Người thổi sáo là tên triển lãm cá nhân lần đầu tiên của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được khai mạc sáng 7/1 tại Trung tâm Art Space, ĐH Mỹ Thuật, Hà Nội và sẽ kéo dài đến hết ngày 15/1/2021. Triển lãm này do nhóm Nhân sĩ Hà Đông đứng ra tổ chức.
Khai mạc triển lãm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được bạn bè tới ủng hộ rất đông. |
Triển lãm Người thổi sáo gồm hơn 53 bức tranh với các chất liệu sơn dầu, màu nước, pastel. Bức tranh khổ lớn nhất là 150cm x 180cm và bức nhỏ nhất là 50cm x 70cm. Hầu hết số tranh trong triển lãm này nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ trong 3 năm gần đây, còn lại là những bức được mượn lại của những người đã mua chúng.
Không gian triển lãm trưng bày 53 tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. |
Làm tất cả nhưng không phải trở thành tất cả
Bước vào hội họa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều quan niệm vẽ không để trở thành họa sĩ chuyên nghiệp mà đơn giản chỉ cho bản thân được sống thêm trong một thế giới riêng khác, sống đắm mê trong sáng tạo và sau cùng, làm dài rộng thêm cho cuộc đời để được sống nhiều nhất.
Chỉ coi mình là "người đi ngang qua cánh đồng hội họa" nên nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có cách thức sáng tạo hội họa cũng chẳng giống ai. Ông thường vẽ không có phác thảo. Ông đứng trước toan, quết nhát màu đầu tiên lên toan và cứ thế cuốn theo màu sắc ấy.
Tự nhận là một người lúng túng, vụng về khi đặt chân vào thế giới hội họa, thế nhưng Nguyễn Quang Thiều lại may mắn được một người bạn thân thiết, họa sĩ Lê Thiết Cương, dặn rằng: "Hãy vẽ đi, đừng hỏi ai điều gì cả. Hãy vẽ tất cả những gì mà ông muốn vẽ. Hãy vẽ tất cả những gì mà ông cảm giác. Ông đừng lệ thuộc. Ông đừng đi học vẽ vào độ tuổi này nữa".
Không chỉ có họa sĩ Lê Thiết Cương, nhiều người bạn họa sĩ của ông bằng cách này hay cách khác đều muốn ông vẽ, buộc vẽ, phải vẽ. Họa sĩ Đào Hải Phong cho bút, cho màu. Họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ thì cho toan,… đều như những thông điệp thúc giục nhà thơ: "Hãy vẽ đi!".
Chia sẻ tại triển lãm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ chưa bao giờ xúc động đến thế. Ông nói: "Tôi làm tất cả mọi thứ: vẽ tranh, làm thơ, dịch sách, viết tiểu thuyết, viết truyện thiếu nhi, viết kịch, làm báo, nấu ăn, trông cháu, làm đèn cù… làm tất cả nhưng không phải để tôi trở thành tất cả. Tôi làm tất cả vì tôi muốn được sống một cách nhiều nhất.
Tôi luôn nghĩ một ngày mình cần 48 tiếng đồng hồ để làm tất cả những điều mình muốn. Mặc dù công việc bận mù mịt nhưng không có điều gì có thể dừng tôi lại trong sáng tạo, chìm đắm trong thế giới của ngôn ngữ, của màu sắc. Bởi vì như thế tôi mới được sống tốt nhất".
Nguyễn Quang Thiều mộng du qua cánh đồng hội hoạ
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ: "Tôi được Nguyễn Quang Thiều cho xem tranh cách đây 4 tháng để chọn ra được 53 bức trong triển lãm này. Nguyễn Quang Thiều tự nhận mình là người đi ngang qua cánh đồng hội hoạ và bị hình màu thôi miên nhưng tôi lại nghĩ khác. Nguyễn Quang Thiều mộng du qua cánh đồng hội hoạ.
Để viết một tiểu thuyết, làm bài thơ hay truyện ngắn khó nhất là tìm ra cái giọng của mình. Tôi cho rằng Nguyễn Quang Thiều đã chọn chính xác cho giọng hội hoạ của mình là giọng mộng du. Bởi, có qua mộng du mới bật ra được vẻ đẹp vô lý của có lý. Nó không cần phải quá quan trọng về màu gì, hình gì, bút pháp gì, bố cục đậm nhạt gì mà toàn bộ cái mộng du đó nó sẽ chỉ huy người hoạ sĩ. Đấy là cái đẹp của Nguyễn Quang Thiều".
Hoạ sĩ Đào Hải Phong chia sẻ, anh quen nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cỡ chục năm và biết rõ lộ trình vẽ của ông. "Tôi luôn thấy rằng Nguyễn Quang Thiều rất có lửa để cho giới hoạ sĩ, giới văn chương thơ ca được hâm nóng trong những lúc có vẻ đang nguội lạnh. Nguyễn Quang Thiều rất có gu trong hội hoạ. Dù không được học trường lớp nào nhưng Nguyễn Quang Thiều sử dụng màu rất nhuần nhị.
Với tôi đây là một trong những nhà thơ vẽ mà tôi thích nhất từ trước tới nay. Tranh của Nguyễn Quang Thiều nhìn không bị mệt mặc dù ông ấy vẽ đôi khi rất ẩn chứa điều gì đó. Nhưng quan trọng nhất đối với tôi vẽ để Nguyễn Quang Thiều giải thoát chính mình. Nguyễn Quang Thiều thông minh khi tới với hội hoạ bằng con đường tắt như vậy. Quan trọng nhất đối với Nguyễn Quang Thiều là thống nhất về phong cách, ngay cả trong giới chuyên nghiệp, học hành ra chưa chắc đã có sự thống nhất phong cách đó.
Không nên so sánh với Nguyễn Quang Thiều với hoạ sĩ chuyên nghiệp. Nguyễn Quang Thiều chỉ nên là Nguyễn Quang Thiều mà thôi, như thế thật công bằng với ông ấy", hoạ sĩ Đào Hải Phong chia sẻ.
Hoạ sĩ Thành Chương là người theo dõi Nguyễn Quang Thiều bước vào con đường hội hoạ ngay từ đầu và chứng kiến sự phát triển của "nhà thơ vẽ", thế nhưng đến với triển lãm này ông bị bất ngờ. "Tôi không nghĩ rằng Nguyễn Quang Thiều bước vào hội hoạ lại đoàng hoàng chững chạc như thế này. Gần đây có nhiều nghệ sĩ, nhà thơ, nhà văn bước sang làm hội hoạ và được cho là thành công. Thế nhưng theo tôi, vì họ đã thành danh trên con đường của họ trước đó thì nghiễm nhiên bước sang hội hoạ, tên tuổi của họ đã đảm bảo cho sự thành công.
Nhưng với tôi, nhà thơ bước sang hội hoạ thành công không nhiều. Trước đây có nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn là hai nhạc sĩ tài năng bước sang lĩnh vực hội hoạ rất thành công và bây giờ, hoạ sĩ Nguyễn Quang Thiều là người thứ 3. Ở Trịnh Công Sơn có hồn nhiên trong hội hoạ, lãng mạn trong nghệ thuật tạo hình, Văn Cao thông minh, khúc triết trong nghệ thuật tạo hình của mình thì trong tranh của Nguyễn Quang Thiều hội tụ cả hai điều đó. Nguyễn Quang Thiều lại có điều khác nữa mà ở Trịnh Công Sơn, Văn Cao không có bởi ông là con người của chữ nghĩa, là con người của cội nguồn gốc rễ quê hương làng xóm sâu nặng. Nên trong tranh của Nguyễn Quang Thiều đậm chất làng xóm quê hương.
Hội hoạ quan trọng là tạo hình, thật nguy hại nếu tác phẩm nào của hoạ sĩ lại mang tinh thần văn thơ vào. Nhưng riêng với Nguyễn Quang Thiều lại không bị như thế. Việc đưa chữ vào trong tranh khó, tôi cũng từng làm rồi nhưng chữ nghĩa Nguyễn Quang Thiều đưa vào tranh rất tài tình, tạo ra mảng miếng bức tranh thêm đa dạng phong phú".
Một số tranh trưng bày trong triển lãm:
Tình Lê
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: 'Tôi là người đi ngang qua cánh đồng hội hoạ'
Lần đầu tiên triển lãm các tác phẩm hội hoạ của mình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều không cảm thấy áp lực bởi ông bảo: "Tôi không phải là họa sĩ mà chỉ là kẻ bị màu sắc thống trị".