"Người Việt nên tập hợp nhau lại thành sức mạnh, tập trung đầu tư, kinh doanh một cách bài bản, thực sự minh bạch trong làm ăn, thuế má, trong quan hệ với chính quyền sở tại." - ông Trần Đăng Chung, chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga.
>> Kỳ 1: Tượng Thánh Gióng sừng sững giữa trời Âu
>> Kỳ 2: Công dân hạng nhất và những người vì nước
Vô vàn khó khăn
Không phải ngẫu nhiên mà năm 2013 này, Liên hiệp các hội DN Việt Nam tại châu Âu lại chọn chủ đề chính cho Diễn đàn lần thứ 7 tại Kharkov - Ucraina là "Xây dựng và hoàn thiện hệ thống bán lẻ, nhà hàng và dịch vụ: con đường thành công duy nhất của cộng đồng các DN Việt Nam tại châu Âu".
Sau thời kỳ ban đầu dễ dàng, bằng con đường nhỏ lẻ, tự phát, mạnh ai nấy làm và "dễ kiếm tiền", như có người phát biểu ngay tại Diễn đàn, nền kinh tế châu Âu cũng như toàn thế giới đang vật vã bước qua khủng hoảng. Chính quyền các nước sở tại bắt đầu xiết chặt công tác quản lý, bên cạnh đó là một loạt nước Đông và Trung Âu gia nhập EU với chuẩn mực quản lý điều hành khắt khe hơn so với Nga hay Ucraina, chưa kể việc các tập đoàn đa quốc gia xâm nhập hoàn toàn lấn át các doanh nghiệp nội địa.
Cộng đồng người Việt vì vậy đã và đang đứng trước vô vàn khó khăn, thử thách.
Ông Trần Đăng Chung, chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga nói rõ: "Tình hình hiện tại là rất bức bí. Chính quyền sở tại ban lệnh cấm người nước ngoài bán lẻ ngoài chợ".
Ảnh: Mai Anh/ Quehuongonline |
Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Chu, từ Hungary đến, bộc bạch rằng, doanh nghiệp bán lẻ lao động thực chất đi làm chỉ 10 tháng, mà lương thì nhận tới 13 tháng, đã thế xu thế chung của nước bạn là tăng lương, giảm giờ làm. Doanh nghiệp Việt Nam sức yếu, phải lo đảm bảo các yêu cầu (như đường đi cho người tàn tật, ứng xử với các vụ kiện cáo bất công...) là một thách thức rất lớn.
Ông Nguyễn Đức Ngọc (CH Sec) cho biết, trước đây bà con chọn khu vực biên giới để buôn bán, nay việc đó là không thể, đành phải tập trung về thành phố để cạnh tranh với DN bạn, thật không dễ để vươn dậy.
Tập hợp thành sức mạnh
Doanh nghiệp Việt phải làm gì để thích ứng với điều kiện và hoàn cảnh nói trên, để tiếp tục đứng vững và vượt qua suy thoái là câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Ông Trần Đăng Chung nêu kinh nghiệm: Hãy bắt đầu từ điều nhỏ nhất, có lợi thế nhất trong bán lẻ. Người Việt nên tập hợp nhau lại thành sức mạnh, tập trung đầu tư, kinh doanh một cách bài bản, thực sự minh bạch trong làm ăn, thuế má, trong quan hệ với chính quyền sở tại.
Các ông Nguyễn Quang Tuấn (đến từ Thổ Nhĩ Kỳ), Phạm Văn Vinh (từ Slovakia), Trần Hữu Dũng (từ CHLB Đức)... đều thống nhất nhấn mạnh rằng, tập hợp sức mạnh đoàn kết của người Việt với nhau, của người Việt với chính quyền và DN sở tại mới có thể tạo ra một lối đi bền vững, lâu dài...
Ông Phạm Minh Nam (từ Anh, đã đầu tư cho ngành dệt may về Việt Nam rất thành công) khẳng định, chỉ có con đường đầu tư bài bản, áp dụng công nghệ tiên tiến mới có cơ hội thành công.
Hội doanh nghiệp đứng ra làm công tác nghiên cứu thị trường, phát hành Cẩm nang doanh nghiệp giúp bà con vượt qua những thử thách ban đầu - ông Nguyễn Đức Ngọc (từ CH Sec) nêu bài học.
Là đơn vị đăng cai Diễn đàn lần thứ 7, Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Ucraina là những người thấm thía hơn bao giờ hết việc "Xây dựng và hoàn thiện hệ thống bán lẻ, nhà hàng và dịch vụ..." như chủ đề đặt ra.
Thành công của việc tổ chức mạng lưới bán lẻ, nhà hàng và dịch vụ ở Kharkov đã đem lại rất nhiều bài học quý báu cho cộng đồng người Việt ở các nước châu Âu, kể cả những nước khác về kinh tế - xã hội so với Ucraina. Không phải ngẫu nhiên mà những người Việt ở Kharkov lại được trân trọng như là "Công dân hạng nhất của Ucraina" và hàng loạt công trình kinh tế - văn hóa ở Kharkov lại nhận được những giải thưởng danh giá của nước bạn và Nhà nước ta.
Diễn đàn cũng đã gióng lên những hồi chuông cảnh báo đối với các doanh nghiệp Việt tại châu Âu, nhất là Ucraina. Ông Phạm Sanh Châu, đại sứ Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu nhắc nhở rằng, hiện tại phải đặt ra việc Ucraina sẽ gia nhập Liên minh châu Âu trong nay mai. Khi đó, các tập đoàn đa quốc gia sẽ nhảy vào chiếm lĩnh thị trường, liệu mô hình chợ truyền thống như ta đang vận hành có tồn tại được không? Người Việt sẽ đi về đâu? Làm cái gì và làm như thế nào đây?
Đại sứ VN tại Ucraina và Mônđôva, bà Hồ Đắc Minh Nguyệt (bên trái) trò chuyện với các đại biểu |
Tất nhiên, ai ai cũng đã hình dung rất rõ nét con đường chông gai phía trước, nhưng không còn cách nào khác là phải hợp lực, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm làm ăn, từng bước nâng tầm thương hiệu Việt, cổ súy tinh thần Việt trên "mặt trận" nóng bỏng toàn cầu này.
Ai cũng ghi nhớ những thước phim được trình chiếu chào mừng Diễn đàn "Những con người vì nước". Họ đã vật lộn với muôn vàn khó khăn trong thời khắc niềm tin lớn nhất sụp đổ kéo theo nhiều hệ lụy khác. Họ biết mình "học giỏi, lao động chăm chỉ, mà sao vẫn nghèo?", rồi lao động quần quật để tồn tại, để cưu mang cộng đồng, để đến khi có được đồng tiền trong tay lại nhăn túm vầng suy tư "có tiền nhưng không có sự tôn trọng thì vô nghĩa..."
Và họ đã hành động để có Làng Thời Đại, có Chùa Trúc Lâm, có Tượng đài Thánh Gióng vươn mình lớn dậy giữa đất khách quê người. Hơn thế nữa, "chí làm trai" của những chàng trai Việt ở Kharkov còn hiện rõ dấu ấn của những công trình số 1 đất nước ở Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác
Tiếng vang Kharkov không nằm trong biên giới Ucraina mà đã lan tỏa mạnh mẽ ở quê hương Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới. Vậy nhưng tại Diễn đàn, chỉ có một thông điệp rất gọn ghẽ và đơn sơ được phát đi từ Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Ucraina. Đó là: " Chúng ta cố gắng tìm tòi để làm những việc nhiều người khác chưa làm. Còn nếu việc đó đã có người khác làm thì chúng ta phải làm tốt hơn, độc đáo hơn!"
(Còn tiếp)
Bùi Nam Sơn