Tự hào truyền thống, ngôn ngữ dân tộc

Người Việt sinh sống, học tập và làm việc tại Romania có lẽ ít hơn so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, những năm qua, cộng đồng người Việt ở đây đã có nhiều hoạt động sôi nổi, tương trợ nhau trong phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, nhất là việc lưu truyền tiếng Việt trong cộng đồng ngày một lan toả mạnh.

Bà con người Việt ở Romania sinh sống chủ yếu tại Thủ đô Bucharest và một số vùng lân cận. Nghề nghiệp chính của bà con là kinh doanh tại các chợ, trung tâm thương mại, trong đó tập trung đông nhất tại chuỗi trung tâm thương mại Dragonul Rosu ở Bucharest.

Hiện, cộng đồng đã hội nhập tương đối sâu vào đời sống xã hội Romania, đồng thời có đóng góp không nhỏ cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc Việt Nam và Romania.

Hội người Việt Nam tại Romania được thành lập từ đầu những năm 1990 và thực sự là cầu nối đoàn kết của cộng đồng người Việt nơi đây. Vào tất cả các ngày lễ lớn của dân tộc, Hội đều tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao để bà con có dịp gặp gỡ, chuyện trò và chia sẻ với nhau về công việc và cuộc sống. Qua đó bà con càng thêm gắn bó, yêu thương nhau.

Đặc biệt, Hội luôn chú trọng, quan tâm đến công tác bảo tồn tiếng nói, ngôn ngữ Việt thông qua tổ chức lớp học tiếng Việt cho trẻ em. Nhờ đó, các em nhỏ, dù sinh ra và lớn lên tại Romania nhưng vẫn nói giỏi tiếng Việt và hiểu những nét truyền thống, văn hoá của dân tộc.

Các thế hệ người Việt sau này tại Romania đều trưởng thành hơn, có học vị, học thức nhưng các em, các cháu đều hướng về cội nguồn, yêu quý và cùng gìn giữ văn hóa Việt với ông bà, cha mẹ. 

Người Việt Nam ở Romania đã và đang hưởng ứng tích cực phong trào dạy và học tiếng Việt, thể hiện qua việc thường xuyên cử người tham gia khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài và duy trì lớp học Hè tiếng Việt hằng năm cho con em cộng đồng từ năm 2001 đến nay.

Ngày 9/9/2023, Đại sứ quán Việt Nam tại Romania và Hội người Việt Nam tại Romania đã tổ chức lễ Tôn vinh tiếng Việt với ước vọng chung làm theo lời Bác Hồ, để cho tiếng Việt “là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc, được phổ biến ngày càng rộng khắp”.

romania-2.jpg
Em Anh Thư - một trong những đại biểu tham dự Trại hè Việt Nam 2023 phát biểu cảm nghĩ trong lễ Tôn vinh tiếng Việt ngày 9/9 ở Romania. 

Theo Đại sứ Đỗ Đức Thành, năm qua, truyền thống “tôn vinh tiếng Việt” của cộng đồng tiếp tục được duy trì và phát triển, các lớp học tiếp tục được tổ chức vào mỗi dịp hè, chất lượng khóa học được nâng cao; nhiều hoạt động văn hóa góp phần tôn vinh tiếng Việt được duy trì thông qua các hoạt động truyền thống như Tết cộng đồng, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc…

Cộng đồng tham gia tích cực vào các hoạt động tôn vinh tiếng Việt do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phát động; đoàn các cháu về tham gia Trại hè Việt Nam 2023 đã trở thành 5 “Sứ giả nhí tiếng Việt ở Romania”.

Đại sứ nhấn mạnh, thời gian tới Đại sứ quán tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cộng đồng trong phong trào dạy và học tiếng Việt, cụ thể là đặt hàng trong nước một số ấn phẩm sách, truyện thiếu nhi làm sách tham khảo cho lớp học tiếng Việt… để các hoạt động tôn vinh tiếng Việt được tiếp tục duy trì thường xuyên.

Tại buổi lễ, các em học sinh lớp tiếng Việt và các thanh thiếu niên tham gia Trại hè Việt Nam 2023 đã phát biểu cảm nghĩ, dành nhiều tình cảm cho tiếng Việt và đất nước Việt Nam.

Nâng cao ý thức giữ gìn tiếng mẹ đẻ

Anh Đặng Xuân Lộc đã có thời gian dài sinh sống ở Romania. Theo lời anh kể, anh sang Romania từ năm 1994, lúc đó số lượng cộng đồng người Việt ở Romania chưa đến 70 người, kể cả cán bộ nhân viên Đại sứ quán và du học sinh.

Lúc mới sang, anh sinh sống và học tập ở tỉnh lẻ cách Thủ đô Bucharest khoảng 120km. Khu vực đó không có ai ngoài anh là người Việt Nam và thông tin liên lạc về quê nhà khi ấy rất khó khăn nên anh gần như không có cơ hội nói tiếng Việt. Cả năm anh mới gọi điện về nhà một lần, cũng như mới có một cuộc đoàn tụ cùng cộng đồng ở Đại sứ quán. Bởi vậy, khả năng nói tiếng Việt của anh ngày càng kém đi.

W-20230820-100936-2.jpg
Anh Lộc (áo kẻ) tham gia hoạt động nhóm trong khóa Tập huấn phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở Việt Nam. 

Vì nhiều lý do khách quan, mãi 14 năm sau anh mới có dịp quay lại Việt Nam. Lúc này, anh đã kết hôn, vợ anh là người Romania. Vợ chồng anh sinh được 2 người con. 

Do lâu không có nhiều cơ hội sử dụng tiếng Việt nên anh bị hạn chế khi giao tiếp tiếng Việt với người thân. Điều này khiến anh gặp nhiều trăn trở và xung đột trong nội tâm. Anh tự hỏi: “Mình sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nhưng sang đất nước khác nhiều năm đã dần bị mai một tiếng Việt. Con mình sau này có nguy cơ quên đi cội nguồn vì không nói được tiếng Việt.

Vì vậy anh thường xuyên giao tiếp, tự trau dồi lại vốn tiếng Việt của mình, đồng thời dạy các con nói tiếng Việt. Với mong muốn đưa tiếng Việt lan tỏa đến bạn bè quốc tế, anh còn tạo lập, đầu tư, hoàn thiện và phát triển các trang website nhằm hỗ trợ nguồn sách dạy tiếng Việt cho con em ở nước ngoài, đồng thời tài trợ và tham gia tổ chức giảng dạy các lớp học tiếng Việt trong kỳ nghỉ hè cho con em trong cộng đồng người Việt tại Romania.

Bên cạnh các công việc dịch sách, viết sách tại châu Âu, anh Lộc quan tâm đến việc liên kết nhằm xuất khẩu các đầu sách, phân phối sách bản quyền, ra mắt sách, ủng hộ các tác giả viết bằng tiếng Việt như cuốn Hồ Chí Minh-Vĩ đại một con người của GS Trần Văn Giàu (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật), Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và Việt Nam của TS Vương Tuấn Việt (Nhà xuất bản Thế giới)…

Anh còn tổ chức các lớp học tiếng Việt cho cộng đồng học võ thuật Việt Nam cùng với công dân bản địa tại Romania và châu Âu nhằm phát triển hơn nữa tiếng mẹ đẻ ở nước ngoài.

“Ngoài lao động, học tập chăm chỉ khi sinh sống ở nước ngoài, tôi thấy bản thân mỗi kiều bào cần nâng cao ý thức giữ gìn tiếng mẹ đẻ. Chúng ta làm vậy không phải chỉ cho vài người mà cho cả một cộng đồng và rất nhiều thế hệ kiều bào sau này. Điều đó rất có ý nghĩa và mang tính tự tôn, tự hào dân tộc. Con chim còn tìm về tổ sau khi bay xa, con người cũng vậy, có cội nguồn và gốc rễ”, anh Lộc nhấn mạnh. 

Trao đổi về các lớp học tiếng Việt mùa hè tại Romania, anh Lộc cho biết, dịp hè năm nay, lớp học tiếng Việt được tổ chức với sự tham gia của 40 em học sinh, chia làm ba lớp theo trình độ khác nhau.

Dù thời gian không dài, nhưng các lớp học đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong cộng đồng. Thế hệ trẻ kiều bào tại đây đã có những ngày Hè thật vui và bổ ích, nắm vững hơn tiếng Việt, hiểu biết thêm về văn hoá Việt Nam và qua đó thêm yêu quý đất nước, con người quê nhà.

Anh Lộc chia sẻ thêm: “Theo tôi, để tiếng Việt lan toả rộng và sâu hơn ở Romania thì cần có sự tham gia, hỗ trợ của các cơ sở giáo dục ở nước sở tại; đồng thời tăng cường giải pháp như lồng ghép vào các ngày lễ, các chương trình quảng bá của các tổ chức cộng đồng và Đại sứ quán…

Các lớp học tiếng Việt hiện nay ở Romania mới chỉ tổ chức vào dịp hè nên thời gian tới cần duy trì các lớp học dài hạn có tính thường xuyên hơn, cùng với việc nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn cho các giáo viên, tình nguyện viên”.

Anh cho rằng, việc tổ chức ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (8/9) hằng năm là một sự kiện rất có ý nghĩa cho việc nâng cao ý thức gìn giữ và tôn vinh giá trị của tiếng mẹ đẻ với cộng đồng.

Nguyễn Quang Phong, Phùng Thu Thủy, Nguyễn Thu Hà