Bỏ qua những lùm xùm trong thời gian gần đây liên quan tới vụ việc Công ty Dược phẩm Hoa Linh cùng "chiến thần" livestream Võ Hà Linh, người tiêu dùng cho rằng họ có nhiều cơ hội để mua được sản phẩm tốt với mức giá hời hơn so với trước kia. Tuy nhiên, số khác khẳng định, họ vẫn cần duy trì sự tỉnh táo trước mỗi quyết định mua hàng nếu không muốn mắc phải những phiền toái không đáng có.

Vài ngày gần đâu, câu chuyện ồn ào liên quan đến một nhãn hàng hóa mỹ phẩm là Dược phẩm Hoa Linh trở thành vấn đề được cộng đồng kinh doanh, người tiêu dùng và những người làm nghề truyền thông, thương hiệu quan tâm hơn cả.

Cụ thể, trong sự kiện bán hàng livestream vào tối 4/4 trên kênh TikTok của mình, Võ Hà Linh (một TikToker có sức ảnh hưởng lớn) đã tuyên bố triển khai chương trình quảng bá sản phẩm với giá sốc là 11.000 đồng và 18.000 đồng khiến cộng đồng các nhà thuốc đồng loạt phản ứng gay gắt do hiện nay họ đang phân phối hai sản phẩm trên với giá 71.000 đồng và 76.000 đồng. Mặc dù sau đó Hà Linh giải thích mức giá trên chỉ áp dụng khi mua combo và Dược phẩm Hoa Linh đã công khai gửi thư xin lỗi các nhà thuốc và nhà phân phối nhưng vẫn chưa xoa dịu được dư luận.

Livestream cùng sự kiện khuyến mãi khủng của "chiến thần tóp tóp" kết hợp với Dược phẩm Hoa Linh đạt lượt view khủng. (Ảnh chụp màn hình)

Hiện tại, nhiều cảm xúc và ý kiến trái chiều về vụ việc vẫn tiếp tục được đưa ra và những dư âm của buổi livestream đang có tác động trực tiếp tới nhãn hàng và KOC. Nói vậy để thấy, dù phương thức kinh doanh được coi là "tuyệt chiêu thời 4.0" có thể là "con dao 2 lưỡi" cho cả doanh nghiệp lẫn KOC nhưng chúng ta không thể phủ nhận, với sự bùng nổ từ các nền tảng social media cho đến các sàn thương mại điện tử, KOC đã thực sự thổi vào chiến dịch marketing một làn sóng mới mẻ.

Nở rộ trào lưu KOC livestream bán hàng

KOC là viết tắt của cụm từ Key Opinion Consumer - người tiêu dùng chủ chốt. Hay nói cách khác, họ là những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng trên thị trường, có nhiệm vụ chính là dùng thử các sản phẩm, dịch vụ có mặt trên thị trường sau đó đưa ra những nhận xét, đánh giá của mình mang tính chuyên môn và khách quan nhất.

Người tiêu dùng được gì từ "làn sóng" KOC? - Ảnh 3.

Bán hàng livestream là trào lưu mới nổi, được xem là rất hiệu quả trong thời đại công nghệ số. (Ảnh minh họa)

Trong thời đại 4.0, khách hàng có vô vàn sự lựa chọn nhưng không vì thế mà họ cảm thấy hoang mang hay sợ hãi; ngược lại, người tiêu dùng ngày càng mua sắm thông thái hơn trước đây rất nhiều.

Trước mỗi quyết định mua hàng, hầu hết người tiêu dùng đều luôn bắt đầu bằng việc tìm kiếm thông tin sản phẩm một cách kỹ lưỡng và nhu cầu này cũng chính là lý do mà thế hệ KOC ra đời.

Trên thực tế, phương thức kinh doanh này đã và đang cho thấy khả năng phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu. Bằng chứng là trong thời gian gần đây, người dùng mạng xã hội hay các công cụ mua sắm trực tuyến có lẽ đã vô cùng quen thuộc với sự xuất hiện các clip livestream bán đủ các loại mặt hàng, từ quần áo, giày, kính thời trang, mỹ phẩm cho tới các mặt hàng ít phổ biến hơn như dụng cụ gia đình, dụng cụ làm bếp, chăn ga gối đệm,...

Theo thống kê 80% người dùng khẳng định, họ thích xem livestream hơn một bài đăng thông thường. Đặc biệt khi tệp khách hàng phổ biến hiện nay của livestream là GENZ, xu hướng livestream bán hàng lại càng được ưa chuộng.

Tại Việt Nam, thống kê doanh thu từ 4 sàn thương mại điện tử lớn từ đầu năm đến nay tăng 150%, trong đó có "công lớn" từ bán hàng livestream.

Trước những kết quả tăng trưởng đáng kinh ngạc từ 1 trào lưu nở rộ như thế, đương nhiên nhãn hàng và KOC sẽ gặt hái được nhiều lợi ích từ danh tiếng cho tới doanh thu.

Vậy, người tiêu dùng - những người đóng vai trò cốt lõi, trực tiếp đem lại doanh thu cho nhãn hàng và KOC sẽ cảm thấy như thế nào? Họ được gì từ sau những buổi livestream của các KOC?

Người tiêu dùng được gì từ "làn sóng" KOC?

Vài năm trở lại đây, Lê Trang (29 tuổi, Long Biên, Hà Nội) thường xuyên theo dõi các kênh livestream bán quần áo và mỹ phẩm để thuận tiện mua sắm trực tuyến do quỹ thời gian eo hẹp.

Người tiêu dùng được gì từ "làn sóng" KOC? - Ảnh 4.

Lê Trang cho rằng, giữa bạt ngàn sản phẩm trên thị trường, nếu không thực sự có quá nhiều hiểu biết về chất lượng của chúng thì KOC có thể chính là 1 điểm tựa niềm tin khá an toàn. Ảnh: NVCC

"Bây giờ muốn mua gì cũng rất đơn giản và nhanh chóng. Quả thực, nhiều khi tôi cũng chỉ vô tình lướt điện thoại, xem livestream bán hàng như 1 thú vui nhưng cũng dễ dàng chốt đơn dù lúc ấy chẳng có nhu cầu", Trang nói.

Gần đây, Trang vừa đặt mua quần áo, giày dép hè cùng một loạt đồ trang trí nhà cửa và 1 ít thực phẩm chế biến sẵn. Tất cả đều bán qua livestream với những lời quảng cáo "có cánh". Trang cũng cho biết thêm, đa số Trang mua hàng vì người livestream là KOC mà Trang yêu thích và tin tưởng. Trang cũng khẳng định, nhiều khi nhấn nút mua hàng khi còn chưa tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, chất lượng.

"Hầu hết mình đều mua của những bạn KOC khá nổi trên thị trường và vì cảm thấy tin tưởng nên mới chọn. Nhiều khi nhận hàng về mình bóc ra và dùng luôn vì nghĩ nếu có vấn đề gì thì chắc chắn có thể phản hồi hoặc... bắt đền được." - Trang cho biết.

Trong khi đó, chị Thanh Hương (36 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, chị lựa chọn mua hàng trên livestream vì được trực tiếp tương tác với shop, được hỏi han và cảm nhận rõ hơn về tính năng, công dụng cũng như nghe các lời nhận xét, đánh giá của KOC.

Người tiêu dùng được gì từ "làn sóng" KOC? - Ảnh 5.

Không chỉ được đánh giá và cảm nhận chất lượng của sản phẩm mà Thanh Hương cũng tiết kiệm được khá nhiều tiền sau các buổi KOC livestream bán hàng. Ảnh: NVCC

"Nhờ livestream, mình được "nhìn" và cảm nhận rõ hơn sản phẩm thật và nghe các lời nhận xét, đánh giá sản phẩm từ các chuyên gia, người nổi tiếng hoặc từ chính những người mua trước đây rồi từ đó có thể đưa ra quyết định của mình mà không cần mất công đi tới tận nơi." - Chị Thanh Hương cho biết.

Không chỉ thế, chị Thanh Hương cũng nhấn mạnh, mua hàng qua livestream rất nhanh chóng và đơn giản.

"Nhiều lần, hôm trước đặt hàng thì ngay hôm sau mình đã nhận được hàng rồi. Theo dõi vài lần thì biết các bạn ấy không chỉ livestream hay chốt đơn qua giấy tờ, sổ sách, phần mềm mà còn đóng gói hàng để vận chuyển ngay lúc đó nên mới nhanh như vậy" - chị Thanh Hương nói thêm.

Ngoài ra, do các KOC thường kết hợp được với các nhãn hàng nên có nhiều ưu đãi tốt về giá cho người dùng nên chị Thanh Hương cũng cho biết mình tiết kiệm được khá nhiều tiền.

"Mua sắm thông qua livestream giúp mình có cơ hội nhận được nhiều ưu đãi như: freeship nếu đặt hàng ngay trong livestream, mua 1 tặng 1 hay các combo sản phẩm..." - Thanh Hương chia sẻ.

Đơn giản hơn, Ngọc Anh (21 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) thừa nhận mua hàng qua livestream vì đam mê thần tượng nên muốn ủng hộ, tương tác trực tiếp với họ.

Người tiêu dùng được gì từ "làn sóng" KOC? - Ảnh 6.

Ngọc Anh thừa nhận đã có lần thất vọng dù mua hàng từ chính "thần tượng" của mình livestream. Ảnh: NVCC

"Mình thường chỉ hay xem livestream của thần tượng nên thần tượng bán gì thì mình mua đó. Vậy nên đa số chỉ là quần áo và 1 số loại mĩ phẩm.

Được tương tác và ủng hộ cho người mình thích là vui rồi!" - Ngọc Anh chia sẻ.

Khi được hỏi về thói quen kiểm tra lại chất lượng sản phẩm sau khi nhận hàng, Ngọc Anh cho biết cô bạn lựa chọn đặt niềm tin vào "thần tượng" của mình.

"Mình nghĩ là những người nổi tiếng cũng sẽ có trách nhiệm với chính lời nói của mình nên mình cũng khá tin tưởng vào chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, thực ra cũng có 2 lần mình mua hàng nhưng chất lượng không được như quảng cáo.

Trong đó 1 lần mua combo khuyến mãi thì nhận phải hàng cận date trong khi quảng cáo tất cả đều là hàng mới sản xuất. Còn 1 lần khác thì mua phải áo phông nhưng chất rất xấu, nóng và mỏng trong khi giá không hề rẻ." - Ngọc Anh nói tiếp.

Dù mua hàng của chính "thần tượng" và những người nổi tiếng mà cô bạn vô cùng tin tưởng và yêu thích nhưng Ngọc Anh cũng đã có lần phải thất vọng vì chất lượng sản phẩm nhận được.

Bán hàng online hay livestream đang trở thành xu thế chung. Tuy nhiên việc này cũng khiến không ít người, trong đó có Ngọc Hậu (sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) thấy rất phiền mỗi khi lướt mạng xã hội. Cô bạn cho rằng việc bán hàng online đang bị lạm dụng quá nhiều, làm mất thời gian và tạo cảm giác khó chịu cho người dùng ngay cả khi họ không quan tâm đến các mặt hàng đó.

"Các video livestream không chỉ có âm lượng rất to mà để thu hút sự chú ý của khách hàng, nhiều người bán hàng còn ăn mặc phản cảm hoặc sử dụng nhiều phát ngôn gây sốc. Chưa kể, bây giờ, trong 1 phiên livestream, mình thấy đâu chỉ có 1 người bán đâu, mà có tới 3-4 người, thậm chí nhiều hơn và sử dụng rất nhiều công cụ hỗ trợ, gây ồn ào, khó chịu vô cùng. Cách này mình thấy ngay cả các KOC cũng áp dụng rất nhiều." - Ngọc Hậu bày tỏ.

Theo Thể thao & Văn hóa