Nữ sinh 17 tuổi tên Hawon buộc phải tham gia trại cai nghiện Internet vì hội chứng nghiện xem Youtube. Cô gái dành đến 18 tiếng một ngày không ngừng nghỉ để xem các video.
“Điện thoại trở thành vật bất ly thân, em mang theo kể cả lúc ngồi bàn ăn đến lúc tắm rửa. Trong đầu, em nghĩ mình chỉ dành tối đa một tiếng nhưng cứ video này lại nối video khác. Quá khó để dừng lại”, Hawon kể lại.
Cô gái cho hay cuộc sống ở Hàn Quốc đối mặt với vô vàn áp lực, đặc biệt là với thế hệ thanh thiếu niên. Việc sử dụng smartphone được coi là cách hữu hiệu để giảm tải cảm giác căng thẳng.
Với bản thân Hawon, vùi mặt vào mạng xã hội hay Youtube khiến cô gái cảm thấy hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, nhiều hệ quả tiêu cực cũng nảy sinh từ đó.
“Smartphone và Internet ảnh hưởng nhiều đến kết quả học tập. Em thường xuyên buồn ngủ trên lớp và nổi cáu vô cớ với mọi người. Ngay cả khi bạn bè tụ tập, bọn em đều chúi mũi vào điện thoại, hiếm khi nói chuyện với nhau”, Hawon chia sẻ.
Hawon sớm nhận ra những vấn đề mình gặp phải. Cô tìm đến một trại cai nghiện để cố gắng chấm dứt tình trạng.
“Em không muốn trở thành ‘nô lệ’ của Internet. Thế giới xung quanh còn rất nhiều thứ hơn là cứ cắm đầu mãi vào màn hình di động”, Hawon cho hay.
Hàn Quốc là nước có hệ thống Internet phát triển hàng đầu nhưng hệ quả đi kèm là một bộ phận thanh thiếu niên nước này trở thành con nghiện game, mạng xã hội. Ảnh: Business Insider. |
Hawon chỉ là một trong mười cô gái có mặt tại một trại cai nghiện Internet nằm ở tỉnh Muju (Hàn Quốc). Tất cả đều đang đau đầu vật lộn, tìm cách tránh xa điện thoại di động.
Zing.vn tổng hợp bài đăng trên BBC, Reuters và Business Insider, đề cập đến câu chuyện nghiện Internet, smartphone phổ biến đối với thế hệ người trẻ tại Hàn Quốc và những nỗ lực của chính phủ nước này để cải thiện tình hình, trong đó những trại cai nghiện điện thoại di động được nhiều thanh niên tìm đến.
Cả nước đau đầu vì chứng nghiện Internet
Hàn Quốc là quốc gia có hệ thống Internet phát triển hàng đầu với hai phần ba dân số sở hữu điện thoại thông minh.
Song, hệ quả đi kèm là chứng nghiện game, nghiện mạng xã hội ngày càng nghiêm trọng.
“Tôi dành trung bình 88 giờ mỗi tuần để chơi trò chơi điện tử. Ngoài việc ăn ngủ, tắm rửa, cuộc sống của tôi diễn ra trước màn hình vi tính”, một thanh niên giấu tên cho hay.
Khi được hỏi về kế hoạch học tập hay việc làm sau này, chàng trai lắc đầu cho hay: “Tôi hoàn toàn không có dự định gì”.
Các game thủ nghiện chơi trò chơi thường xuyên trong tình trạng thiếu ngủ, tâm trạng khó lường, không ít người từng chơi quá nhiều mà rơi vào trạng thái co giật.
Những câu trả lời như thế khiến chính phủ Hàn Quốc sợ hãi, nhất là trong bối cảnh con số nghiện Internet ngày một tăng cao.
Theo một khảo sát của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc vào năm ngoái, khoảng 196.000 thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12-17 tại nước này xếp loại “phụ thuộc quá mức” vào việc sử dụng điện thoại thông minh và Internet.
"Nữ giới có xu hướng có nguy cơ nghiện Internet cao hơn. Họ có thói quen dành hàng giờ liên tục để chơi game trên thiết bị di động và tiêu thụ nội dung trên các nền tảng chia sẻ video", báo cáo chỉ ra.
Theo thống kê, số lượng người trẻ Hàn nghiện smartphone ngày càng tăng cao. Ảnh: The Epoch Times. |
Vào năm 2011, chính phủ Hàn Quốc thông qua “Luật cô bé Lọ Lem”, nhằm ngăn chặn thiếu niên dưới 16 tuổi truy cập các web chơi game trực tuyến sau nửa đêm.
Tuy nhiên, người trẻ dễ dàng lách luật nhờ sử dụng tài khoản của cha mẹ hay người thân lớn tuổi hơn.
Lee Jae Won, bác sĩ phẫu thuật thần kinh tại Bệnh viện Gangnam (Seoul) cho hay chơi game trực tuyến chiếm khoảng 90% các trường hợp nghiện Internet ở Hàn Quốc.
“Em từng chơi máy tính 7 giờ liên tiếp một ngày, thậm chí qua đêm nếu bố mẹ đi du lịch”, cô bé 14 tuổi tên Kim thừa nhận.
Bên trong các trại cai nghiện
Cha mẹ Kim từng đưa con gái đến các lớp học nghệ thuật, trị liệu âm nhạc khác nhau để giúp con thoát khỏi cơn nghiện smartphone.
Song, không cái nào đem lại kết quả như mong muốn. Cuối cùng, Kim được đưa đến một trung tâm chuyên về cai nghiện Internet.
Nữ sinh 17 tuổi tên Hawon buộc phải tìm đến trại cai nghiện Internet sau quãng thời gian dài dành đến 18 tiếng một ngày để xem Youtube. Ảnh: BBC. |
Tại đó, cô bé được học làm quen với những con ngựa và cách cưỡi chúng để chữa chứng rối loạn cảm xúc và hành vi.
“Học cưỡi ngựa khiến em quan tâm hơn làm sao để kỹ năng tốt hơn. Điều đó giúp em không còn hứng thú với việc vùi đầu vào máy tính nữa”, Kim cho hay.
Cha mẹ Kim hài lòng với kết quả. “Sau khi trị liệu, con bé hầu như không truy cập Internet. Ngay cả khi làm thế, nó cũng sẽ hứa với tôi về giới hạn thời gian sử dụng”, mẹ cô bé cho biết.
Còn với Hawon, ngày đầu tiên tại trại thực sự là một nỗi ác mộng.
Bị tịch thu điện thoại, nữ sinh 17 tuổi cảm thấy không thể vượt qua cảm giác không được lên mạng.
Tae Joon Kim, nhân viên tại trại, giải thích rằng người trẻ khi bắt đầu cai nghiện smartphone luôn phải đấu tranh tư tưởng và chật vật rất lâu.
Tại trại cai nghiện của Hawon, các quy tắc rất nghiêm ngặt và người trẻ hoàn toàn bị cách ly khỏi điện thoại.
Ngay từ lúc bắt đầu điều trị, người tham gia bắt buộc phải bàn giao tất cả các thiết bị điện tử, kể cả những vật dụng như máy làm tóc.
Nhiều ngày trôi qua, Hawon cũng dần quen với cuộc sống thiếu vắng các video chia sẻ trên mạng.
Để cai nghiện Internet, người trẻ buộc phải giao nộp tất cả các thiết bị điện tử. Ảnh: BBC. |
Cô gái dần học các kỹ năng cần thiết để tách biệt với thế giới trực tuyến và cách không phụ thuộc quá nhiều vào không gian mạng.
Bên cạnh đó, trại tập trung vào việc giúp thanh thiếu niên cảm thấy tự tin vào giá trị bản thân nếu không có thiết bị smartphone trong tay.
Các buổi học làm thủ công, chơi thể thao, trò chơi vận động và các hoạt động thực tế được thiết kế để người trẻ tuổi bước ra khỏi thế giới “ảo” và trở lại cuộc sống thực.
Những buổi tư vấn cũng được tổ chức riêng để người trẻ nói lên vấn đề của mình, từ đó giúp các cố vấn đưa ra lời khuyên hợp lý về việc ngưng sử dụng điện thoại.
“Ở đây, chúng tôi cố gắng cung cấp các lựa chọn thay thế cho trò chơi và mạng xã hội. Mục đích của các lớp học là giúp người trẻ cảm thấy hạnh phúc và thoải mái thực sự, thay vì chỉ vui vì nhận được nhiều lượt ‘like’ hay chiến thắng một ván game”, quản lý trại Yong Chul Shim kết luận.
Mỗi quá trình cai nghiện thường kéo dài từ 1-4 tuần, tùy thuộc theo mức độ nghiêm trọng của “người bệnh”. Kể từ năm 2014, hơn 1.200 thanh niên đã tham dự những trại cai nghiện Internet giống như Hawon.
“Em hy vọng khi rời trại, em sẽ thành công trong việc giảm lượng thời gian sử dụng xem video trực tuyến. Thay vào đó, em sẽ dành thêm nhiều thời gian để ở bên gia đình”, Hawon thổ lộ.