Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết người dân nên dùng thực ăn nấu xong trong vòng 3-4 giờ. Một số món có thể để qua đêm trong môi trường bảo quản tủ lạnh như cá kho, thịt kho từ 1-2 ngày trong các hộp thủy tinh đậy kín nắp hoặc hộp nhựa an toàn. Còn lại, các món canh, rau, trứng xào, cà chua sốt trứng… nên ăn trong ngày.
Rau luộc, củ quả nấu canh để qua đêm sẽ mất hết vitamin. Nếu để lâu, các loại vi khuẩn sẽ phân hủy trong rau, không tốt cho sức khỏe.
Ngoài ra, rau nấu xong cấp đông hoặc cho vào ngăn mát đều có thể bị vi khuẩn xâm nhập, nitrat trong rau chuyển thành nitrit, đây là chất có khả năng gây bệnh ung thư. Món canh còn có gia vị đường, mắm, muối, hạt nêm nếu để lâu gây ra các phản ứng hóa học, có hại cho gan, thận, xương.
Trứng là món ăn dễ nhiễm khuẩn đặc biệt là salmonella có thể nguy hiểm cho sức khỏe. Khi bảo quản trứng chín trong tủ lạnh, các chất dinh dưỡng biến đổi thành chất gây hại cho đường ruột.
Hiện chưa có nghiên cứu nào khẳng định ăn thực phẩm nấu chín bảo quản lâu ngày gây ung thư. Ung thư là một quá trình lâu dài, do nhiều yếu tố khác nhau như di truyền, tuổi tác, môi trường làm việc ô nhiễm và lối sống. Tuy nhiên, ăn uống không khoa học trong thời gian dài đều tiềm ẩn nguy cơ gây biến đổi tế bào.
Theo chuyên gia này, thực phẩm tốt nhất là tươi sống. Dù bận rộn, người trẻ cũng nên cố gắng sử dụng rau xanh, các loại củ quả nấu ăn ngay để cảm nhận được vị ngon ngọt.
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, chúng ta không nên để thức ăn ở nhiệt độ phòng quá lâu, đun nóng trước khi ăn, không sử dụng lại các món ăn để dành trong tủ lạnh quá 1-2 ngày. Người nấu ăn cần vệ sinh tay, dụng cụ chế biến cẩn thận trước khi chế biến.