Central Retail Corporation (CRC) - thành viên tập đoàn bán lẻ Central Group của Thái Lan, đã thực hiện phiên IPO trên sàn chứng khoán nước này hôm 20/2.
Theo thông tin từ CRC, vào ngày 7/6/2019, một công ty trung gian có liên quan đến CRC đã mua thêm 51% vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Nguyễn Kim).
Sau thương vụ này, CRC tăng tỷ lệ sở hữu tại NKT từ 39,95% lên 81,53%. Do NKT sở hữu 100% vốn Nguyễn Kim, do đó CRC đương nhiên nắm 81,53% cổ phần tại chuỗi điện máy lâu đời của Việt Nam.
Cửa hàng đầu tiên của Nguyễn Kim ở Quận 1, TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Kim |
Như vậy kể từ giữa năm 2019, chuỗi điện máy lâu đời của TP.HCM chính thức về tay gia tộc tỷ phú giàu thứ hai Thái Lan. Do nắm cổ phần chi phối, kết quả kinh doanh của Nguyễn Kim được đưa vào báo cáo kinh doanh của CRC.
Như vậy trong các chuỗi điện máy lớn hiện nay tại Việt Nam, Nguyễn Kim là đại diện công ty sở hữu bởi nước ngoài duy nhất, cạnh tranh với Điện máy Xanh, Điện máy Chợ Lớn, Pico, Media Mart, Thiên Hoà,...
Nguyễn Kim từng là tên tuổi đứng đầu Việt Nam ở mảng mua sắm điện máy. Chuỗi này thành lập năm 1996, sớm nhất thị trường, và trở thành chuỗi lớn nhất nước vào năm 2001 với 21 cửa hàng. Tại TP.HCM, trong giai đoạn thịnh vượng của mình, Nguyễn Kim được 99% người đánh giá là chuỗi điện máy số 1 thị trường theo báo cáo của Nielsen.
Duy trì được vị thế gần 20 năm nhưng sau đó Nguyễn Kim bị đối thủ mới là Điện máy Xanh (của Thế Giới Di Động) chính thức vượt qua kể từ năm 2016. Năm này, Nguyễn Kim đạt doanh thu khoảng trên dưới 10 ngàn tỷ đồng, trong khi đối thủ mang về 14 ngàn tỷ đồng. Từ đó Điện máy Xanh bứt tốc và trở thành chuỗi bán lẻ số 1, thay ngôi vị của Nguyễn Kim.
Vào thời điểm công ty Power Buy (của Central Group) mua 49% cổ phần NKT năm 2015, Nguyễn Kim vẫn còn là tên tuổi số 1 trước khi bị Điện máy Xanh vượt mặt ngay năm sau đó.
Kể từ 2015 đến nay khi thuộc về tay người Thái, Nguyễn Kim đã có nhiều điều chỉnh về nhân sự, thay một số vị trí chủ chốt từ Central Group. Doanh thu chuỗi điện máy này loanh quanh mức 9.000 đến hơn 10.000 tỷ đồng.
Điện máy Xanh kể từ khi lên vị trí số 1 năm 2016 đã mua lại Trần Anh, chuỗi siêu thị điện máy lớn tại Hà Nội, chính thức phủ mạnh ở cả hai miền Nam Bắc. Với doanh thu năm 2019 đạt hơn 58 ngàn tỷ đồng, chiếm gần 40% thị phần, Điện máy Xanh gần như không có đối thủ xứng tầm tại Việt Nam.
Sự đi ngang của Nguyễn Kim phản ánh việc bão hoà của thị trường bán lẻ điện máy. Hãng nghiên cứu thị trường GfK cho biết thị trường điện thoại di động tại Việt Nam chỉ tăng trưởng 1% trong năm 2018, so với mức 9% của năm 2017. Năm 2019, một số nhà bán lẻ cho biết thị trường điện thoại tăng trưởng âm. Trong khi đó, lĩnh vực điện máy tăng trưởng cao hơn, như hàng điện tử (tăng 23,5%), điện lạnh (12,5%), điện gia dụng (3,7%).
Nhu cầu người dân không như trước, kết hợp với sự bành trướng của Thế Giới Di Động khiến thị phần của các chuỗi đối thủ thu hẹp lại. Năm 2018 sau khi bán Trần Anh cho Điện máy Xanh, ông Trần Xuân Kiên – cựu Chủ tịch HĐQT Trần Anh - đã đánh giá thị trường này “không còn tương lai”.
Số lượng cửa hàng của các chuỗi điện máy tại Việt Nam. |
Mặc dù vậy, hiện nay Nguyễn Kim, Media Mart, Điện máy Xanh vẫn đang mở mới để phủ rộng thị trường. Website của Media Mart cho thấy chuỗi này có 205 siêu thị ở 24 tỉnh, đứng thứ nhì thị trường xét về lượng siêu thị. Nguyễn Kim hiện có 66 cửa hàng ở 36 tỉnh thành, Điện máy Chợ Lớn có 71 cửa hàng chủ yếu ở miền Nam và miền Trung, Pico có 28 cửa hàng ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, Thiên hoà có 11 cửa hàng chủ yếu ở TP.HCM. Trong khi đó, chuỗi Điện máy Xanh kết năm 2019 có tới 1.018 cửa hàng.
Bên cạnh cạnh tranh lẫn nhau giữa các nhà bán lẻ, việc xuất hiện của các trang thương mại điện tử cũng khiến thị trường điện máy khốc liệt hơn. Với việc bơm vốn mạnh mẽ từ các đại gia nội lẫn ngoại, các trang thương mại điện tử cũng sẽ tạo một vị thế nhất định trong tương lai gần.