Khởi hành với niềm đam mê xê dịch
Với đam mê ”xê dịch”, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã đi dọc Việt Nam, đến từng tỉnh thành để “triệt phá các tổng kho hành quyết chim trời", phiêu lưu đến đất nước Bhutan nhằm khắc họa “những hang hổ vờn mây trên nóc nhà thế giới”, và lao mình đến châu Phi để phơi bày sự thật đắng lòng về cao hổ...
Đó chỉ là số ít trong những cuộc hành trình mà nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã chinh phục trên chặng đường làm nghề của mình.
Anh chia sẻ: “Lúc đầu tôi chỉ nghĩ đây là việc mình làm để có bài đăng báo, có phóng sự trên truyền hình, có bài giảng thật hay. Nhưng càng làm càng thấy trọng trách đặt lên vai mình, nhất là khi bạn bè quốc tế dành cả sự nghiệp cho vấn đề này. Nếu mình không nhiệt huyết thì sẽ có lỗi với sự nhiệt tình, cái hết lòng của họ cho cộng đồng lắm”.
Đối với Đỗ Doãn Hoàng, ngoài đam mê, tài năng thì cộng đồng xã hội chính là động lực lớn để anh hoàn thành những bài báo, phóng sự của mình.
Những vấn đề về động vật hoang dã được nhà báo Đỗ Doãn Hoàng khai thác đều chạm đúng điểm nóng của xã hội. Đó là những tin tức về loài tê giác nơi rừng sâu với “Nạn săn bắn giết hại, buôn bán và sử dụng sừng tê giác từ châu Phi về Việt Nam”, về loài rùa biển khi anh phơi bày hiện trạng buôn bán mai rùa biển trái phép tại Nha Trang, và gần đây nhất là về những loài chim quý hiếm trong “10 ngày hành xác ở xứ thiên đường”.
Điều tra các vụ án buôn lậu và thương mại động vật hoang dã, đặc biệt là ở những vùng đất có sự quản lý nghiêm ngặt là điều không hề dễ dàng. Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ, có những lúc anh phải vượt qua những khó khăn như thời tiết khắc nghiệt, đe dọa từ các tổ chức bất hợp pháp, và hiểm nguy tiềm ẩn trong mỗi cuộc hành trình. Điều này đòi hỏi bản thân cần phải luôn cảnh giác, chấp nhận rủi ro và cân nhắc tỉ mỉ trong từng bước đi.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng và hành trình vạn dặm bước chân
Khi được hỏi về việc lựa chọn chủ đề bài viết, anh nói: “Tùy theo từng giai đoạn mà tôi đầu tư một chủ đề nào đó. Ví dụ như sau khi chúng tôi chiến đấu bảo vệ tê giác thì người ta đã tỉnh ngộ và bớt dùng sừng tê giác rồi. Còn bây giờ người ta ăn thịt chim quá nhiều và chúng tôi lại đứng ra thành lập chi hội bảo tồn chim Việt Nam. Cho nên chúng tôi nói rất nhiều về chim, đến bao giờ người ta tỉnh ngộ về chim thì chúng tôi lại nói về loài khác”.
Làm đến cùng, giải quyết triệt để là kim chỉ nam mà nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã đi theo trong suốt những phóng sự của mình.
Tăng tốc cùng góc nhìn đa chiều
Nghề báo đòi hỏi phải có góc nhìn đa chiều, toàn diện. Chính vì thế, mọi bài viết, phóng sự của Đỗ Doãn Hoàng đều tận dụng tài liệu từ quá khứ, thậm chí vài trăm năm trước để phục vụ cho những nghiên cứu của mình.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trong những chuyến công tác
Khi được hỏi về mục đích và lợi ích của việc nghiên cứu những tài liệu ấy, anh thẳng thắn: “Tôi vốn học Hán Nôm, cũng biết một chút chữ Nho, thế rồi cũng đi nhiều nước, biết một chút tiếng Anh nên tôi đào vấn đề từ trong lịch sử sâu xa theo quá trình. Có tài liệu Hán Nôm, có tài liệu tiếng Anh, có những cuốn sách cổ, nguồn tài liệu mà những người nghiên cứu về vấn đề này họ đã thu gom, tìm hiểu và phân tích. Đứng trên vai những người khổng lồ như vậy, mình tìm tài liệu càng sâu thì mình sẽ có cái nhìn toàn cảnh hơn”.
Với câu chuyện về ngà voi, anh chia sẻ, không phải ngẫu nhiên mà nó được thần thánh hóa như thế. Hình ảnh chiếc ngà voi đã xuất hiện rất nhiều trong những câu chuyện cổ tích, thần thoại, và dần dà sự mù quáng về công dụng thần kì của ngà voi hình thành. Nếu không hiểu gốc rễ, người làm báo sẽ khó để giải quyết triệt để, và vì thế vấn nạn sẽ tiếp tục hoành hành.
“Người giám hộ” rừng xanh
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng tâm sự, anh luôn mang bên mình câu hỏi “bạn có thể đong đếm được đóng góp của bạn cho xã hội hay không?”. Có lẽ, chính vì lý tưởng đó mà suốt hơn 2 thập kỷ qua anh chưa bao giờ dừng lại.
Điển hình là loạt bài “Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng”, đích thân anh đã gặp Công an tỉnh Nghệ An để trình bày sự việc. Sau đó anh lại mời các chuyên gia, nhiều lãnh đạo, bộ ngành, đại biểu Quốc hội... cùng lên tiếng xử lý vấn đề triệt để, tác động mạnh mẽ đến toàn xã hội.
Sự kính nghiệp, tâm huyết đã làm nên sức mạnh cho ngòi bút của nhà báo họ Đỗ
Anh trải lòng: “Càng ngày vấn đề môi trường càng trở nên trầm trọng và câu chuyện mà chúng ta phải tư duy nhiều hơn trong thời gian tới chắc chắn cũng sẽ về môi trường. Vấn đề không chỉ là rừng, biến đổi khí hậu, không chỉ là những đau thương của thiên nhiên mà quan trọng hơn là văn hóa ứng xử với môi trường sống và vấn đề truyền cảm hứng cho thế hệ sau”.
Nhìn vào nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, người ta không thấy điểm dừng của những bước chân. Đọc bài báo của anh viết, người ta không nhìn thấy giới hạn của những con chữ. Hành trình của người đàn ông “dưới gầm trời lưu lạc” này chắc chắn sẽ không chỉ là vạn dặm, mà sẽ còn nữa, còn mãi...