Đang yên ổn với giá đồng rúp ở mức 31,32 rúp/1 đô la Mỹ suốt một thời gian dài, bỗng nhiên trượt giá một cách đột ngột thành 34,35 đã giật mình, rồi tới 44,45... Cứ mỗi ngày mở mắt ra lại thấy tăng lên 10 rúp. Chỉ không đầy tháng, tỷ giá đã nằm ngất ngưởng 54-55 rúp/1 đô la Mỹ. Không hoảng hốt mới lạ!
Nỗi lo từ trên trời rơi xuống...
Bây giờ thì cơn dư chấn xanh (đô la Mỹ) đã khiến cộng đồng người Việt Nam tại Nga... xanh mặt.
Hầu hết bà con ta ở Nga làm nghề buôn bán hoặc có liên quan đến thương mại. Hàng hóa khó bán ra, thậm chí là còn không bán được. Khi quy đổi ra “xanh” thì đã mất gần phân nửa giá trị so với thời điểm cách đây mấy tháng. Trong khi đó, chi phí cho sinh hoạt hàng ngày lại bị tính bằng “xanh”.
Người Nga mua sắm tại chợ Chim (Trung tâm Thương mại Sadovod) |
Vợ chồng anh Ng. kinh doanh áo kút-ka (đồ ấm mùa đông) tại Trung tâm Thương mại Sadovod (chợ Chim), có ba cháu nhỏ đang ăn học ở Nga, lo lắng: “Gay to rồi bác ơi, tiền thuê kva (căn hộ) ông chủ nhà tối qua đã alô đến thông báo chuẩn bị nộp nhé, năm hết Tết đến rồi đấy! Nhà em thuê kva hai buồng hết 1.500 đô la Mỹ mỗi tháng, vì “xanh” lên rúp xuống mà mất oan... 33.000 rúp, tương đương 1.000 đô ở thời điểm trước đấy!”.
Nỗi lo buôn bán bị ế ẩm còn gấp bội, với người bán hàng như anh Ng., bởi “không như mọi năm, tầm này là đi gần hết rồi, thời tiết năm nay rét muộn, mãi đầu tháng 12 mới có tí tuyết rơi nhẹ, hàng ở công (quầy) còn chất đầy!”.
Còn anh Tr., chủ một xưởng may ở ngoại ô Mátxcơva (một trong số hàng trăm xưởng may bất hợp pháp và nửa bất hợp pháp của người Việt tại Nga), cho tôi hay: “Mặc dù bọn em đã rất cố gắng thiết kế mẫu mã mới bắt mắt hơn, kỹ thuật may cũng chăm chút nhiều nhưng do nhiều xưởng may cùng hoạt động, rồi thì nguồn hàng Trung Quốc lấn át, quả là làm ăn ngày một khó”.
Tác động xấu có tính dây chuyền. Anh M. chuyên làm dịch vụ pháp lý trăn trở không kém: “Mọi năm giấy tờ dễ làm hơn, khách hàng không đắn đo mấy. Năm nay, họ căn cơ hơn dù biết là không làm thì không được. Nhưng giá cả tính theo “xanh”, mà “xanh” thì như thế... Nên có người làm, có người chần chừ... chậc lưỡi kiểu đến đâu thì đến!”.
Anh C., chủ một nhà hàng Việt lâu năm ở Trung tâm Thương mại Mátxcơva (chợ Liu), nhận xét: “Khách ăn ở quán em đa phần là người Việt từ các thành phố xa lên Mát lấy hàng và khách quen làm ăn ở trong chợ. Trước họ gọi món có vẻ xông xênh hơn. Nay thì có chút dè dặt. Em biết chứ, họ bán buôn kém hơn nên chi tiêu cũng hạn chế, âu cũng là lẽ thường tình. Có điều, bọn em cũng đã phải tăng giá vài món ăn vì anh biết đó, hàng lấy vào từ nhà mình đánh sang toàn được tính theo “xanh” mà!”.
Riêng ở các quầy hàng khô, hàng tươi sống... của người Việt nằm trong các khu vực chợ Chim, Liu, Dubrovka, km 41, km 19 hay ở ốp (chung cư) Rưubac... lượng bà con người Việt mua hàng vẫn như mọi ngày, bởi không ăn không được. Chị Mai, một chủ quầy hàng khô, cho biết: “Bà con ta không thể vì bán ế mà ăn bánh mì, bơ, sữa kiểu Nga, từ bỏ thói quen là khó lắm. Nên họ vẫn phải đến với tụi em. Hơn nữa, hàng thực phẩm của Nga ngoài cửa hàng siêu thị cũng đâu phải rẻ khi “xanh” lên, rúp xuống. Dù vậy, số lượng hàng nhập cũng có giảm so với trước”.
“Bóng ma” kinh tế khủng hoảng năm 1998
Lo lắng cho sự mất giá của đồng rúp, bóng ma của cuộc khủng hoảng kinh tế Nga năm 1998 như đang lảng vảng gần họ. Những ai đã trải qua cơn khủng hoảng năm ấy hẳn chẳng bao giờ quên được, khi bỗng dưng mất trắng nhiều khoản tiền đang cầm trên tay! Bao nhiêu gia đình vỡ nợ, rơi vào thảm cảnh nhà tan cửa nát, chạy tứ tán...
Nguyên nhân của sự mất giá đồng rúp năm 2014 này, sau ngần ấy năm, ai cũng rõ. Khủng hoảng Ukraina, nước Nga bị phương Tây và Mỹ cấm vận... Nhưng có lẽ, nguyên nhân sâu xa là do giá dầu thế giới rớt thảm hại. Mà nền kinh tế Nga lại phụ thuộc quá nhiều vào dầu xuất khẩu. Chắc hẳn Nga sẽ xem lại, sẽ phải phát triển nội lực kinh tế, tránh dựa vào dầu quá nhiều. Người Nga đang thực sự lo lắng và phòng thủ. Cơn sóng ào ào tung rúp (do lo ngại đồng đô la Mỹ tăng giá) đi mua hàng ngoại như xe cộ, mua bất động sản... là dấu hiệu rõ nét nhất.
Với bà con người Việt ở Nga, phải làm gì là bài toán khó giải. Mở mang nguồn hàng nhập từ Việt Nam sang? Mở xưởng may? Lập trang trại trồng rau vì nguồn rau nhập của các nước châu Âu, Mỹ... bị Nga cấm vận? Hay chuyển sang chăn nuôi gia súc vì thực phẩm châu Âu, Mỹ... bị cấm nhập khẩu vào Nga? Hoặc vẫn cứ thúc thủ chờ thời?
Người Việt tại Nga trong những năm 1990 về trước vốn gặp thời vận “trời cho” do nước Nga chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường trong khi dân Nga còn như “con nai vàng ngơ ngác”, nhờ thế mà bao nhiêu người Việt... làm giàu không khó. Nhưng qua thời gian, người Nga giật mình lấy lại phong độ, người Việt tại đây bỗng lại trở thành “chú nai” tuy không ngơ ngác nhưng đã kém linh hoạt. Còn bây giờ? Cả “hai chú nai” đang tìm một cơ hội cho chính mình!
(Theo TBKTSG)