Ngày nay, việc tri thức hóa nguồn nhân lực sẽ là chìa khóa để đi đầu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Nguyên Bộ trưởng Bộ BCVT Đỗ Trung Tá chia sẻ như vậy trong cuộc trao đổi đầu Xuân mới.

Ngành Bưu chính viễn thông (nay là Công nghệ thông tin và Truyền thông) là một trong những ngành đi đầu trong thời kì Đổi mới. Điều gì khiến ông ấn tượng khi nhớ lại thời kì ấy?

Tháng 12 năm 1996 Hội nghị Trung ương lần 2 khoá VIII bàn về Khoa học và Giáo dục. Tôi trình ba điểm quan trọng:

Thứ nhất, tôi đề nghị các Uỷ viên Trung ương không dùng điện thoại kéo dài nữa vì không đảm bảo bí mật.

Thứ hai, Việt Nam nên triển khai cáp quang băng thông rộng toàn quốc để thuận lợi cho việc sử dụng các dịch vụ tốc độ cao và khắc phục được sự ảnh hưởng của điện từ trường đảm bảo thông tin thông suốt, an toàn.

Thứ ba, quan trọng nhất, tôi đề nghị được kết nối Internet vì khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo không phát triển nếu không có Internet.

Tri thức hóa nguồn lực là chìa khóa để dẫn đầu
Nguyễn Bộ trưởng Đỗ Trung Tá: "Trước đây, muốn phát triển nhanh, việc quan trọng nhất mà ngành thông tin truyền thông đã làm được là dẫn dắt xã hội, chứ không phải thấy khó, thấy tiêu cực là co lại". 

Chúng tôi giới thiệu Internet và trình bày phương án đưa Internet trực tiếp vào Việt Nam thay vì đường vòng mà Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện hàn lâm khoa học VIệt Nam) đề xuất. Còn nhớ, lúc đó mọi người xôn xao, lo lắng rằng mở Internet sớm quá sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng. Tôi thuyết phục: “Chúng ta không lo phát triển sớm Internet với quan điểm là “quản lý đến đâu phát triển đến đó”. Tại kỳ họp, Tổng bí thư Đỗ Mười cho phép chúng tôi mang máy tính vào để giới thiệu với các ủy viên trung ương về Internet. Rất vui là sau đó, Trung ương thông qua và đến tháng 12/1997 Internet Việt Nam chính thức kết nối với thế giới.

Vài năm đầu Internet không phổ biến được đáng kể. Tuy nhiên, đến khi Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị về phát triển công nghệ thông tin với tinh thần “năng lực quản lí phải theo kịp tốc độ phát triển”  ra đời thì Internet bắt đầu bùng nổ. Vì sao lại có tinh thần tiến bộ như vậy, thưa ông?

Lúc đầu, việc kết nối Internet còn rất chậm về tốc độ, chúng tôi đã tích cực xây dựng hạ tầng viễn thông của VNPT để đáp ứng yêu cầu nhanh và hiệu quả.

Do hạ tầng tốt lên, chúng tôi đề ra phương thức “năng lực quản lý phải theo kịp tốc độ phát triển” với sự góp công sức của nhiều người. Bên Đảng có đồng chí Phan Diễn, Ngô Văn Dụ… bên Chính phủ có các Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, Phạm Gia Khiêm, Bộ Công an có Thứ trưởng Nguyễn Khánh Toàn, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Đặng Hữu và rất nhiều cán bộ khoa học khác rất ủng hộ. Chúng tôi cũng xin ý kiến cả nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các vị lãnh đạo đều yên tâm.

Sau khi Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị vào năm 2000 ra đời, thì Internet phát triển như có luồng gió mới. Tôi nhớ,  những người đứng đầu các cơ quan trung ương, những tầng lớp liên quan đến giáo dục, khoa học, công nghệ đều rất hào hứng áp dụng Internet. Internet được đưa vào các trường học, bệnh viện, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp…lợi ích là rất rõ dù nguồn thu chưa lớn.

Như vậy, muốn thúc đẩy phát triển nhanh thì Nhà nước phải hướng dẫn, dẫn dắt xã hội chứ không vì chỉ thấy các tiêu cực mà lo sợ, rồi co lại.

Việc bắt kịp cuộc cách mạng công nghệ 4.0 được coi là quyết định trong việc phát triển đất nước trong giai đoạn tới đây. Ông thấy chúng ta đang thực hiện việc này ra sao?

Để làm thành công điều gì cũng luôn phụ thuộc vào con người. Nếu không coi nhân lực là yếu tố đầu tiên thì sẽ thất bại.  

Lãnh đạo ngành công nghệ thông tin và truyền thông cho rằng, vì chúng ta có lợi thế dân số trẻ, thích ứng với công nghệ cao nhanh, kinh tế đang có đà phát triển và hội nhập sâu với thế giới.

Bây giờ là lúc chúng ta phải trí thức hoá nguồn nhân lực ấy. Toàn bộ xã hội phải tham gia vào việc nâng cao tri thức, kiến thức cho đến tận những kĩ năng của người dân trong việc hiểu, nắm vững, và sử dụng được sản phẩm, dịch vụ mới.

Cạnh tranh trong thời đại 4.0 chính là cạnh tranh về nhân lực để thu hút được người tài. Việt Nam muốn vươn lên phải chấp nhận cuộc cạnh tranh này.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) với việc kết nối cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) cùng các công nghệ cloud, và các công nghệ mới như in 3D, Blockchain… sẽ tạo ra quá trình tự động hoá trong sản xuất và điều hành hiệu quả cho các tổ chức, doanh nghiệp và thậm chí đến yêu cầu cá nhân.

Việc ngành ta thành lập Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trong doanh nghiệp là đúng hướng vì nó gắn kết giữa nghiên cứu với đào tạo và kinh doanh. Chúng ta phải thu hút những người tài trong và ngoài nước cùng làm việc, nghiên cứu, đào tạo, tham gia tích cực vào đổi mới sáng tạo, ứng dụng AI xây dựng xã hội 4.0.

Tôi cho rằng cần tiếp tục “thông minh hóa” hạ tầng chuyển đổi số. Trước đây, chúng ta có mạng lưới hiện đại như cáp quang, mạng 3G, Internet và hai vệ tinh lớn nhưng bây giờ là giai đoạn cao hơn trong việc chuyển đổi hạ tầng kỹ thuật số thông qua các công nghệ mới, giải pháp mới để kết nối hạ tầng viễn thông với các ngành, lĩnh vực khác như dịch vụ công, giao thông, y tế, giáo dục; an ninh quốc phòng, môi trường… Các công ty viễn thông, tin học cũng cần đổi mới mô hình kinh doanh để đáp ứng những yêu cầu mới của công cuộc chuyển đổi số. Cần chú ý áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế và trong nước để đảm bảo không gian mạng trong sạch, giải quyết được những vấn đề an ninh an toàn mạng, góp phần phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Câu chuyện “toàn cầu hóa kinh doanh” cũng cần chú ý. Ngày càng nhiều các hình thức kinh doanh, dịch vụ mới xuyên quốc gia ra đời dựa trên nền tảng công nghệ số và internet, tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập và những tiện ích xã hội khác. Chúng ta tiếp thu những tinh hoa, kiến thức của nhân loại để tham gia vào nền kinh tế hội nhập.

Ông nhìn nhận thế nào về những việc mà Bộ Thông tin & Truyền thông đã và đang làm trong việc chuyển đổi số?

Hạ tầng chuyển đổi số ảnh hưởng rất lớn đến các ngành. Hạ tầng này là một ngành kinh tế xã hội mang lại quyền lợi kinh tế và lợi ích cho xã hội rất lớn. Phải nhấn mạnh, đây là hệ thần kinh của đất nước mà từ đó sự chỉ đạo và điều hành của nhà nước được thông suốt mọi lúc, mọi nơi làm cho kinh tế xã hội phát triển và an ninh quốc phòng được bảo. Có lẽ vì vậy, hiếm có ngành nào mà Bác Hồ quan tâm như ngành này từ những ngày đầu thành lập. Bộ ta có vị trí rất quan trọng trong việc giữ vững vai trò, vị trí và uy tín của mình.

Việt Nam ngày nay đã trở thành một trong những nước phát triển Internet với tốc độ cao và tỉ lệ người sử dụng lớn. Sự bùng nổ này tạo điều kiện cho chúng ta sử dụng các dịch vụ công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh mới, thay đổi cách suy nghĩ để tìm ra những cách làm mới từ quản lí, phân phối đến phục vụ tốt hơn.

Chính vì thế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh chuyển đổi số là cơ hội cho Việt Nam phát triển.

Sự chỉ đạo của Bộ TT&TT hiện nay là đúng xu hướng thế giới, mang tính tiên phong của Việt Nam và cũng đang kế thừa những tư tưởng đổi mới tư duy, hiện đại hoá đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Với sự lớn mạnh của công nghệ thông tin Việt Nam năm 2019, Chính phủ đã phê duyệt đề án chuyển đổi số quốc gia. Để đề án này thành công, đương nhiên Bộ Thông tin và Truyền thông phải đóng vai trò dẫn dắt, đi đầu trong việc quản lí.

Chính lúc này, các doanh nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông cần bứt phá, thay đổi mô hình kinh doanh, ứng dụng mạnh các công nghệ cao đáp ứng thời kì chuyển đổi số.

Không có cách nào khác, trước đây các doanh nghiệp chúng ta đi thẳng vào công nghệ hiện đại thì nay là cả nước bứt phá trong tiến trình chuyển đổi số, từ lãnh đạo đến người dân, doanh nghiệp phải chấp nhận sự thay đổi này, mà trước hết vẫn là phải thay đổi tư duy của chính mình.

Cuộc cách mạng 4.0 hiện nay chúng ta đang có những thuận lợi rất lớn là Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 – NQ/TW ngày 27/09/2019 về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng 4.0 như: Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới; tăng trưởng cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện, đột phá chiến lược hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh.

Quá trình chuyển đổi số mà chúng ta đang thực hiện là một phần của việc thực hiện Nghị quyết trên.