Đau ngực và ngưng tim đột ngột
Mới đây, ông N.D.T (74 tuổi, tỉnh Bình Dương) may mắn được các bác sĩ cứu sống khi bất ngờ ngưng tim ngưng thở ngay trong khuôn viên Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM).
Theo đó, trong lúc ngồi chờ khám bệnh, ông T. bất ngờ ôm ngực và gục ngã trên ghế. Người dân phát hiện đã tri hô. Nhân viên y tế tại hiện trường xác định ông T. ngưng tim ngưng thở, lập tức tiến hành cấp cứu tại chỗ, xoa bóp tim và chuyển đến Khoa Cấp cứu trong vài phút.
Tại Khoa Cấp cứu, người bệnh được sốc điện phá rung tim 3 lần và hồi sức tim phổi. Kết quả đo điện tâm đồ xác định nguyên nhân ngưng tim là do nhồi máu cơ tim cấp độ 4.
Người bệnh bị tổn thương nặng 3 nhánh mạch vành nên được tiến hành can thiệp đặt stent. Quá trình nong tim kết thúc trong 30 phút để khôi phục dòng máu nuôi tim.
Đây không phải trường hợp hiếm gặp. Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cũng từng tiếp nhận các bệnh nhân đột ngột ngưng tim khi đang làm việc, sinh hoạt.
Theo đó, khi đang làm việc ở công trường xây dựng, anh T.H.T (44 tuổi) bỗng nhiên tím tái, khó thở và ngất đi. Đồng nghiệp đưa anh đến bệnh viện gần nhất trong tình trạng ngưng tim ngưng thở, mạch và huyết áp không đo được.
Bệnh nhân được hồi sức tim phổi nâng cao, đặt nội khí quản, sốc điện 3 lần. Đo lại điện tim xác định đây là tình trạng nhồi máu cơ tim cấp. Sau hồi sức khoảng 15 phút, tim bệnh nhân đập lại, các bác sĩ quyết định chuyển anh T. sang Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Bệnh nhân được chỉ định phải tái thông mạch vành cấp cứu.
Một trường hợp khác là ông N.N.Đ (58 tuổi) bị đau ngực, khó thở khi đang bơi. Khoảng 30 phút sau, người dân phát hiện ông tím tái nên gọi cấp cứu. Thời điểm này, ông Đ. đã mê, ngưng tim ngưng thở, mạch và huyết áp không đo được.
Ê-kíp cấp cứu ngoại viện đã tiến hành hồi sức tim phổi nâng cao, đặt nội khí quản ngay trên xe cứu thương, xử lý sốc điện 5 lần (có biểu hiện rung thất). Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bác sĩ nhận định đây là ca nhồi máu cơ tim cấp, biến chứng ngưng tim ngoại viện.
Kết quả chụp mạch vành cho thấy người bệnh bị tắc nhánh động mạch lớn nhất nuôi tim. Ê-kíp can thiệp đã xử lý tái thông, đặt 1 giá đỡ trong lòng động mạch vành. Tuy nhiên sau đó, bệnh nhân gặp biến chứng suy đa tạng, phải điều trị kéo dài.
Nguy cơ tử vong 90% nếu kèm theo ngưng tim ngoại viện
Theo tiến sĩ, bác sĩ Lê Cao Phương Duy, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nhồi máu cơ tim cấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhập viện và tử vong ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Bệnh nhân dễ tử vong ở những giờ đầu tiên trước khi vào viện vì các biến chứng liên quan đến rối loạn nhịp.
Nếu xuất hiện ngưng tim ngoài bệnh viện, tỷ lệ tử vong tăng lên đến trên 90%. Nếu được nhập viện và điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong giảm xuống còn 6 - 10%. Tuy nhiên, khi cơ tim bị hoại tử do thiếu máu cục bộ, người bệnh có thể gặp biến chứng như phù phổi cấp, sốc tim, rối loạn nhịp, suy thận, thiếu máu não…
Bác sĩ Lê Duy Lạc, Trưởng khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện TP Thủ Đức cho hay có nhiều phương pháp khôi phục dòng chảy động mạch vành như truyền thuốc tiêu sợi huyết, can thiệp mạch vành đặt stent (PCI) và mổ bắc cầu động mạch vành (CABG). Hiệu quả của mỗi biện pháp phụ thuộc rất nhiều vào thời gian điều trị từ lúc khởi phát triệu chứng.
Trong đó, can thiệp động mạch vành đặt stent có lợi rõ rệt khi được tiến hành sớm, đặc biệt trong vòng 24 giờ đầu kể từ lúc khởi phát.
Các chuyên gia cũng lưu ý, hơn 50% bệnh nhân có một yếu tố khởi phát xảy ra trước khi nhồi máu cơ tim như: vận động gắng sức, stress tâm lý, phẫu thuật, có bệnh lý nội khoa nặng.
Người có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim bao gồm: từng được chẩn đoán bệnh mạch vành, có yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành như trên 45 tuổi với nam và trên 55 tuổi với nữ; thừa cân, béo phì; ít vận động thể lực; hút thuốc lá; tăng huyết áp; đái tháo đường; rối loạn lipid máu; stress về thể chất và tinh thần.