- Công bố về nguyên nhân cháy xe được cho là chưa thoả mãn với những gì dư luận mong đợi sau liên tiếp hàng loạt vụ cháy xe kinh hoàng trên địa bàn cả nước.

Chiều ngày 17/5, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã công bố kết quả nghiên cứu về nguyên nhân cháy xe gắn máy trong thời gian qua.

Thông tin này đã được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, việc kết luận vì sao số vụ cháy xe máy tăng đột biến trong cuối năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 vẫn còn bỏ ngỏ.

Và như vậy, công bố mới đưa ra này đồng nghĩa với việc nguy cơ cháy xe máy vẫn đang lơ lửng trên đầu người dân, không biết khi nào chấm dứt.

Vì sao xe cháy ?

Nghiên cứu xác định nguyên nhân gây cháy xe máy được thực hiện bởi các đơn vị: Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hoá dầu, Phòng thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong và Trường đại học Bách khoa TP.HCM.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích số liệu từ việc tiếp cận các vụ cháy và từ các cơ quan chức năng.

Theo kết quả, nguy cơ hình thành các nguyên nhân gây cháy xe gắn máy gần đây xuất phát từ 3 nhóm nguyên nhân chính.

Một vụ cháy xe máy

Một là, việc sử dụng nhiên liệu kém chất lượng như xăng pha methanol, ethanol (thường gọi là cồn methanol, cồn ethanol) chất lượng thấp và không đúng kỹ thuật sẽ gây ra rò rỉ nhiên liệu thông qua hiện tượng phá huỷ hệ thống ống dẫn; hoặc do áp suất hơi cao hoặc do bất cẩn chủ quan của người sử dụng, nguồn xăng rò rỉ sẽ tiếp xúc với nguồn nhiệt đủ nóng sinh ra từ hoạt động của động cơ; hoặc ma sát hệ thống hãm… hay tia lửa điện từ quá trình chập mạch của hệ thống điện (xảy ra trong trường hợp cầu chì bị vô hiệu hoá hoặc kém chất lượng).

Hai là, sự chập mạch của hệ thống điện trong trường hợp hệ thống bảo vệ cầu chì bị vô hiệu hoá hoặc không đúng yêu cầu kỹ thuật sẽ gây nguồn lửa đồng thời kết hợp sự có mặt của chất dễ cháy như các chi tiết bằng vật liệu nhựa trên phương tiện.

Ba là, các nguyên nhân khách quan hay chủ quan của người sử dụng phương tiện như gây nguồn lửa, để các vật dụng dễ cháy nổ trong các vùng nóng cục bộ của phương tiện như quẹt gas, nước hoa trong thùng chứa mũ bảo hiểm; bao nylon, vải… dính vào bộ phận ống xả khói thải của động cơ.

Nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh việc sử dụng xăng có chỉ số RON thấp như xăng RON 83, hoặc xăng pha Methanol, hoặc Ethanol kém chất lượng, không tương thích với yêu cầu động cơ sẽ gây ra các vùng nóng cục bộ và tăng nguy cơ gây cháy.

Trước khi nhóm nghiên cứu nguyên nhân cháy xe máy do Sở KH&CN TP.HCM chỉ đạo công bố kết quả, tại phiên họp toàn thể lần thứ 3 Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội ở TP.HCM ngày 4-5, ông Lê Bộ Lĩnh - Phó Chủ nhiệm ủy ban cho biết, Ủy ban đã có báo cáo chính thức gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát xử lý hiện tượng cháy nổ ôtô và xe máy.

Theo báo cáo giám sát trên, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội đánh giá việc tìm hiểu nguyên nhân cháy nổ xe được cơ quan chức năng vào cuộc tích cực, nhưng “kết quả đưa lại chưa được như dư luận và cử tri mong muốn, việc kết luận nguyên nhân vừa qua chưa thật sự thuyết phục”.

Nhập khẩu Methanol tăng đột biến

Theo các tài liệu công bố, không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước trên thế giới, cháy nổ xe đang là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu.

Cụ thể như Mỹ, hàng năm xảy ra hàng trăm nghìn vụ cháy phương tiện giao thông, làm hàng trăm người chết gây thiệt hại hàng tỷ USD.

Nguy cơ cháy xe vẫn đang lơ lửng trên đầu người dân

Tại Anh, Thuỵ Điển, con số cụ thể hàng năm về các vụ cháy xe cũng cho thấy sự gia tăng khủng khiếp. Trong các nhóm nguyên nhân, việc cháy nổ xe do hư hỏng cơ khí chiếm tỷ lệ cao nhất (29%).

Tiếp đến là nhóm xe bị hư hỏng hệ thống điện (11%), nhóm xe chập điện không rõ nguyên nhân (7%), chập điện do rách vỏ cách điện (3%)… Các vụ cháy xuất phát từ nguyên nhân rò rỉ nhiên liệu chiếm 12% tổng số vụ cháy nổ.

Tại Việt Nam, từ năm 2010-2011, số vụ cháy xe tăng đột biến. Theo thống kê có khoảng 324 vụ cháy- nổ ô tô và xe máy được ghi nhận trên toàn quốc. Trong 3 tháng đầu năm 2012, số vụ cháy xe trên cả nước khoảng 79 vụ và tiếp tục diễn biến phức tạp.

Nhóm nghiên cứu do Sở KHCN TP.HCM chỉ đạo đã đánh giá thời điểm 2010-2011, giá thành xăng trên thế giới cao hơn so với Việt Nam. Do vậy, việc kinh doanh xăng dầu trong giai đoạn này sẽ gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, lợi dụng việc cho phép sử dụng thử nghiệm xăng nhiên liệu sinh học E5 đã được thực hiện, nhóm nghiên cứu nhận định kinh doanh nhiên liệu xăng pha Methanol hoặc Ethanol chất lượng kém vào xăng để thu lợi nhuận là hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt mà Methanol.

Theo kết quả từ Hải quan và PVPro, có sự tăng đột biến của sản lượng Methanol nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam trong năm 2010 (90,3 ngàn tấn) và năm 2011 (80,52 ngàn tấn) so với những năm trước.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy, không có sự tự cháy nổ của nhiên liệu khi có mặt methanol, ethanol trong điều kiện không có nguồn nhiệt lớn.

Yếu tố dẫn điện của nhiên liệu để gây ra hiện tượng chập mạch là không xảy ra.

Quốc Quang