trong khi đó bản thân Samsung chưa có phản hồi gì về lệnh bắt giữ này. 

"Chúng tôi tin Samsung đã có các yêu cầu bất hợp pháp trong quá trình thúc đẩy việc kế vị" - Lee Kyu-chul, người đại diện văn phòng công tố viên, cho biết. Lệnh bắt giữ sẽ cho phép công tố viên tiếp tục điều tra, trong khi Lee sẽ bị giam giữ. Lee cũng sẽ sớm bị chính thức truy tố trong thời gian tới. 

Theo Lee Kyu-chul, tổng số tiền hối lộ và tiền mà Samsung hứa bỏ ra để đổi lấy sự hỗ trợ của chính phủ rơi vào khoảng 36 triệu USD. 

Cuộc điều tra sẽ gây ảnh hưởng tới khả năng của Lee trong việc lãnh đạo Samsung Group cũng như gây bất ổn hơn nữa cho bộ máy lãnh đạo của công ty lớn nhất Hàn Quốc này. Cha của Jay Y. Lee, Chủ tịch Lee Kun-hee, đã phải nhập viện kể từ khi bị đau tim hồi năm 2014. Samsung giờ đây phải đối mặt với thảm hoạ thứ 2 chỉ trong vòng ít tháng, sau khi hãng buộc phải thu hồi lẫn dừng sản xuất Galaxy Note 7 do lỗi cháy nổ. 

"Nếu Lee bị bắt giữ, điều này sẽ gây ảnh hưởng tới danh tiếng của Samsung cũng như nền kinh tế Hàn Quốc nói chung. Samsung là công ty đại diện cho nền kinh tế của quốc gia này" - Park Sang-in, Giáo sư Kinh tế trường Quản trị công thuộc Đại Học Quốc gia Seoul nhận xét. 

Các công tố viên sẽ tiếp tục điều tra 3 lãnh đạo khác của Samsung, bao gồm Phó Chủ tịch Văn phòng Chiến lược Samsung Corporate Choi Gee-sung, Chủ tịch Chang Choong-ki và Chủ tịch Samsung Electronics Park Sang-jin. Tuy nhiên, không có lệnh bắt giữ nào được áp dụng cho 3 lãnh đạo này. 

Vụ bê bối của Tổng thống Hàn Quốc đã xảy ra nhiều tháng qua, với việc hàng triệu người dân nước này xuống đường yêu cầu đòi Tổng thống Park từ chức. Các nhà làm luật đã đặt câu hỏi cho những nhân vật lãnh đạo trong tập đoàn Samsung rằng liệu có phải họ bị gây áp lực để chi tiền cho các tổ chức do Choi nắm quyền hay không. Trong những tuần gần đây, các nhà điều tra lại tập trung làm sáng tỏ nghi vấn liệu có phải Samsung đã chi tiền để nhận được sự chống lưng của một quỹ Hưu trí Hàn Quốc cho một cuộc sáp nhập gây tranh cãi hồi năm 2015. 

Giới công tố viên cũng tập trung làm rõ những khoản hối hộ của Samsung với Choi Soon-sil, gồm con ngựa trị giá hơn 800.000 USD cho con gái bà này cùng hàng triệu USD chi phí dạy cưỡi ngựa. Đổi lại, Samsung muốn được chống lưng để cuộc chuyển đổi quyền lực từ người cha sang lãnh đạo trẻ Jay Y. Lee diễn ra êm xuôi. 

Một câu hỏi quan trọng là liệu chính quyền có gây áp lực cho quỹ Hưu trí quốc gia để hỗ trợ cho cuộc sáp nhập gây tranh cãi giữa 2 công ty thuộc Samsung Group (Cheil Industries Inc. và Samsung C&T Corp) hay không. Cuộc sáp nhập được phê chuẩn năm 2015 và tạo điều kiện để Lee có sức ảnh hưởng trong tập đoàn. Việc sáp nhập Cheil và C&T khi đó vấp phải sự phản đối của nhà đầu tư tích cực Paul Elliott Singer, tuy nhiên, sự phản đối này không mang lại kết quả gì đáng kể. 

Các công tố viên đặc biệt trước đó đã bắt giữ Moon Hyung-pyo, cựu chủ tịch quỹ Hưu trí. Moon thừa nhận ông đã gây áp lực cho các lãnh đạo quỹ để hỗ trợ cho vụ sáp nhập 2 công ty con trên, theo công bố của công tố viên hồi tháng trước. Trước đó, các công tố viên cũng buộc tội Moon lạm dụng quyền lực của mình cùng tội khai man trước toà.