- Nhà thơ của loạt thi phẩm từng in hằn trong tuổi thơ của nhiều lớp độc giả, nay đã trở lại với tập bút ký ở cái tuổi ‘thất thập cổ lai hy’.

Cái tên Nguyễn Duy hẳn không còn xa lạ, nếu không muốn nói là ‘ám ảnh’ với nhiều người trong những năm tháng trung học. Học sinh sợ học Nguyễn Duy ở chỗ: thơ ông chẳng bao giờ màu mè, câu chữ cứ dung dị đến lạ nhưng ý niệm thì sâu sắc vô chừng. Đọc Ánh trăng, Đò lèn hay Nhìn từ xa Tổ Quốc sẽ thấy rõ điều đó.

Trong suốt cuộc đời mình, Nguyễn Duy đi nhiều hơn nghỉ. Cứ rong ruổi đến đâu, ông đều ghi chép lại, đó là căn nguyên ra đời của quyển bút kí Ghi và nhớ ông vừa ra mắt bạn đọc mới đây.

{keywords}
Tập kí và hai quyển tuyển thơ của Nguyễn Duy ra mắt bạn đọc cùng lúc.

Ghi và nhớ chia làm ba phần bao gồm: “Đông Âu du kí”, “Vừa đi vừa đếm bước”, “Gập ghềnh giấy”; như một bức tranh chân thực và sinh động của bộ mặt xã hội các nước XHCN Đông Âu trong buổi giao thời, với những hoàn cảnh trớ trêu trước những biến động lịch sử. Như đã nhận định, Nguyễn Duy chưa bao giờ tô vẽ màu mè. Những con người ông gặp, thường là người Việt xa xứ trên đất khách quê người, rất bình thường song cũng thật đặc biệt dưới ngòi bút tài hoa của mình.

Nguyễn Duy trong Ghi và nhớ như tồn tại hai con người: một giọng bình tĩnh theo yêu cầu vốn dĩ của ngòi bút ký sự; một tâm hồn thi sĩ, trái tim của người con Việt Nam nặng nợ với quê hương, khi dù ở phương trời Âu - Mỹ vẫn đau đáu nhớ nhà.

{keywords}
Nhà thơ Nguyễn Duy hồ hởi trong buổi giao lưu bạn đọc ở TP HCM.

Ông dành phần cuối của sách để khắc họa chân dung những bạn văn, những vị tiền bối – cũng là ‘cây đa cây đề’ trong văn chương Việt Nam, như: Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Đoàn Văn Cừ, Hoàng Cầm… Dĩ nhiên ở khoảng cách gần, những văn nghệ sĩ ngỡ rằng đã quen thuộc cũng có nhiều góc khuất mà độc giả không thể biết được.

Ghi và nhớ còn có một đoản thiên sử kí trong dòng chảy lịch sử xuyên suốt, được cắt ra và giữ lại. Đó là cuộc hành trình đi tìm lại dấu xưa của những vị vua yêu nước như Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân, khắc họa một thời đoạn bi ai của lịch sử dân tộc.

Để bổ sung cho phần cảm xúc còn chưa bộc lộ hết trong tập kí Ghi và nhớ, hai tập thơ Quê nhà ở phía ngôi saoTuyển thơ lục bát tập hợp những vần thơ gây dựng tên tuổi Nguyễn Duy trong lòng công chúng.

{keywords}
Những độc giả đặc biệt không quản khó khăn đến gặp gỡ Nguyễn Duy. 

Thơ Nguyễn Duy bắt nhịp từng khoảnh khắc bình dị giữa dòng đời đang hối hả trôi tuột đi không níu giữ được. Ông lắng nghe từng rung động bình dị của cuộc sống – nơi ở đó thơ ông được sinh ra, vì thế những vần thơ ấy lúc nào cũng mang vẻ đẹp của sự trường cửu.

Nếu không đề chú thích, những vần thơ quen thuộc đến mức nhiều lúc người ta tưởng chừng là ca dao: “Bần thần hương huệ thơm đêm/ khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn/ chân nhang lấm láp tro tàn/ xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào” (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa – 1986).

Gia Bảo