“Không ngại làm thân… dã tràng”

Nguyễn Tố Uyên, sinh viên trường ĐH Văn hóa – thành viên của nhóm chia sẻ: “Việc làm của chúng em được những người ủng hộ thì động viên, những người không ủng hộ thì thấy “ngứa mắt” và thậm chí còn buông lời khó nghe là bọn “dỗi hơi”; còn cũng không ít người nhìn chúng em với sự nghi ngại và cho rằng khác gì thân “dã tràng”.

Thực sự đôi lúc cũng có bạn nghĩ rằng “chúng ta đang làm gì thế này” khi vừa dọn rác xong, chỉ vài tiếng sau quay lại đã… như cũ. Rác thải lại bị vứt bừa bãi một cách vô ý thức ngay dưới các tấm biển cảnh báo “Cấm đổ rác” hoặc “Giữ gìn vệ sinh chung” hay “Chung tay bảo vệ môi trường”. Hình ảnh “dã tràng se cát Biển Đông” khiến nhiều thành viên cũng đến và đi, tham gia mới cũng có nhiều mà bỏ cuộc sớm cũng không ít”, Uyên tâm sự.

Theo ghi nhận của phóng viên VietNamNet, hình ảnh những bạn sinh viên mặc áo tình nguyện hoặc mặc áo của Câu lạc bộ/Nhóm “Người Việt Nam không vứt rác bừa bãi” ngày càng quy tụ được đông đảo các thành viên tham gia. Họ xuất hiện tại nhiều điểm nóng của Thủ đô, cần mẫn dọn vệ sinh hay nhặt rác rồi thu gom tập trung về các bãi phế liệu, xe đổ rác công cộng.

7 nguoi viet ko vut ra bua bai.jpg
Các thành viên “Người Việt Nam không vứt rác bừa bãi” đang thu gom rác tại đường ven hồ Linh Đàm. 

Nhiều tuyến đường hoặc công viên được các bạn trẻ này làm vệ sinh đã trở lên sạch sẽ và gọn gàng hơn khiến những người lớn tuổi dần thay đổi thái độ và có cảm tình. Bác Nguyễn Thị Hòa, cư dân Khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai cho biết: Cứ cuối tuần tôi lại thấy các cháu sinh viên đi nhặt rác ven hồ/ bán đảo Linh Đàm. Những vỏ lon, túi giấy nilon hay rác thải bị vứt bừa bãi vệ đường, vườn hoa hay dưới mép hồ được các cháu thu gom cẩn thận, việc làm ý nghĩa này khiến những người dân trực tiếp sống ở đây như chúng tôi rất biết ơn.

“Hàng ngày chúng tôi đi tập thể dục buổi sáng hoặc buổi chiều quanh hồ, khi thấy những người dừng xe hóng gió hoặc nghỉ ngơi. Nhưng khi dời đi thì họ thiếu ý thức bỏ lại nào là đầu thuốc lá, vỏ lon nước, vỏ chai nhựa, thức ăn thừa… ngay chỗ họ vừa ngồi rất phản cảm và mất vệ sinh. Ban đầu để có chỗ ngồi chúng tôi cũng dọn dẹp qua, nhưng sau này thấy cũng… oải. Thế nhưng, khi nhìn những cháu sinh viên từ nơi khác đến làm "cái công việc" mà người đời gọi là “dở hơi” kia khiến chúng tôi cũng phải nhìn lại trách nhiệm của chính mình”, bà Hòa thừa nhận.

Nên xử lý căn cơ của vấn nạn

Nhìn nhận dưới góc độ Tâm lý học, TS Tâm lý học Mai Văn Hải cho rằng, việc các em sinh viên với sự nhiệt tình của tuổi trẻ tình nguyện xông pha vào các điểm nóng, tình nguyện các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ cộng đồng hay bảo vệ môi trường là nét đẹp rất đáng ghi nhận. Nhưng cũng phải nhìn nhận từng vấn đề để có cách giải quyết căn cơ, thay vì "người xây kẻ phá" trong bất cứ hoạt động tập thể vì cộng đồng nào, bởi nếu không sẽ khiến chính người người trong cuộc hoài nghi ý nghĩa của những việc làm tốt đẹp ấy.

TS Hải ví dụ: “Nếu các em sinh viên đi nhặt rác ở khu vực nào đó, được chính quyền và người dân sở tại hưởng ứng tham gia cùng. Không những thế, từ hoạt động dọn dẹp vệ sinh này cộng đồng dân cư nơi ấy tham gia vào bảo vệ môi trường chung, vận động người dân tham gia tự dọn dẹp vệ sinh môi trường nơi họ sống thì sẽ giải quyết được 2 vấn đề: 1-Các bạn sinh viên sẽ giảm được 1 "điểm nóng" về môi trường; 2-Cộng đồng dân cư nơi ấy xây dựng được thói quen có trách nhiệm với chính môi trường sống của họ.

Còn với xã hội, khi ý thức của từng cá nhân thay đổi, của cộng đồng dân cư được nâng cao thì chuyện xả rác bừa bãi sẽ không còn, những nơi rác thải ngập ngụa như hiện nay sẽ được giảm thiểu. Đặc biệt, những cá nhân vô ý thức có thói quen vứt rác bừa bãi sẽ bị cả cộng đồng có cái nhìn “miệt thị”, qua đó tạo được sức ép khiến họ thay đổi hành vi và trở lên văn minh hơn. Chứ nếu hoạt động vì cộng đồng của các em mang tính tự phát, để rồi dọn vệ sinh nhưng cộng đồng cư dân nơi ấy chẳng biết ơn, không thay đổi nhận thức thì đúng là việc làm của các em thực sự không khác… dã tràng là mấy”.

Quay lại với nhóm “Người Việt Nam không vứt rác bừa bãi”, chúng tôi sẽ có bài viết chuyên sâu về lí do các bạn trẻ này đang cần mẫn thực hiện, không ngại khó khăn và họ đã áp dụng mạng xã hội ra sao để lan tỏa ý nghĩa công việc mình đang làm tới cộng đồng, qua đó vận động người dân Thủ đô nói riêng, người Việt Nam nói chung chung tay bảo vệ môi trường mà mình đang sinh sống hiện nay.

Thanh Hùng và nhóm PV, BTV